Phát biểu tại hội nghị Phát triển du lịch Quảng Ninh 2023 sáng nay (17.3) tại TP.Hạ Long, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Quảng Ninh phải có thêm những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, tiêu biểu để phục vụ du khách.
Với tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, nổi trội, Quảng Ninh cần tính toán mở sản phẩm gì, không nên dàn hàng ngang, mà phải chọn có trọng tâm, trọng điểm, để trở thành những sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình.
Đặc biệt, các sản phẩm cần phải gắn với văn hóa, lịch sử, có câu chuyện. Đây cũng là xu hướng chung của toàn thế giới về phát triển du lịch bền vững.

Các chuyên gia, nhà quản lý, những người làm du lịch cũng cho rằng, với tài nguyên du lịch như vậy, cùng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ cả về đường bộ, đường thủy, đường không, du lịch Quảng Ninh hoàn toàn có khả năng vươn xa hơn nữa.
“Ngoài việc phải có thêm những sản phẩm du lịch mới, cũng phải thường xuyên làm mới các sản phẩm đã có bằng cách đưa những giá trị mới vào sản phẩm. Mỗi sản phẩm có phải câu chuyện hấp dẫn thì mới có khả năng thu hút, níu chân và mời gọi du khách trở lại” - chuyên gia Phạm Hồng Long chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Ninh cũng thẳng thắn nhận thấy, về tổng thể phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Các sản phẩm, dịch vụ du lịch biển Quảng Ninh chưa thật sự bền vững và chưa chiếm được vị trí quan trọng, trung tâm, dài ngày và độc lập trong các chương trình du lịch Việt Nam của các hãng lữ hành quốc tế. Còn nhiều tài nguyên du lịch biển đảo có giá trị nổi bật nhưng chưa phát triển được sản phẩm tương xứng. Thắng cảnh độc nhất vô nhị và kỳ thú của vịnh Bái Tử Long và Cô Tô vẫn chưa có khu nghỉ dưỡng cao cấp xứng tầm và các thương hiệu mạnh xuất hiện.

Sở hữu trên 500 di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh, Quảng Ninh có ưu thế vượt trội trong phát triển du lịch văn hóa - tâm linh; quần thể di tích danh thắng Yên Tử đang được xem là sản phẩm điển hình nhất, nhưng chủ yếu hiện nay mới chỉ xuất phát từ nhu cầu tâm linh của khách nội địa. Các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa và sinh thái chưa được khai thác, phát huy tối đa, nhất là thu hút khách quốc tế.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh tập trung củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, thu hút du khách quanh năm, từ khắp năm châu, trở thành một điểm đến “không thể bỏ lỡ” khi đến Việt Nam.
Năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu đạt 15 triệu lượt khách, tăng 500.000 lượt khách so với năm 2019 khi chưa có COVID-19; đạt doanh thu khoảng 32.400 tỉ đồng.
Năm nay, Quảng Ninh sẽ mở thêm 24 sản phẩm du lịch mới, tập trung vào các dòng sản phẩm phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, du lịch về đêm, du lịch sinh thái, nông nghiệp, thể thao mạo hiểm...
Theo đó, các nhóm sản phẩm du lịch mới được đề xuất thuộc 5 địa phương Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà. Trong đó, tại TP. Hạ Long sẽ phát triển tuyến phố đêm, phố đi bộ; núi Bài Thơ; hồ Hải Thịnh; phố đêm du thuyền với dịch vụ ăn uống trên tàu du lịch tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên vịnh; nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long.