Xin lỗi vì “ngộ nhận”
Bài viết trên trang cá nhân của thầy giáo Ngọc viết: “Trong những ngày qua, vấn đề ô nhiễm không khí đột nhiên trở thành mối quan tâm lớn của người dân Việt Nam. Các số liệu được cung cấp bởi Airvisual đã gây ra những tranh cãi, hoài nghi về tính chính xác, khách quan cả trong công chúng và các chuyên gia môi trường. Do chúng tôi chưa được cung cấp thông tin chi tiết về cách thức Airvisual thu thập thông tin, bố trí các điểm quan trắc, tính tin cậy của phương pháp đo, độ chính xác của thiết bị đo, cách hiệu chỉnh sai lệch giữa các lần đo, cách tính giá trị trung bình, quy trình vệ sinh các đầu do sau khi đo...”
Bên cạnh đó, thông tin về việc "Hà Nội đứng số 1 trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới" lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội ở Việt Nam gây ra nhiều hoang mang…
Do nhận thấy việc sắp xếp này có phần không hợp lý khi bỏ qua nhiều thành phố lớn có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn nhiều so với Hà Nội (thể hiện trên chính các số liệu quan trắc của AirVisual), tôi có phân tích những điểm bất thường đó trên trang cá nhân của tôi. Việc này có thể đã dẫn tới những phản hồi tiêu cực của người dùng trên các trang fanpage và chợ ứng dụng đối với AirVisual.
Qua bài viết giải thích trên blog của AirVisual (https://www.airvisual.com/…/concern-in-vietnam-at-hanoi-top…) và thông tin trên báo chí, tôi hiểu rằng ở đây đã có sự ngộ nhận về cách thức xếp hạng của AirVisual và Hà Nội sự thực không phải thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Tôi rất lấy làm tiếc khi những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam. Tôi hy vọng khi những hiểu lầm về cách xếp hạng của AirVisual đã được làm rõ, các bạn sẽ nhanh chóng trở lại hoạt động tại Việt Nam, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, xác thực và có những đóng góp tích cực trong việc đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố lớn của chúng tôi”.

“Tấn công phối hợp”
Trước đó chiều ngày 7.10, Reuters đã có bài viết đề cập đến sự biến mất của AirVisual trên hai chợ ứng dụng nổi tiếng AppStore và Google Play đối với khu vực Việt Nam là do bị “tấn công phối hợp để làm mất uy tín của công ty sau khi dữ liệu của họ cho thấy Hà Nội gần đây đã đứng đầu danh sách 90 thành phố lớn bị ô nhiễm không khí”.
Hãng tin này cũng cho rằng “vụ tấn công xảy ra sau khi người dùng Facebook Việt Nam Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên hóa học trực tuyến có gần 350.000 người theo dõi trên trang web, cho biết trong một bài đăng dài rằng AirVisual đang thao túng dữ liệu của mình để bán máy lọc không khí do công ty mẹ IqAir sản xuất”.
Trong một số bài viết trên trang cá nhân, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho biết AirVisual đã đầu tư mở showroom tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, và công mẹ của AirVisual là IqAir đã lập website bán hàng cũng như fanpage tại Việt Nam.
Ở một diễn biến khác, trên trang cá nhân của ông Đỗ Cao Bảo – nguyên Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT – có bài viết về AirVisual cho biết, công ty mẹ IqAir (sở hữu AirVisual) là một công ty tư nhân có trụ sở tại Thụy Sĩ và Hoa Kỳ (Private Company), được thành lập năm 1963, chuyên cung cấp máy móc và dịch vụ trong lĩnh vực ô nhiễm không khí.
Các sản phẩm và dịch vụ của IqAir bao gồm: Máy lọc không khí trong phòng (nhà ở); hệ thống làm sạch không khí thương mại lớn (cho văn phòng, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại); làm sạch không khí và sưởi ấm không khí HVAC; máy đo nồng độ ô nhiễm không khí (giám sát chất lượng không khí); AirVisual là ứng dụng miễn phí trực quan hóa chất lượng không khí toàn cầu và siêu cục bộ, hiện đã có 1 triệu người tải ứng dụng này…
Trong một bài viết của mình, thầy giáo hóa học Vũ Khắc Ngọc ám chỉ rằng Airvisual “bán hàng bằng sự sợ hãi”.
Thầy giáo Ngọc đã bị phản ứng khá dữ dội trên Facebook sau khi phía AirVisual rút app khỏi hai chợ Google Play và AppStore đối với khu vực Việt Nam.