Nhìn lại chiến lược nhà ở quốc gia 2011-2020, tầm nhìn đến 2030

Giải quyết nhà ở cho người lao động - cần một lối thoát khẩn cấp

Bằng Linh |

Nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân lao động được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại trong hai buổi làm việc cuối tuần qua với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ngày 24.12) và Bộ Xây dựng (26.12). Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã ban hành 10 năm nhưng kết quả không được như mong đợi. Điển hình là nghịch lý: Người nghèo, người lao động thiếu nhà nhưng các dự án cao cấp lại được đầu tư tới mức thừa thãi.

Giấc mơ có nhà của người lao động còn xa vời

Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 chia làm các giai đoạn. Trong đó, đến năm 2015, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và hỗ trợ các hộ nghèo khu vực nông thôn; phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu mét vuông nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị (chủ yếu là nhà căn hộ chung cư); đáp ứng cho khoảng 60% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở; hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 400.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở. Giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ cho khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.

Thế nhưng, báo cáo của Bộ Xây dựng trong buổi làm việc với Thủ tướng ngày 26.11 cho thấy, đến nay, tổng diện tích nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp mới hoàn thành 5,21 triệu mét vuông. Như vậy, ngành Xây dựng mới chỉ đạt 42% mục tiêu.

Trang web của Bộ Xây dựng dẫn các con số cụ thể được Tạp chí Xây dựng và Đô thị đưa ra một thực tế: Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn… Đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số ở khu vực đô thị. Như vậy, theo tính toán của Bộ Xây dựng, thời điểm hiện nay, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công dân có nhu cầu ổn định chỗ ở.

Ngoài ra, theo kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến tháng 7.2020 chưa có dự án nào hoàn thành. Tại TPHCM, giai đoạn 2016-2019, chỉ mới xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 14 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 15,8ha, quy mô 10.255 căn hộ, trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 134.000 căn.

Cũng ở TPHCM, Báo Lao Động nhiều lần phản ánh vấn đề người lao động nhiều lần nộp đơn vẫn chưa có nhà để mua. Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), vừa qua, thành phố đã hoàn thành phần thô 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.213 căn hộ. Hiện tại, có 5 dự án đang thi công xây dựng với quy mô 4.758 căn hộ, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Song, đây cũng chỉ là những dự án cũ kéo dài từ nhiều năm trước, còn trong năm 2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nên làm sụt giảm cả nguồn cung về nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội.

Cụ thể như trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng TPHCM đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án, tuy nhiên trong đó cũng chỉ có 163 căn nhà thuộc phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2), chiếm tỉ lệ 2,5%, giảm đến 98,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong năm 2020, căn hộ hạng C (giá thấp) vẫn tiếp tục khan hiếm, thậm chí không có. Nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở từ 25 triệu đồng/m2 trở lên hiện chỉ chiếm 20%-30%. Còn nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân chiếm đến 70%-80% thị trường nhưng thiếu nguồn cung trầm trọng.

“Lối ra” nào để có nhà giá rẻ cho công nhân, người lao động?

Cũng tại cuộc gặp với Thủ tướng hôm 26.12 vừa qua, Bộ Xây dựng thừa nhận, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội và thương mại giá thấp nên chưa đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận dân chúng còn hạn chế về thu nhập. Hiện một số doanh nghiệp vẫn tập trung vào các loại hình bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng. Nguyên nhân là cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội và thương mại giá rẻ nói riêng còn thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh. Nhiều điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường nên khó khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia.

Các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật lên vấn đề các nguồn vốn hỗ trợ cho người thu nhập thấp từ ngân sách còn hạn chế trong khi nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vì tuy được ưu đãi thuế đất, nhưng không bị khống chế về giá, lợi nhuận, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công… không giảm. Cùng với đó, lãi suất vay vốn cao, lợi nhuận do bị khống chế giá bán, thời gian thu hồi vốn chậm.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần xem xét các đề xuất để ban hành tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã có quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý. Đối với vấn đề nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ tín dụng để người mua trả góp nhà ở xã hội có thể được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý nhất.

Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành - sự thiếu hụt các dự án nhà giá rẻ, nhà ở xã hội một phần do lợi nhuận bị khống chế, yêu cầu lãi khung trong 10%-15%. Ngoài ra, thủ tục làm nhà ở xã hội giống như các thủ tục đối với nhà ở thương mại nên nhà đầu tư không mặn mà. Nếu nhà nước cởi trói và hỗ trợ được nhiều chính sách tốt hơn thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, như vậy người có thu nhập thấp mới có thể tiếp cận được.

Tìm lối ra cho vấn đề nhà ở cho người lao động, người nghèo theo giai đoạn tầm nhìn đến 2025 và 2030, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Xây dựng quan tâm nhiều hơn tới phân khúc nhà ở giá rẻ cho người lao động, công nhân. Theo đó, để làm được nhà ở xã hội phải thu xếp được quỹ đất. Thủ tướng yêu cầu những địa phương có khu công nghiệp phải tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân.

Cũng cần nhắc lại, trong buổi làm việc với lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng cũng đặt ra vấn đề nóng, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì, phối hợp với Tổng LĐLĐVN và Văn phòng Chính phủ tham mưu ban hành một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng sống cho công nhân lao động. “Chúng ta cùng bắt tay nhau lo cuộc sống tốt hơn cho công nhân trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh và lấy ví dụ “nhà ở cho người lao động thì ai lo, trước hết là các địa phương, các khu công nghiệp phải lo, phải dành quỹ đất cho việc này và chúng ta thực hiện thiết chế công đoàn tốt hơn, trong đó có vấn đề nhà ở, trường học, căng tin, nhà trẻ”. Nhà nước bố trí nguồn lực hỗ trợ cùng với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Thủ tướng mong doanh nghiệp, người sử dụng lao động vừa lo phát triển doanh nghiệp đồng thời phải lo cho công nhân, lao động để hài hòa lợi ích, không để người lao động thất nghiệp.

Nhìn lại chiến lược quốc gia về nhà ở, rõ ràng mục tiêu phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động chưa đạt được những chỉ số đề ra khi kết thúc năm 2020. Giai đoạn 2021- 2030 cần có những đột phá về chính sách để “mở lối” với nhà giá rẻ cho công nhân, người lao động nhằm thực hiện chỉ đạo “không để ai tụt lại phía sau” của Thủ tướng.

Bằng Linh
TIN LIÊN QUAN

Môi giới tự bán nhà ở xã hội, người dân dễ gặp rủi ro

Bảo Chương |

Với người thu nhập thấp, việc đăng ký được một suất mua nhà ở xã hội không đơn giản. Và cũng chính vì vậy, rất nhiều người môi giới gian dối trong việc mua bán suất nhà ở xã hội, nếu người dân không tìm hiểu kỹ rất dễ rủi ro.

Nhà ở an toàn cho người dân vùng bão lũ: Không thể tạm bợ

Vũ Long |

Cần xây dựng mô hình nhà ở an toàn phòng chống thiên tai cho người dân vùng bão lũ theo tiêu chí: Chắc chắn, hợp lý, không lãng phí.

Nhà ở xã hội tại TPHCM: Nguồn cung giảm, người thu nhập thấp khó tiếp cận

HỮU HUY |

Tại TPHCM, nhu cầu nhà ở xã hội, căn hộ giá thấp cho người lao động, người có thu nhập thấp là rất lớn. Tuy nhiên, dù nhu cầu tăng theo từng năm, nhưng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở xã hội, căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) lại đang giảm mạnh bởi nhiều tác động…

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Môi giới tự bán nhà ở xã hội, người dân dễ gặp rủi ro

Bảo Chương |

Với người thu nhập thấp, việc đăng ký được một suất mua nhà ở xã hội không đơn giản. Và cũng chính vì vậy, rất nhiều người môi giới gian dối trong việc mua bán suất nhà ở xã hội, nếu người dân không tìm hiểu kỹ rất dễ rủi ro.

Nhà ở an toàn cho người dân vùng bão lũ: Không thể tạm bợ

Vũ Long |

Cần xây dựng mô hình nhà ở an toàn phòng chống thiên tai cho người dân vùng bão lũ theo tiêu chí: Chắc chắn, hợp lý, không lãng phí.

Nhà ở xã hội tại TPHCM: Nguồn cung giảm, người thu nhập thấp khó tiếp cận

HỮU HUY |

Tại TPHCM, nhu cầu nhà ở xã hội, căn hộ giá thấp cho người lao động, người có thu nhập thấp là rất lớn. Tuy nhiên, dù nhu cầu tăng theo từng năm, nhưng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở xã hội, căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) lại đang giảm mạnh bởi nhiều tác động…