Ngày 12.11, UBND TPHCM đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phát triển giao thông xanh TPHCM, còn gọi là dự án xe buýt nhanh BRT sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới (WB).
Dự án xây dựng tuyến BRT số 1 của TPHCM được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 với tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD (sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới). Thời gian thực hiện dự án 5 năm (từ năm 2014 đến 2019). Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm trễ.
Trước tình hình trên, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện dự án thêm 3 năm, tức là từ năm 2014 đến năm 2023.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng cho điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến BRT số 1 từ gần 156 triệu USD xuống còn hơn 143 triệu USD (giảm hơn 12 triệu USD so với trước) sau khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan.
Nguyên nhân tổng mức đầu tư giảm do đã cắt giảm hết lãi vay trong thời gian xây dựng và tăng phần vốn đối ứng từ ngân sách TPHCM thêm 7 triệu USD (từ 13,6 triệu USD thành 20,6 triệu USD).
Tuyến BRT số 1 dài 23 km chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (đi qua các quận huyện: Bình Chánh, Bình Tân, 6, 5, 1, 2) là tuyến đầu tiên trong mạng lưới 6 tuyến BRT được quy hoạch của TPHCM. Tuyến buýt nhanh này sẽ giao cắt với các tuyến metro số 1, 2, 3A và số 5 trong tương lai.
Điểm đầu tuyến tại Bến xe miền Tây và điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (quận 2) gồm các hạng mục: 1 depot ở Thủ Thiêm, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến và 30 xe buýt (sử dụng khí nén thiên nhiên CNG).
TPHCM kỳ vọng sau khi tuyến buýt nhanh BRT số 1 đi vào hoạt động sẽ giúp thời gian vận chuyển ngắn hơn, tiện nghi hơn và an toàn hơn. Từ đó, giảm mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm ùn tắc giao thông.