Ngày 6.5, trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, Bộ Công an cho biết tình trạng dữ liệu thông tin cá nhân bị sử dụng, đánh cắp, công khai, trao đổi, rao bán nhằm trục lợi, chào mời khách hàng sử dụng các loại hình dịch vụ.
Thông tin cá nhân người sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng đang bị thu thập, khai thác, sử dụng công khai bởi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử, nhiều ứng dụng lưu trữ dữ liệu tại nước ngoài.
"Đây là những hành vi cần có mức xử phạt để tăng hiệu lực của pháp luật, tăng sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm" - phía Bộ Công an khẳng định.
Cơ quan này cũng nhận định, bảo vệ dữ liệu cá nhân là lĩnh vực mới, là vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh, tế, quản lý xã hội.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17.4.2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, giao Bộ Công an xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trong khi đó, nếu xử phạt với mức phạt thấp thì không bảo đảm tính răn đe và chưa phù hợp với loại hình doanh nghiệp có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân.
Đáng chú ý, trong tờ trình dự thảo, Bộ Công an cũng xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức phạt gấp 2 lần, gấp 5 lần và mức phạt theo phần trăm doanh thu năm tại thị trường Việt Nam đối với một số hành vi liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trước đó, Bộ Công an cũng nhận định, dữ liệu cá nhân đã trở thành tài sản và là mục tiêu của các tổ chức tội phạm công nghệ cao.
Thực tiễn cho thấy, các tổ chức tội phạm công nghệ cao đã sử dụng nhiều thủ đoạn công nghệ tinh vi, phức tạp để tấn công mạng, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân để sử dụng với mục đích xấu.