TP.Hồ Chí Minh đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước:

Đừng để dân chịu thêm phí nhưng đường vẫn ngập, ô nhiễm

MINH QUÂN |

Sau khi Báo Lao Động đăng bài viết “Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước: Không hết ngập thì ai chịu trách nhiệm?”, Thủ tướng Chính phủ vừa giao UBND TPHCM nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các tác động và tính khả thi của đề xuất thu phí thoát nước; đồng thời có giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án chống ngập của thành phố.

Người dân lo tiền nước tăng cao

Như Báo Lao Động đã phản ánh, Sở Xây dựng TPHCM đã có tờ trình UBND TPHCM về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn giai đoạn 2020-2024 thay thế cho phí bảo vệ môi trường (thu theo sử dụng nước sạch).

Theo tờ trình của Sở Xây dựng TPHCM, việc thu phí thoát nước thực hiện theo Nghị định 80/2014 của Chính phủ, quy định trách nhiệm về lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ thoát nước. Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án thu phí thoát nước, trong đó phương án tăng trung bình mỗi năm 5% được đánh giá khả thi. Theo đó, trong năm 2019, Nhà nước thu phí bảo vệ môi trường bằng 10% giá nước sạch, đến năm 2020 sẽ thu giá dịch vụ thoát nước bằng 15% giá nước sạch, tương đương 1.439 đồng/m3. Đến năm 2024, mức thu giá dịch vụ thoát nước bằng 35% giá nước sạch, tương đương 4.327 đồng/m3.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, mức thu đề xuất như trên ít có tác động đến thu nhập người dân, đặc biệt là người nghèo ở mức có thể chấp nhận được. Ngoài ra, sở này còn trích dẫn nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá việc áp dụng giá dịch vụ thoát nước “không ảnh hưởng nhiều” đến đời sống của đại bộ phận người dân TPHCM. Cụ thể, theo đánh giá của WB, mức độ tác động và ảnh hưởng đến thu nhập, đặc biệt là các hộ nghèo khi thu phí dịch vụ thoát nước chỉ từ 0,051% năm 2020 và 0,197% năm 2024.

Tuy nhiên theo tìm hiểu từ người dân, thì điều khiến các hộ lo lắng là với mức thu như đề xuất của Sở Xây dựng, số tiền thực tế phải trả cho hóa đơn nước có thể còn cao hơn như vậy do từ tháng 11.2019, giá bán lẻ nước sạch tại TPHCM cũng đã bắt đầu điều chỉnh tăng 5-7% mỗi năm cho đến năm 2022.

Chị Mai Thị Oanh (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) cho rằng, nếu đề xuất thu phí dịch vụ thoát được thông qua thì người sử dụng nước trên địa bàn thành phố sẽ chịu cảnh tăng phí chồng phí, chưa kể VAT. Trường hợp tờ trình này được duyệt đến năm 2024, người sử dụng nước sẽ phải trả khoản 45% thuế phí bao gồm 35% giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cùng 10% VAT.

“Ví dụ một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 1 triệu đồng tiền nước sẽ đóng thêm khoảng 450.000 tiền thuế phí vào năm 2024, đó là chưa kể đến lúc đó giá nước sạch cũng sẽ tăng 20-28%; như vậy tổng cộng mỗi hộ dân phải trả thêm gần 70% so với hoá đơn nước hiện tại. Mức tăng này theo tôi là quá cao, nhất là đối với người có thu nhập thấp” - chị Oanh chia sẻ.

KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị cho rằng, Sở Xây dựng dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) - tác động của loại giá này là rất nhỏ đối với thu nhập của người dân TPHCM nhưng người dân đâu chỉ có đóng chi phí này. Nhiều công nhân, người lao động lương trung bình chỉ vài ba triệu nhưng phải đóng đủ các loại thuế, phí, giá… Tính ra, số tiền còn lại có đủ để họ duy trì cuộc sống ổn định không?

“Ở Mỹ, người dân phải đóng thuế rất cao, nhưng chính phủ cũng phải giới hạn tổng các loại phí, thuế không quá 20% thu nhập người dân. Nếu cao hơn, họ sẽ được hoàn thuế. Trong khi tại Việt Nam, rất nhiều loại thuế, phí đổ lên đầu dân, khoản nào cũng kêu tác động không nhỏ nhưng gộp chung lại chiếm bao nhiêu phần thu nhập của họ thì không thấy có khảo sát” - ông Sơn đặt vấn đề.

Cần đầu tư minh bạch và phải cam kết không còn cảnh ngập

Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho biết, việc thực hiện thu phí thoát nước chỉ hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân khi có đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá. Bên cạnh đó, phải có lộ trình nghiên cứu lâu dài xem việc áp dụng mức phí mới có hợp lý, có công khai, minh bạch, sử dụng phí có đúng mục tiêu, mục đích hay không? Điều này càng cần thiết khi những vấn đề trong đầu tư chống ngập, duy tu xử lý nước thải trên địa bàn thành phố đang tiêu tốn quá nhiều nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. “Nếu không làm rõ, việc thu phí sẽ khiến người dân nghi ngờ, bàn tán” - ông Thắng nói. Cũng theo ông Thắng, vấn đề xây dựng phí dịch vụ thoát nước cho từng đối tượng khác nhau chưa được thể hiện rõ trong tờ trình của Sở Xây dựng, trong khi mức xả thải của hộ gia đình so với những đơn vị nhà hàng, gara, doanh nghiệp là thấp hơn rất nhiều, nếu thu phí dịch vụ bằng nhau sẽ gây nên bức xúc trong xã hội.

Còn theo kỹ sư Vũ Hải - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nước và Môi trường TPHCM - số tiền thu cần được đầu tư minh bạch vào hạ tầng thoát nước và thành phố phải cam kết liệu còn cảnh ngập lụt nữa không. “Câu hỏi đặt ra là, khi tăng giá dịch vụ thoát nước, người dân có còn phải chịu cảnh ngập lụt, ô nhiễm môi trường nữa không? Tình trạng ngập lụt được cải thiện theo lộ trình như thế nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm nếu thu thêm phí dịch vụ thoát nước của người dân nhưng đường phố vẫn ngập nước?” - ông Hải đặt ra hàng loạt vấn đề.

Theo Kỹ sư Vũ Hải, để giải bài toán ngập lụt của TPHCM không phải một sớm một chiều là có thể xử lý được ngay. Tuy nhiên, việc đưa ra một lộ trình rõ ràng cùng những cam kết về hiệu quả cụ thể là điều cần thiết. Quan trọng nhất là các giải pháp đưa ra phải bảo đảm khoa học, minh bạch, phù hợp với thực tế và tránh gây lãng phí.

“Trong đề xuất mới của Sở Xây dựng, phí thoát nước còn được xây dựng theo mức lũy tiến từng năm. Nếu chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng này, cũng như chưa thể đưa ra được lộ trình cùng lời cam kết khi nào người dân sẽ được lợi, khi nào thành phố sẽ hết ngập mà tính toán như vậy là chưa công bằng và rất khó nhận được sự đồng thuận từ phía người dân” - ông Hải nói.

Ngày 26.8, phóng viên Báo Lao Động đã liên lạc với ông Đặng Phú Thành - Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, (Sở Xây dựng TPHCM) - người chủ trì, xây dựng đề án thu phí dịch vụ thoát nước tại TPHCM để hỏi về việc sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thì đơn vị sẽ triển khai tiếp theo như thế nào. Ông Thành cho biết, việc này chưa nhận được chỉ đạo của UBND TPHCM. Phóng viên đề nghị được gặp trực tiếp ông Thành để trao đổi, làm rõ hơn về những nội dung gây tranh cãi trong đề án thu phí dịch vụ thoát nước thì ông Thành từ chối gặp và nói phải gửi công văn qua trước để đơn vị sắp xếp người trả lời.

MINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

TPHCM: Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng nguy cơ tiếp tục trễ hẹn

MINH QUÂN |

Mặc dù đã quá hạn cam kết bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng nhưng huyện Nhà Bè (TPHCM) vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ, khiến dự án nguy cơ trễ hẹn thêm lần nữa.

TPHCM đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước: Không hết ngập thì ai chịu trách nhiệm?

MINH QUÂN |

Giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TPHCM đang được Sở Xây dựng đề xuất là 1.430 đồng/m3 năm 2020 và tăng lên 4.327 đồng/m3 vào năm 2024 đang gây nhiều tranh cãi. Người dân cho rằng, số tiền thu cần được đầu tư minh bạch vào hạ tầng thoát nước và thành phố sẽ cam kết không còn cảnh ngập.

38 tuyến đường ở TPHCM bị ngập sau trận mưa kéo dài gần 6 tiếng

MINH QUÂN |

Trận mưa lớn kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ tối ngày 6.8 khiến 38 tuyến đường ở TPHCM ngập nặng.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

TPHCM: Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng nguy cơ tiếp tục trễ hẹn

MINH QUÂN |

Mặc dù đã quá hạn cam kết bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng nhưng huyện Nhà Bè (TPHCM) vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ, khiến dự án nguy cơ trễ hẹn thêm lần nữa.

TPHCM đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước: Không hết ngập thì ai chịu trách nhiệm?

MINH QUÂN |

Giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TPHCM đang được Sở Xây dựng đề xuất là 1.430 đồng/m3 năm 2020 và tăng lên 4.327 đồng/m3 vào năm 2024 đang gây nhiều tranh cãi. Người dân cho rằng, số tiền thu cần được đầu tư minh bạch vào hạ tầng thoát nước và thành phố sẽ cam kết không còn cảnh ngập.

38 tuyến đường ở TPHCM bị ngập sau trận mưa kéo dài gần 6 tiếng

MINH QUÂN |

Trận mưa lớn kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ tối ngày 6.8 khiến 38 tuyến đường ở TPHCM ngập nặng.