Đời măng và những phận người hái lượm

Hữu Vi |

Chẳng nơi nào những cây tre lại kỳ lạ đến thế? Đó là cảm nghĩ khi tôi bước chân vào cánh rừng măng đắng ở huyện Quế Phong, miền biên giới Nghệ An. Khu rừng rộng đến cả trăm mẫu trung bộ này chủ yếu chỉ mọc tre cao hàng chục mét. Sang xuân, khi có tiếng sấm đầu mùa, những mầm măng nhọn hoắt đội đất mà lên.

Người bản địa dường như biết rõ quy luật của mùa măng đắng mà vác cuốc đi đào ngay khi những mầm măng đầu tiên mới chỉ chồi lên mặt đất.

Bắt đầu từ tiếng sấm

Xã Tri Lễ, huyện Quế Phong là địa bàn có độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, có nơi cao đến 1.400m. Thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để những rừng măng đắng sinh sôi. Giữa rừng, những cây tre chỗ mọc thành khóm dày đặc, chỗ chỉ đơn lẻ, thân cây đầy rêu mốc như thể chúng đã sống cả mấy chục năm trời, một tuổi đời hiếm thấy ở loài tre. Chính quyền địa phương hiện cũng chỉ áng chừng là cả trăm, cả nghìn hécta. Nghĩa là nhiều lắm. Khai thác măng là sinh kế của người Mông bản địa.  Họ đào măng đem bán. Chợ lớn, chợ bé ở các trung tâm huyện xã thấy người ta bày bán măng đắng rất nhiều. Hái lượm vẫn ăn sâu trong tập quán sinh tồn của cư dân vùng biên giới này.

Thò Bá Lầu, chủ một rừng măng đắng ven quốc lộ 16, quãng qua bản Pà Khốm (trong tiếng Thái cũng nghĩa là rừng măng đắng) cho hay, anh thừa kế khu rừng từ người cha đã khuất của mình và cũng chẳng thèm quan tâm mình đang sở hữu bao nhiêu diện tích rừng. Anh ta nói hồn nhiên và chẳng mấy để tâm đến các số liệu diện tích, thu nhập, ích lợi từ hái lượm măng, thứ mà báo chí đã thành thói quen vẫn hay hỏi.

Khi tôi theo sau Thò Bá Lầu vào rừng, anh chàng tiết lộ: “Năm rồi, em được 30 triệu đồng” (từ hái măng đắng). Anh nói khi chúng tôi đã lọt thỏm giữa rừng tre: “Có khi anh đứng trên cây măng rồi mà không biết”. T.B.L nói một thứ tiếng Nghệ lơ lớ vốn thấy ở những cư dân rẻo cao khi tiếp những vị khách không cùng ngôn ngữ. Nói đoạn, Lầu cầm cây cuốc bắt đầu đào bới dưới những gốc tre, nơi nhìn qua chẳng có một chút dấu hiệu gì. Nom anh chẳng khác nào một gã phu quặng. Lầu đào bới một hồi lâu, cây măng đầu tiên cũng lộ ra. Cây măng khi còn chưa kịp chui khỏi mặt đất đã bị moi lên. Chỉ trưa nay thôi, chúng sẽ được gùi về bán cho thương lái đã ngồi chực sẵn, vừa uống nước chè vừa chờ gia chủ ở nhà.

Chưa bước qua tuổi lên 6, T.C.H đã có kỹ năng đào măng như người trưởng thành.
Chưa bước qua tuổi lên 6, T.C.H đã có kỹ năng đào măng như người trưởng thành.

Bầy trẻ giữa rừng

Tham gia đào măng cùng Thò Bá Lầu còn có chị vợ và một bầy trẻ lít nhít. Bọn trẻ gồm 4 đứa đều là con của L. Đứa trẻ gái lớn nhất mới lên 8 tuổi cõng theo thằng em đang độ chập chững tập đi trên lưng. Một đứa trai khoảng 5, 6 tuổi cũng đang cầm cuốc đào bới. Ngoài ra, còn đứa út mới 7 tháng tuổi được mẹ cõng trên lưng. Vào mùa măng, cả nhà đều vào rừng, dù còn ẵm ngửa.

Cử Y Rụ quê xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, cách chỗ ở hiện tại gần trăm cây số về làm vợ Bá Lầu từ năm 2011. Trước khi thành vợ Lầu, Y Rụ đã từng một lần đò. Câu chuyện khá éo le. Năm 12 tuổi, khi vừa học xong lớp 5, Y Rụ đã bị “bắt vợ”. Người chồng ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng chị hơn cô vài tuổi. Ở với nhau khoảng 6 năm, chưa có đứa con nào, Y Rụ bỏ về nhà mẹ đẻ, nghiễm nhiên trở lại cuộc đời con gái. Mùa xuân năm ấy, Y Rụ đi ném pao thì gặp Bá Lầu. Lấy nhau chưa được bao lâu, Y Rụ sinh con đầu lòng với Bá Lầu. Cứ thế, chỉ trong vòng 9 năm, cô đã là mẹ của một đàn con 5 đứa.

Lũ con nhà Y Rụ và Bá Lầu cũng như những cây tre trên núi. Chúng cứ thế mà lớn lên. Cha mẹ như chim bố, chim mẹ gần như chỉ biết kiếm mồi nuôi con. Chỉ đứa thứ hai đang học lớp 1 là còn được đến trường. Đám còn lại tối ngày theo cha mẹ. Khi trên nương, dưới ruộng và luồn lách trong rừng tre.

Y Dua, con gái lớn của Bá Lầu lặng thinh đào măng. Trên lưng cõng đứa em chưa đầy 2 tuổi. Cái cán cuốc cao gần ngang đầu con bé cứ huơ lên bổ xuống cạnh khóm tre. Tôi hầu như chẳng hỏi được thông tin gì ở Y.D. Cô bé 8 tuổi không nói nổi tiếng Kinh. Bà mẹ nói rằng, Y.D không còn đến lớp. Nó đã bỏ học trước Tết Nguyên đán khi đang dở lớp 2.

Cậu bé Thò Công Hừ sinh năm 2014 nhưng nhìn trưởng thành hơn đứa bé sắp sang tuổi lên sáu. Kỹ năng cầm cuốc đào măng của nó cũng chẳng kém người chị. Sau hồi lâu đào bới, ngọn măng lộ ra dưới lớp đất đỏ, nó khéo léo đào xuống tận rễ cây măng rồi dùng cuốc tách ra. Xong đâu đấy, cậu bé phủi hai bàn tay, quệt mồ hôi trán rồi cúi xuống nhặt chiến lợi phẩm lên. Suốt hai giờ đồng hồ, gia đình Bá Lầu bòn được ngót một tạ măng, trong khi hai đứa bé nhất vẫn say sưa ngủ trên lưng mẹ và chị.

Từ tầm bé, những đứa trẻ nơi đây đã học cách sinh tồn.
Từ tầm bé, những đứa trẻ nơi đây đã học cách sinh tồn.

Thói quen truyền đời

Trong nhiều năm qua, chính quyền Nghệ An cũng có những nỗ lực giúp người Mông ở xã Tri Lễ thay đổi lối sống hái lượm. Từ năm 2010, một dự án lớn phát triển cây chanh leo được thực thi. Một nhà máy chế biến trái cây được dựng lên để tạo nguồn tiêu thụ trực tiếp cho bà con nông dân. Giá chanh leo có thời điểm lên đến 14.000-15.000 đồng. Tôi còn nhớ rõ vào năm 2012, có ông cụ người Mông trạc ngoài 70 tuổi ở Tri Lễ cười khà khà bảo: “Làm vườn mà sướng hơn đi làm cán bộ”. Rồi ông khoe, mùa chanh leo năm đó lãi hơn trăm triệu, một số tiền mơ ước cả đời của lão nông miền núi.

Ngày ấy, bản Piêng Luống (nơi có rừng măng đắng của T.B.L) nay có tên mới là Pà Khốm cũng bạt ngàn chanh leo. Người ta thi nhau trồng thứ cây dây leo có quả tròn như trứng gà, có vị chua này với một niềm hăm hở kỳ lạ. Có thời điểm, cả xã lên đến gần 400ha, gần bằng với diện tích gieo cấy ruộng nước một vụ trên địa bàn.

Vào năm 2012, Mường Lống, một quần cư gần trăm hộ người Mông ở gần biên giới Việt - Lào biết đến trồng lúa giống mới. Lúa Japonica vốn sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu lạnh nhưng khó chăm sóc. Người Mông vốn dĩ bản tính chịu khó nên không lâu sau bà con cũng đã nắm bắt được kỹ thuật gieo trồng.

Và cũng không lâu sau đó, cây chanh leo rơi vào thoái trào. Ban đầu là việc giá cả lên xuống thất thường. Thấy không còn có lãi, nông dân bản Pà Khốm bắt đầu phá bỏ chanh leo. Cuối cùng, người nông dân vốn dĩ chỉ quen hái lượm tự nhiên cũng phải hứng chịu một căn bệnh của thị trường nông sản, giá cả mưa nắng thất thường. Cây chanh leo ở Quế Phong bị giáng đòn chí tử bởi một loại bệnh thối gốc không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Bây giờ, người ta chỉ còn kể cho nhau nghe về thời vàng son mà thứ cây trồng này mang lại như một kỷ niệm đẹp. Hiện, toàn xã còn trên 90hecta chanh leo nhưng giá thu mua chỉ còn 6.000 đồng/kg. Nhà máy chế biến cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Còn lúa Japonica có khá hơn, khi vẫn được gieo trồng ở nhiều làng bản trong xã Tri Lễ.

Cây chanh leo hết thời, người dân bản Pà Khốm lại trở về với thói quen truyền đời của mình là vào rừng hái măng. Hết mùa măng đắng thì tìm măng nứa, măng giang, hái quả táo mèo và các thứ thực vật rừng được thu mua về làm thuốc.

Ở Pà Khốm, có lẽ không phải ai cũng có một rừng măng gần nhà rộng mênh mông như Thò Bá Lầu. Nhưng có không ít đứa trẻ ở đây đang lớn lên theo kiểu cách như đàn con của anh. Chúng cũng hồn nhiên như cánh rừng này vậy. Chẳng biết thế hệ những người sinh ra từ thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI như Y.D và đàn em của nó có thể thoát được cuộc sống hái lượm?

Hữu Vi
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Cận cảnh người lao động mưu sinh xuyên đêm đông giá buốt

THÙY ANH |

Đêm mùa Đông, trời mưa, gió rét mướt, nhiệt độ khoảng 10-15 độ C, trong khi nhiều người dân đã chìm sâu vào giấc ngủ, thì không ít người lao động bán hàng rong, lao công lại tấp nập làm việc.

Cầu thủ bóng đá nữ: Sau ánh hào quang là nhọc nhằn mưu sinh

Việt Lâm - Tô Thế |

Tình yêu và đam mê với trái bóng tròn đã giúp các nữ tuyển thủ Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn và gian nan trong sự nghiệp quần đùi, áo số. Nhưng tương lai của họ ra sao sau khi rời sân cỏ là nỗi lo của nhiều người.

Cụ ông gánh nước thuê lâu đời nhất Việt Nam - Nhọc nhằn mưu sinh

Làng Mai |

Nhiều bạn trẻ ngày nay có thể chưa một lần đặt đôi quang gánh lên vai, nhưng với cụ Nguyễn Đường ở phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thì gần trọn cuộc đời gắn bó với công việc gánh nước thuê mưu sinh.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Hà Nội: Cận cảnh người lao động mưu sinh xuyên đêm đông giá buốt

THÙY ANH |

Đêm mùa Đông, trời mưa, gió rét mướt, nhiệt độ khoảng 10-15 độ C, trong khi nhiều người dân đã chìm sâu vào giấc ngủ, thì không ít người lao động bán hàng rong, lao công lại tấp nập làm việc.

Cầu thủ bóng đá nữ: Sau ánh hào quang là nhọc nhằn mưu sinh

Việt Lâm - Tô Thế |

Tình yêu và đam mê với trái bóng tròn đã giúp các nữ tuyển thủ Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn và gian nan trong sự nghiệp quần đùi, áo số. Nhưng tương lai của họ ra sao sau khi rời sân cỏ là nỗi lo của nhiều người.

Cụ ông gánh nước thuê lâu đời nhất Việt Nam - Nhọc nhằn mưu sinh

Làng Mai |

Nhiều bạn trẻ ngày nay có thể chưa một lần đặt đôi quang gánh lên vai, nhưng với cụ Nguyễn Đường ở phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thì gần trọn cuộc đời gắn bó với công việc gánh nước thuê mưu sinh.