Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Chưa giải quyết triệt để 5 tồn tại

Quỳnh Chi |

Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 21.4, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (Dự thảo) đã cố gắng giải quyết 5 tồn tại của luật hiện hành (diện bao phủ thấp, khó cân đối quỹ, thiếu sự chia sẻ, điều kiện hưởng lương hưu rất khó, trong khi hưởng BHXH một lần quá dễ). Tuy nhiên, chuyên gia lại cho rằng căn cứ đưa ra để sửa đổi luật thực sự chưa có bước đột phá. Cũng vì thế, Dự thảo chưa giải quyết triệt để tồn tại.

5 bất cập của Luật BHXH hiện hành

Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 được đánh giá có 11 nội dung liên quan, gắn với mức lương cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016. Tính đến tháng 12.2020, cả nước có hơn 16 triệu người tham gia BHXH (chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi). Số thu BHXH năm 2020 đạt gần 260.000 tỉ đồng.

Dù liên quan đến nhiều nội dung về tiền lương, bảo hiểm, hưu trí... của người tham gia nhưng quá trình thực hiện, Luật BHXH đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Thứ nhất, diện bao phủ BHXH và quy mô tham gia còn thấp. Chính sách BHXH hiện hành chưa bao phủ toàn dân. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ để thực sự đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội nên diện bao phủ còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt,... Đến hết năm 2020 vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động, trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH.

Thứ hai, quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn do chính sách BHXH hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, do ngân sách đảm bảo. Khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác, chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.

Thứ ba, chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ mức rộng. Hiện nay tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.

Thứ tư, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.

Thứ năm, theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội thì điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng.

Theo ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Dự thảo có đưa ra căn cứ sửa đổi hệ thống luật hiện hành với những vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, các tồn tại đưa ra để làm căn cứ sửa đổi chưa có gì đột phá. Về căn cơ phải suy nghĩ các vấn đề dài hơi hơn, ví dụ các vấn đề Luật BHXH 2014 nêu ra nhưng chưa thực hiện được. Dù đã chỉ ra hạn chế nhưng vẫn còn bất cập.

Vẫn còn một số mục tiêu cũ!

Về mức đóng BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải làm sao để mức đóng đạt mức 70% tổng thu nhập tiền lương, theo quy định của pháp luật về lao động và nghị quyết của Trung ương.

“Tiền lương phải đúng ý nghĩa tiền lương, phần cứng phải cao hơn phần mềm, chứ không như hiện nay phần mềm đang lớn hơn phần cứng, không phản ánh đúng bản chất của tiền lương. Tiền lương là thước đo giá trị sức lao động phải bằng 70%, 30% là các khoản phụ cấp. Khi đóng BHXH phải đóng 70% mức thực chất tiền lương thực nhận để mức đóng vào quỹ BHXH cao lên, mức nhận cũng cao lên” - ông Lợi nói.

Về ý nghĩa của việc nhận nhiều - đóng nhiều, ông Lợi cho rằng quan trọng nhất còn là để giảm mất cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn. Việc này cũng bổ trợ để giảm dần thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm và có thể xuống 10 năm.

Trả lời câu hỏi việc kiểm soát mức đóng 70% có khó không, trong khi NLĐ và doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều “chiêu” để giảm mức đóng, ông Lợi cho rằng, hoàn toàn có thể tính được việc này. Ví dụ biến phụ cấp thành lương chính, sau đó đóng tối thiểu 70% toàn bộ thu nhập, 30% là phần mềm.

Về việc giảm thời gian có thể hưởng BHXH trong Dự thảo, ông Lợi nêu quan điểm nếu giảm thời gian phải dựa trên mức đóng cao hơn để cân bằng quỹ. Gốc rễ quy định thời gian đóng là muốn nhiều người tham gia BHXH và không vội vã lấy BHXH 1 lần ra để ăn ngay.

“Chính sách cởi mở đến mức NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu, mới đóng BHXH được 10 năm, thì có thể đóng trước 5 năm và đóng sau 5 năm. Hoặc năm nay đủ 55 tuổi, mà 60 tuổi mới được nghỉ hưu, thì đóng BHXH ngay trước 5 năm. Đến 60 tuổi đóng tiếp 5 năm về sau. Như vậy lúc đủ 60 tuổi, đủ điều kiện nghỉ hưu thì đóng thêm 5 năm nữa” - ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, người dân lo ngại việc Dự thảo “làm khó” việc nhận BHXH một lần là không đáng vì chính sách BHXH một lần không mất được. Ví như, người ốm đau bệnh tật, di chuyển ra nước ngoài... không tham gia được nữa thì bắt buộc phải được giải quyết. Nhóm đối tượng nhận BHXH một lần là nhóm đặc thù, cần thiết.

Ông Phạm Minh Huân phân tích, theo quy định hiện hành, NLĐ tham gia đóng BHXH 20 năm, khi nghỉ hưu mới được nhận 45% thu nhập. Vì thế nhiều người muốn hưởng 1 cục. Có 2 vấn đề khó. Việc nhận BHXH một lần trong lần xây dựng Luật BHXH năm 2014 cũng từng tính đến. Thời điểm đó NLĐ không thống nhất nên không thực hiện được.

“Lương hưu cũng hiểu là cân bằng mức đóng - hưởng. Việc có thể nhận lương hưu sau 10 năm đóng BHXH là có thể nhưng mức lương nhận được sẽ rất thấp. Người đóng thấp vẫn nên cho hưởng lương hưu, dù thấp, thay vì hưởng BHXH một lần vì trả 1 cục họ sẽ tiêu hết, sau này cuộc sống bấp bênh”, ông Huân nhấn mạnh.

Chỉ ra nội dung trong Dự thảo đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, ông Huân cho rằng đây là mục tiêu cũ.

“Việc sửa đổi luật nên hướng đến mục tiêu quan trọng nhất: tăng đối tượng tham gia, mở rộng độ bao phủ của BHXH. Hô hào là 1 chuyện, giải pháp như thế nào? Theo tôi giải pháp quan trọng nhất vẫn là thị trường lao động phát triển, nhiều DN mở ra, nhu cầu tuyển dụng tăng, thu hút NLĐ từ khu vực phi chính thức sang chính thức; từ BHXH tự nguyện sang BHXH chính thức. Trước đây có tình trạng trốn đóng, giờ tăng cường kiểm soát đỡ hơn. Thực sự thị trường phải mở rộng để giảm lao động khu vực phi chính thức” - ông Huân nói.

Ngoài ra, ông Huân cho rằng luật phải hướng đến mục tiêu xem trong khu vực phi chính thức nhóm đối tượng nào có thu nhập thường xuyên phải bắt buộc họ đóng. Ví dụ, chủ hệ thống sản xuất nhỏ khu phi chính thức, có thể chuyển tự nguyện sang bắt buộc. Các nước trên thế giới đều áp dụng hình thức bắt buộc, mức đóng khác nhau tùy theo thu nhập vì khu vực phi chính thức thường thấp và không ổn định. Phải tìm nhiều biện pháp từ chính sách đến tổ chức thực hiện.

“Không kéo được NLĐ vào hệ thống thì chịu. Như ý kiến than thở nhiều người già không có lương hưu, nhưng không tham gia lấy đâu ra lương hưu. Nhà nước chỉ hỗ trợ, NLĐ phải cùng lo việc này” - ông Huân cho hay.

Trong Tờ trình Chính phủ, Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung các quy định về việc điều chỉnh lương hưu có quan tâm đối với nhóm có mức lương hưu thấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu. Hiện có hơn hơn 4.000 người đang hưởng dưới mức 1.3 triệu đồng/tháng.

Ông Huân cho rằng đây chủ yếu là nhóm NLĐ về hưu trước năm 1985, năm 1993. Mặt bằng lương và chính sách khác nhau tạo nên sự khác biệt lương hưu giữa các thời kỳ. Nhóm về hưu trước năm 1985 là thấp nhất, sau này có đỡ hơn.

Nhóm hơn 4.000 người hưởng mức dưới 1,3 triệu đồng/tháng có thể thời gian đóng rất thấp. Hướng xử lý cũng không thể lấy người lương cao bù cho người lương thấp. Nếu chính sách chênh lệch giữa các thời kỳ thì Quỹ BHXH trích ra một phần sinh lời, ngân sách cũng bỏ ra cùng hỗ trợ. Nếu mức chung tăng 10% thì nhóm này có thể tăng 12% hoặc 14%.

Quỳnh Chi
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.