Chậm nhất sẽ khởi công vào 9.8.2020, áp dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới - khẳng định của Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Nguyễn Văn Huyện - tại họp báo về phân luồng giao thông để sửa chữa cầu Thăng Long chiều 20.7.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ, cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11.1974, hoàn thành tháng 5.1985. Sau 35 năm khai thác, đến nay, mặt cầu cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc tiến hành sửa chữa cầu Thăng Long thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi vị trí đặc biệt của cầu.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục ĐBVN) - ông Vũ Hải Tùng, qua thời gian khai thác phần mặt đường trên cầu Thăng Long đã có nhiều chỗ hư hỏng. Do vậy, từ năm 2009 đến nay, dù sau nhiều lần sửa chữa, tuy nhiên, các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để. Để giải quyết tình trạng hư hỏng mặt cầu Thăng Long, Tổng cục ĐBVN đã mời tư vấn độc lập lựa chọn đánh giá tiến hành kiểm định, đánh giá khả năng chịu lực và nghiên cứu các giải pháp sửa chữa mặt mặt cầu.
Trên cơ sở đề xuất của tư vấn thiết kế, ý kiến tham gia của các cơ quan và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công trình giao thông, một số chuyên gia nước ngoài, Tổng cục ĐBVN đã phê duyệt phương án sửa chữa cầu Thăng Long bằng giải pháp sửa chữa bản thép trực hướng bằng kết cấu mặt cầu liên hợp siêu nhẹ.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục đường bộ Việt Nam) - ông Nguyễn Trung Sỹ, mỗi ngày có 16 tuyến xe buýt với trên 10.000 lượt xe buýt qua cầu. Cùng đó, các tuyến xe khách từ các tỉnh đi về bến xe Mỹ Đình và Yên Nghĩa và các xe chở công nhân đi làm hàng ngày, do đó việc luồng đảm bảo ATGT là rất quan trọng; khi triển khai thi công phải hết sức thận trọng, có thể vừa làm vừa chỉnh sửa, bổ sung...
Đại diện Tổng cục Đường bộ khẳng định, lần sữa chữa này - chắc chắn công trình tồn tại ít nhất trên 10 năm - theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Đại diện liên danh thiết kế - Công ty TNHH GTVT và Công ty CP tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm cho biết, sửa chữa cầu Thăng Long sẽ áp dụng một số giải pháp công nghệ và vật liệu mới lần đầu tiên áp dụng trong nước.
Để công tác sửa chữa được đảm bảo, cũng như đảm bảo giao thông, cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông qua tầng 2 cầu Thăng Long trong toàn bộ thời gian sửa chữa. Giảm tốc độ đoàn tầu qua phạm vi giàn thép xuống mức tối thiểu.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư sửa chữa 269,3 tỉ đồng từ nguồn phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.