Ngày 29.7, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự án tuyến đường nối TP Thanh Hóa đi cảng hàng không Thọ Xuân đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến Tỉnh lộ 514 bị đình trệ nhiều năm gây khó khăn cho người dân đến nay đã có cách giải quyết.
Để có cơ sở bố trí vốn, tiếp tục hoàn thành dự án, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh nội dung dự án.
Theo đó, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ “Không quá 5 năm (từ năm 2019 - 2023)” thành “Hoàn thành trong năm 2025” đồng thời với nội dung trên là điều chỉnh thời gian thực hiện các hợp đồng thành phần và điểm dừng kỹ thuật trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đảm bảo không vượt quá thời gian thực hiện của toàn dự án được phê duyệt.
Theo Sở GTVT Thanh Hóa, việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án không làm thay đổi mục tiêu, quy mô đã được phê duyệt của dự án và việc tiếp tục triển khai thực hiện hoàn ứng hợp đồng và hoàn thành trong năm 2025 là cần thiết.
Trên cơ sở tờ trình của Sở GTVT Thanh Hóa, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định điều chỉnh nội dung dự án, nội dung điều chỉnh theo đề xuất của Sở GTVT.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện việc gia hạn thời gian thực hiện gói thầu, chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để phân khai, bóc tách các công việc chậm tiến độ do các nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý các vấn đề phát sinh theo đúng các điều khoản hợp đồng đã ký và đúng với các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng; kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ các chi phí của dự án, đảm bảo theo quy định hiện hành của pháp luật.
Như Lao Động đã thông tin, dự án trên đi qua nhiều xã của các huyện Triệu Sơn và huyện Như Thanh, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 4521/QĐ-UBND ngày 31.10.2019; chủ đầu tư là Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa.
Quy mô dự án là đầu tư nâng cấp mở rộng 12,113km đường hiện trạng đảm bảo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng mức đầu tư gần 972 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án không quá 5 năm (2019 - 2023).
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, dự án trên vẫn đang dang dở, gây rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa mới phân bổ kinh phí chi trả cho đền bù đất nông nghiệp, hoa màu trên đất còn lại toàn bộ kinh phí đền bù về đất ở, vật kiến trúc của các hộ dân chưa có kinh phí đền bù. Rất nhiều hộ dân sống trong tình cảnh quy hoạch treo, không biết đến bao giờ mới được chi trả để dời đi nơi ở mới.
Nguyên nhân, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, qua quá trình tổ chức GPMB, giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đã tăng từ 2-3 lần so với dự toán được phê duyệt dẫn đến tổng chi phí GPMB của dự án vượt lên đến trên 846 tỉ đồng, tăng hơn 456 tỉ đồng so dự toán được phê duyệt trước đó.
Như vậy, nhu cầu vốn cần bổ sung để hoàn thành GPMB là hơn 777 tỉ đồng nữa.
Chi phí GPMB tăng cao đã vượt khả năng cân đối nguồn vốn của tỉnh cho dự án do kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh đã phân bổ hết cho các nhiệm vụ, dự án tại Nghị quyết số 123/NQ-HĐND ngày 11.10.2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa.