Bà Võ Thị Hoa - ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng than thở: “Sau sáp nhập huyện, kinh tế không còn ổn định như xưa. Nhiều hộ kinh doanh buôn bán ở huyện Tây Trà cũ đóng cửa bỏ đi hết. Còn đất đai trên này giờ cho cũng không ai lấy, nói gì đến việc bán đất, vì có mua cũng chẳng biết để làm gì”.
Ngoài khối tài sản công trị giá 516 tỉ đồng bị bỏ hoang sau khi sáp nhập huyện thì số cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện vẫn còn khá lớn
Số cán bộ, công chức, viên chức khối đảng và chính quyền ở huyện Trà Bồng dôi dư 40 người. Theo lãnh đạo huyện Trà Bồng, sau khi sắp xếp, số cán bộ, công chức, viên chức của huyện thuộc diện phải tinh giản là rất lớn và huyện đã cố gắng, nhưng vẫn chưa sắp xếp xong. Hiện ở khối đảng và chính quyền của huyện còn dôi dư 40 người và cán bộ công chức cấp xã dôi dư 7 người. Điều này gây áp lực rất lớn cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ công chức của huyện. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, quản lý, bảo vệ công trình, trụ sở các cơ quan làm việc của huyện Tây Trà cũ dôi dư cũng gặp nhiều khó khăn.
Từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Trà. Sau ngày sáp nhập huyện Tây Trà về Trà Bồng, anh Hồ Văn Vàng hiện ở xã Hương Trà, huyện Trà Bồng nằm trong số nhân dự dôi dư phải tinh giản sau hơn 7 năm công tác và được hỗ trợ hơn 50 triệu đồng theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, anh không còn được nhận bất kỳ chế độ, chính sách nào khác.
“Gia đình không có nương rẫy, hơn một năm nay, tôi chỉ biết ở nhà phụ giúp vợ bán tạp hóa. Thế nhưng, việc buôn bán cũng ế ẩm. Mong Nhà nước xem xét, ban hành những chính sách đặc thù, ưu tiên giải quyết việc làm cho cán bộ trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã sáp nhập”- anh Vàng trải lòng.
Ông Đỗ Đình Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ, sau khi sáp nhập huyện, số lượng cán bộ, công chức dôi dư nhiều. Đa số đều đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chức danh được phân công, đồng thời, phần lớn cán bộ, công chức của huyện, xã tuổi đời còn khá trẻ. Trong khi đó, số lượng người nghỉ hưu đúng tuổi, giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế thì không nhiều. Cơ chế chính sách của trung ương, của tỉnh chưa khuyến khích, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ việc. Do đó, huyện còn lúng túng trong sắp xếp số nhân sự dôi dư.