Bà Nguyễn Thùy Như, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bạc Liêu ngày 5.8 cho biết đến thời điểm này qua thống kê từ các địa phương đã có gần 80.000 lao động tự do cần hỗ trợ. Các địa phương cũng đã dự tính tổng số tiền hỗ trợ hơn 115 tỉ đồng.
Ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết huyện đã thống kê nhóm hộ kinh doanh có 90 hộ; nhóm trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế là 303 người (có 21 trẻ em). Ngoài ra, còn hỗ trợ thêm cho đối tượng phụ nữ mang thai, trẻ dưới chưa đủ 6 tuổi là 832 người, mỗi người 1 triệu đồng. Riêng nhóm lao động tự do là hơn 15.780 người, được hỗ trợ 28 ngày, mỗi ngày 50.000 đồng.
Ông Phúc cho biết: “Tổng kinh phí cho các nhóm trên hơn 23,6 tỉ đồng. Huyện đã gửi tờ trình đến Sở Lao động Thương binh Xã hội, Sở Tài chính để xem xét. Khi nào cơ quan thẩm quyền chuyển kinh phí, huyện sẽ hỗ trợ ngay cho các đối tượng này”.
Có ít nhất 12 nhóm đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được hỗ trợ. Cụ thể, người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu).
Người làm công nhật lột tôm, công nhật chặt đầu cá, đi ghe lưới, kéo tôm; thợ hồ, phụ hồ; hớt tóc, làm tóc, làm móng tay, chân; tài xế, lơ xe, chạy đò chở khách; giúp việc nhà, bảo vệ, tiếp thị, phụ bán hàng; lao động làm việc tại các cơ sở nghề truyền thống đan đát, rèn, sản xuất bánh kẹo, nước uống.
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị Sở Tài chính làm các thủ tục tạm ứng ngay cấp phát cho các huyện, thành phố để các đơn vị này phát đến tay người dân trong tuần, không để người dân chờ đợi lâu.