Trải dài theo năm tháng, đào Nhật Tân ngày càng được ưa chuộng. Cùng với việc người dân chuyển đổi ra bãi sông Hồng trồng đào thì đến nay, diện tích đất trồng đào của vùng rơi vào khoảng 50ha. Cứ như vậy, Nhật Tân được xem như vựa đào của Thủ đô, không chỉ bởi lịch sử, quy mô mà còn bởi sự cuốn hút của các loại đào được trồng ở đây.

Có thời gian ghé qua vườn đào Nhật Tân, mọi người sẽ thấy đào bích, đào phai, đào nụ... trong đó, đào bích chiếm số lượng nhiều hơn là được trồng chủ lực. Bên cạnh đó, các dáng, thế của đào Nhật Tân cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Ngoài những mẫu cây to phục vụ cơ quan, công sở còn có đào nhỏ cho gia đình; đào gốc, đào tự nhiên, đào vọt (đào uốn cong các kiểu, các dạng).


Từ năm 2013, đào Nhật Tân đã được người dùng bình chọn là sản phẩm đáng tin cậy. Những cây đào được trồng ở Nhật Tân thường có bông to, sắc thắm, nhiều cánh dày và đặc biệt rất nhiều nụ lộc. Những người trồng đào qua bao đời vẫn nói với nhau rằng, đào Nhật Tân trước là được ở chất đất tốt, sau mới nhờ công chăm sóc tỉ mẩn và thời tiết.
Và dù có nhiều loại, nhưng thương hiệu đào Nhật Tân nức tiếng gần xa là gắn với loại đào bích. Khác với những nơi khác, đào bích được trồng ở Nhật Tân thường có bông to, dày cánh, màu thắm như màu xác pháo, khi nở rộ vô cùng bắt mắt, mang đến cảm giác tươi mới. Đặc biệt, nếu gặp thời tiết gió bấc, mưa phùn, đào bích có thể có tới 24 cánh, nở căng tràn, khoe sắc hồng may mắn. Khác với đào bích, đào phai Nhật Tân lại cho cánh kép.

Vài năm trở lại đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về người tiêu dùng xa gần còn biết đến một loại đào vô cùng quý hiếm của Nhật Tân là đào thất thốn. Đây là một giống đào cổ, hiếm, đỏ từ rễ đỏ lên tới búp, mầm nhọn và cứng cáp như lưỡi kiếm; có sức sống mãnh liệt; mỗi thốn cành chỉ dài bằng đốt ngón tay và có thể trổ tới 7 bông hoa. Đó là lý do tại sao đào có tên gọi là đào thất thốn.
Theo chia sẻ của người trồng đào, để trồng được đào thất thốn phải cần rất nhiều công sức và sự tỉ mẩn. Đất trồng đào này phải là đất thịt, không chua nên người trồng luôn phải đánh đất lên, phơi nắng khử chua. Nước tưới đào cũng phải là nước sạch. Trong thời tiết rét buốt, sương muối hay nắng gắt, người trồng đào phải kỳ công chăm sóc hơn thì đào mới trụ được.

Chính nhờ tuân thủ những yêu cầu chăm sóc như vậy, đào thất thốn của Nhật Tân mới trở nên tao nhã, thanh cao. Tuy nhiên, cũng bởi sự khó chăm sóc nên đào thất thốn thường khó nở hoa vào đúng dịp Tết, may mắn lắm thì 2 năm câu mới nở hoa một lần. Đào thất thốn mang nét riêng biệt so với tất cả các loại đào khác là nở càng ít hoa, bông đỏ tựa hồng nhung thì càng quý hiếm; mang ý nghĩa hưng thịnh.

Theo ghi nhận của phóng viên tại vườn đào Nhật Tân những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, các vườn, đào đều đã nở rộ, tạo nên một thảm hoa hồng thắm bên bãi bồi sông Hồng.
Khoảng từ 15 Tháng Chạp, những tiểu thương đã về thu mua đào cành trực tiếp tại vườn. Sau đó từ 23 - 28 Tháng Chạp là khoảng thời gian không khí mua bán tại đây diễn ra sôi động nhất. Tuy nhiên, Tết Tân Sửu 2021 năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời tiết ấm lên bất thường khiến đào ở Nhật Tân nở rộ sớm, lượng người đến mua đào cũng giảm sút đi nhiều.