Theo đó, tình hình thi công xây lắp đến nay, tổng giá trị thực hiện của 4 gói thầu Xây lắp số: 1,2,3,4 là 398,467/501,156 tỉ đồng, đạt 79,51%.
Tổng giá trị giải ngân là 370,684/501,156 tỉ đồng, đạt 73,9%. Trong đó, thanh toán khối lượng hoàn thành là 348,884 tỉ đồng (vốn ODA là 317,646 tỉ đồng, vốn đối ứng là 31,238 tỉ đồng). Số dư tạm ứng là 21,8 tỉ đồng (vốn ODA là 19,818 tỉ đồng, vốn đối ứng là 1,982 tỉ đồng).
Đối với công tác bàn giao mặt bằng, còn 24 trường hợp, tương đương 571,5m chưa bàn giao mặt bằng (địa bàn quận Ninh Kiều là 481,5m, địa bàn quận Cái Răng là 90m).
Cụ thể, 13 trường hợp chưa phê duyệt (thuộc quận Ninh Kiều); 6 trường hợp chưa nhận tiền (quận Ninh Kiều: 5 trường hợp và quận Cái Răng: 1 trường hợp) và 5 trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa di dời (thuộc quận Ninh Kiều). Nguyên nhân chính là do các trường hợp này chưa được bố trí nền tái định cư ngoài thực địa, một số hộ còn khiếu nại về giá bồi thường, hỗ trợ.
Ngoài ra, công tác bố trí tái định cư vẫn còn 197/343 nền chưa bàn giao nền thực địa cho các hộ dân thuộc địa bàn quận Ninh Kiều. Trong đó, khu tái định cư thuộc khu đô thị 2 bên đường Nguyễn Văn Cừ (có 152 nền đã hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng, sẽ bàn giao cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong tháng 7. 2023); khu tái định cư Ninh Kiều dự kiến bố trí 45 nền, trong tháng 7.2023 sẽ bố trí thực địa trước 4 nền cho các trường hợp chưa bàn giao mặt bằng và hoàn thành bàn giao các nền còn lại trong tháng 8.2023.
Trước đó, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vào ngày 8.7, UBND TP Cần Thơ cam kết các vướng mắc về phê duyệt, bố trí tái định cư cho người dân sẽ sớm được giải quyết và bàn giao mặt bằng cho dự án chậm nhất trong tháng 9.2023.
Hiện nay, về phần mặt bằng đã bàn giao, các Nhà thầu đang tiếp tục triển khai thi công những hạng mục tại các vị trí có thể thi công trên công trường.
Với UBND TP Cần Thơ, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng chậm nhất trong tháng 9.2023; Chủ dự án chỉ đạo, đôn đốc các Nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị để thi công công trình đảm bảo hoàn thành trước ngày 31.12.2023.
Do đó, UBND TP Cần Thơ đề xuất gia hạn thời hạn rút vốn cho dự án theo Phương án 2 do AFD gợi ý tại Văn bản số D512.
Cụ thể, hạn rót vốn vào ngày 31.12.2023; thời hạn giải trình vốn ngày 30.6.2024; thời hạn trả nợ cho Kỳ vốn B là 24 kỳ; số vốn đề nghị là 125,794 tỉ đồng (tương ứng với Kế hoạch vốn ODA năm 2023 của dự án đã được bố trí).
Gần đây nhất vào ngày 17.7, tại buổi làm việc giữa UBND TP Cần Thơ và Đoàn công tác Cơ quan phát triển Pháp về dự án kè sông Cần Thơ - ứng phó biến đổi khí hậu, ông Hervé Conan – Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam cho biết, để được gia hạn rót vốn thì Cần Thơ phải có giải trình cụ thể các công việc của dự án này, trong đó phải nêu được cụ thể các mốc thời gian thực hiện đến ngày 31.12.2023.
Dự án kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư hơn 1.095 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ.
Trong tổng vốn này, dự án vay từ AFD hơn 462,46 tỉ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại từ cơ quan này là gần 8 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách địa phương.