Đường kết nối quá tải, thường xuyên ùn tắc
Quốc lộ 13 là một trong những tuyến huyết mạch kết nối Bình Dương với TPHCM, nhưng hiện chỉ có 6 làn xe. Tuyến đường này nhiều xe máy, ôtô cá nhân và xe khách lưu thông. Đoạn từ trạm thu phí Suối Giữa (thành phố Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình (thành phố Thuận An, Bình Dương giáp ranh TPHCM), mật độ phương tiện rất đông vào giờ cao điểm. Càng gần TPHCM, việc ùn ứ trên Quốc lộ 13 càng nghiêm trọng.
Một tuyến đường huyết mạch khác nối với TPHCM là đường Mỹ Phước Tân Vạn. Tuyến đường này đi qua nhiều khu công nghiệp và trung tâm logistics của Bình Dương. Hầu hết xe tải, container vận chuyển hàng hóa ở Bình Dương đều chọn tuyến này để về hướng TPHCM. Đoạn từ vòng xoay Định Hòa (Thủ Dầu Một) đến ngã ba Tân Vạn (thành phố Dĩ An, Bình Dương giáp ranh TPHCM) hiện chỉ có 6 làn xe chạy, thường xuyên xảy ra ùn ứ. Đoạn qua địa bàn Thuận An và Dĩ An việc ùn ứ diễn ra nhiều hơn, khiến các xe tải ép xe máy phải leo lên vỉa hè di chuyển.
Ngoài hai tuyến đường trên, kết nối Bình Dương với TPHCM còn các đường quốc lộ 1K, ĐT 743 (thành phố Dĩ An), đường Tỉnh lộ 43, đường qua cầu Phú Long (thành phố Thuận An), đường qua cầu Phú Cường (thành phố Thủ Dầu Một). Trên các tuyến đường này cũng rất đông các phương tiện, thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Đáng nói, các đường phía bên TPHCM nhỏ hẹp, nhiều đường mới chỉ có 2 làn xe chạy.
Tốc độ mở rộng đường chậm
Để giảm ùn tắc, tỉnh Bình Dương đang thực hiện mở rộng tuyến đường kết nối với TPHCM. Thế nhưng theo ghi nhận, quá trình thực hiện chậm và kéo dài. Trong đó, dự án mở rộng quốc lộ 13 từ 6 làn lên 8 làn xe được HĐND tỉnh Bình Dương ban hành nghị quyết từ năm 2019, đến tháng 4.2022 mới khởi công dự án. Tuy nhiên, tiến độ thi công trục đường này hiện nay rất chậm.
Công tác giải phóng mặt bằng thi công vẫn chưa xong, hiện nhà dân, cơ sở doanh nghiệp ở Thuận An vẫn chưa được giải tỏa. Đáng nói nhất là đường lưới điện vẫn hiện hữu, chưa được di dời vào bên trong. Vì vậy tiến độ thi công rất chậm, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của người dân và đời sống của người dân trên quốc lộ 13.
Trong khi đó, đối với tuyến Mỹ Phước Tân Vạn việc mở rộng cũng chưa được thực hiện. Tuyến này có 15,3km trùng với dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Hiện Bình Dương vẫn đang cùng với TPHCM và các bộ ngành tính toán phương án, nguồn vốn thực hiện.
Trong khi đó, các tuyến đường nhánh khác thì Bình Dương chưa có dự án mở rộng hoặc còn phải chờ ở phía TPHCM.
Sớm khởi công thêm 2 dự án kết nối TPHCM
Vừa qua, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua nghị quyết để thực hiện đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành. Điểm đầu của dự án là cầu vượt Gò Dưa sau đó đi theo đường Bình Chiểu kết nối với Bình Dương đi dọc trục ĐT 743. Theo UBND tỉnh Bình Dương, dự kiến tháng 9.2024 khởi công dự án đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, đường Vành đai 4 TPHCM dự kiến tháng 7.2024 khởi công đoạn qua Bình Dương từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn. Hai dự án này sẽ được thi công và hoàn thành từ nay đến năm 2027. Khi đưa vào sử dụng sẽ tăng tính kết nối với TPHCM và giảm áp lực cho các tuyến đường khác.