"Dẹp ngay việc khắc phục thủ công, gây hình ảnh phản cảm trên cao tốc, đồng thời phải đảm bảo an toàn lưu thông khi thực hiện sửa chữa trên đường..." - ông Thọ chỉ đạo quyết liệt.
Sau chuyến thị sát thực tế, kiểm tra các vị trí hư hỏng và công tác khắc phục trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tối 13.10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có buổi trao đổi với báo chí tại Đà Nẵng.
Ông Thọ cho rằng, các vị trí hư hỏng thuộc các đoạn km40-45 thuộc huyện Thăng Bình và km26-27 thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Đây là đoạn đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng được 14 tháng.
Hỏng hóc trên cao tốc này là do không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nguyên nhân do chất lượng vật tư vật liệu không đảm bảo, do kỹ thuật, hay phương pháp thi công không đúng thì cần phải kiểm tra, xác minh kỹ mới kết luận cụ thể được.
Tuy vậy, tỷ lệ hư hỏng không nhiều, chỉ 70m2 trên tổng số hơn 3,1 triệu m2.
Dù vậy, song để có ổ gà trên cao tốc là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Vì vậy, trước mắt phải tập trung khắc phục.
Bộ trưởng GTVT đã lệnh dừng thu phí, nhưng không cấm đường, vì vậy các đơn vị đã phải gấp rút khắc phục, vá đường.
Có 2 bước cơ bản để khắc phục mà ngành giao thông thường áp dụng, đó là dùng loại bê tông cấp bách để vá ngay những ổ gà cho êm thuận lưu thông. Bước tiếp theo mới nghiên cứu, tìm rõ nguyên nhân, tiến hành khắc phục cơ bản, tận gốc hư hỏng.
Tuy vậy, hình ảnh công nhân mặc quần đùi, mang dép tổ ong, dùng đục để vá đường rất gây phản cảm, khó chấp nhận được. Ngoài ra, các đơn vị thi công, nhà thầu và cả giám sát, đơn vị quản lý vận hành cũng thiếu trách nhiệm, để việc sửa chữa, vá đường diễn ra nghiệp dư, thiếu biển cảnh báo, giảm tốc độ, biển báo công trường... Ông Thọ cho biết đã nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm và khắc phục ngay.
Ông Thọ nhấn mạnh, vẫn còn những điểm bong tróc nhỏ, do trời đang mưa nên chưa thể sửa chữa quy mô lớn được thì vẫn có phương án đảm bảo giao thông. Đó là dùng nhựa cấp bách để làm vệ sinh và hoàn trả lại mặt đường, nếu nắng nóng thì chỉ làm 1-2 ngày là xong.
Hiện vẫn cho phép xe lưu thông trên đường cao tốc chạy đúng theo biển báo cũ, tức là từ 60km/h đến 120km/h, nhưng lưu ý những đoạn sửa chữa phải có biển báo giảm tốc độ và biện pháp bảo đảm an toàn.
Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng "đính chính": Rằng nguyên nhân gây bong tróc, ổ gà trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không phải do thời tiết như công bố của Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà do lỗi trong quá trình thi công.
Ông TaKaoinami - Giám đốc giám sát đoạn vốn vay Jaica (Nhật Bản) - cho biết, việc giám sát thi công tuyến cao tốc này có cả giám sát người nước ngoài và cả tư vấn trong nước. Tất cả đều tuân thủ đúng “quy chuẩn” của dự án. Những quy chuẩn nào còn thiếu cũng đã được tư vấn giám sát đề xuất lên chủ đầu tư để bổ sung; Đồng thời đề nghị áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế Aashto.
Trước đó, trả lời Lao Động, Kỹ sư trưởng Trần Dân - Hội Cầu đường TP.Đà Nẵng - cũng cho biết, việc vá víu thủ công là không đúng kỹ thuật. Muốn sửa chữa cao tốc, phải dùng đúng nguyên liệu, phương thức chứ không thể như làm đường tỉnh vì tốc độ lưu thông rất cao. Sửa chữa thủ công, đầm lèn không tốt, không tạo mặt phẳng liên tục, tạo những cái u lên trên, nguy hiểm cho xe chạy tốc độ cao.
"Ngoài hư hỏng này, chúng tôi còn phát hiện lưới chống thú chưa xong, lôm côm, chắc thiết kế người ta không làm như vậy. Xử lý mái dốc ta luy không an toàn cho vận tải. Nguy cơ lớn mất an toàn cho phương tiện vì đá, đất đổ xuống. Một số chỗ đã không an toàn lại không có biển báo, cảnh báo giám tốc độ. Ai quản lý không an toàn thế này khi trên đường có lon bia, lon Coca, vứt xuống...?", ông Dân nói.