Đề xuất tạm ngừng cơ chế tự chủ ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh

Nhóm phóng viên |

Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Y tế cho biết sẽ kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về việc tạm ngừng cơ chế tự chủ đối với Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Câu chuyện 160 cán bộ, y, bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương kéo dài, nhiều người phải đi bán rau, ship hàng để kiếm thêm thu nhập đã nhận được sự quan tâm của dư luận những ngày qua.

Chiều 19.11, tại trụ sở Công đoàn Y tế Việt Nam, đã diễn ra buổi làm việc nhằm tìm hướng tháo gỡ các vấn đề khó khăn đang diễn ra tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Buổi làm việc có sự góp mặt của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế; lãnh đạo Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chủ trì buổi làm việc này.

Phải lấy tiền thuốc để trả lương cho y, bác sĩ

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được thành lập từ năm 2006, vốn là bệnh viện thực hành trực thuộc Học viện. Hiện nay, bệnh viện có 27 khoa, phòng với tổng số viên chức, lao động hợp đồng là 225 người.

Theo ông Huy, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thực hiện cơ chế tự chủ từ tháng 6.2019, theo quyết định của Bộ Y tế. Tuy vậy, từ khi tự chủ, Bệnh viện thu không đủ chi, tính đến thời điểm 30.9.2021, số tiền nợ của bệnh viện là hơn 18 tỉ đồng. Dẫn đến tình trạng chỉ trả được 50% lương cho người lao động từ tháng 5 đến nay.

Điều dưỡng của bệnh viện Tuệ Tĩnh bán rau vào buổi tối. Ảnh: PV.
Điều dưỡng Lê Thanh Huyền, khoa phụ sản, bệnh viện Tuệ Tĩnh bán rau vào buổi tối. Ảnh: Hữu Chánh.

Để xảy ra tình trạng này, theo ông Huy, là do năng lực quản trị, điều hành của Ban Giám đốc Bệnh viện còn nhiều hạn chế, lúng túng trong ứng phó với tình hình dịch bệnh, chưa tạo được sự đồng thuận nội bộ, có tâm lý ỉ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ Học viện, Bộ Y tế... Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng từ dịch COVID-19, hầu như không có bệnh nhân nên không có nguồn thu.

Tuy vậy, ông Nguyễn Duy Thức, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tuệ Tĩnh phản bác ý kiến của Giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam.

Ông Thức cho biết, ông được điều động giữ chức Phó giám đốc phụ trách từ 1.1.2021. Thời điểm đó, Bệnh viện nợ hơn 9 tỉ đồng, cơ cấu cồng kềnh, hơn 100 cán bộ gần 30 khoa phòng, trong khi đó chưa thành lập được cơ chế chi tiêu nội bộ, đề án vị trí việc làm, quy chế hoạt động mới của Bệnh viện...

“Tôi không thiếu kế hoạch phát triển Bệnh viện. Ngay từ quý I, tôi đã báo cáo Ban lãnh đạo học viện kế hoạch phát triển từng tháng, từng quý trong năm 2021 và đến tận năm 2025, mặc dù tôi xác định không làm giám đốc bệnh viện lâu dài. Tôi đề nghị khi bệnh viện đang khó khăn, ban lãnh đạo phải đoàn kết, chứ không thể đổ trách nhiệm cho cấp dưới” - ông Thức nói.

Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện Tuệ Tĩnh: "Phải lấy tiền thuốc trả lương cho cán bộ, y, bác sĩ".

Ông Thức cho biết thêm, để xoay sở có tiền trả 50% lương cho cán bộ, nhân viên thời gian vừa qua, lãnh đạo bệnh viện đã phải tạm lấy tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao chưa trả cho các công ty thuốc.

“Hiện nay, các công ty thuốc liên tục gọi cho tôi và đồng chí kế toán trưởng của bệnh viện bởi vì nợ lâu quá rồi”, ông Thức cho biết.

Đề xuất tạm ngừng tự chủ

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý y, dược cổ truyền – Bộ Y tế cho biết, năm 2019, Bộ Y tế kiểm tra Bệnh viện Tuệ Tĩnh, gần như cán bộ, y bác sĩ chỉ còn lương, không có thưởng. Nếu bệnh viện tự chủ toàn bộ về kinh phí chi thường xuyên vào thời điểm đó thì chắc chắn sẽ rất khó khăn.

“Nhưng đồng chí Giám đốc Học viện kiêm giám đốc Bệnh viện giai đoạn đó vẫn quyết tâm tự chủ, với lý do là tạo sức bật mới. Tôi không biết mới là như thế nào, nhưng rõ ràng, sau đó bệnh viện giảm sút đi rất nhiều. Và hậu quả là hiện nay là như thế”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn lấy ví dụ về các bệnh viện tầm cỡ trong ngành y học cổ truyền như Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, có lịch sử phát triển 50 – 70 năm nhưng cũng chưa dám tự chủ toàn phần như Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Và nếu các đơn vị này tự chủ toàn phần cũng sẽ rơi vào tình trạng như Bệnh viện Tuệ Tĩnh hiện nay.

“Như Bệnh viện Châm cứu Trung ương chưa thực hiện toàn bộ tự chủ kinh phí thường xuyên nên Bộ Y tế vẫn còn hỗ trợ được, theo đúng luật. Nhưng đối với Bệnh viện Tuệ Tĩnh, chúng tôi đã họp mấy lần, kể cả Bộ Tài chính sang họp, nhưng họ quyết định tự chủ rồi thì không thể làm trái luật được, không thể lấy kinh phí bù đắp cho được”, ông Tuấn nêu.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt câu hỏi, phải chăng thời điểm đề xuất Bệnh viện tự chủ chưa chín muồi, chưa chuẩn bị đầy đủ nên dẫn đến hệ quả hiện nay. Bên cạnh đó, bộ máy của bệnh viện còn cồng kềnh khiến hiệu quả quản trị thấp. Ngoài ra, có lý do khách quan, nhưng căn bản là do tác động dịch COVID-19.

 
Ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi làm việc chiều 19.11. Ảnh: Hữu Chánh.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ trăn trở, trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chăm lo, bảo vệ, nâng niu cán bộ ngành y tế, nhưng tại tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh có nhân viên ngành y tế thiếu lương, có nguy cơ không được trả lương là rất xót xa. Nếu không được giải quyết thì sẽ tác động rất lớn đến lực lượng trong ngành, người chiến sĩ tuyến đầu.

Để giải quyết vụ việc, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị Bộ Y tế quan tâm với kiến nghị của Học viện là đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngắn hạn từ phía Chính phủ đối với nhân viên ngành y tế nói chung và của Bệnh viện Tuệ Tĩnh nói riêng.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng bày tỏ đồng tình với giải pháp giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ Y tế có văn bản chung kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, về việc tạm ngừng cơ chế tự chủ đối với những bệnh viện đang rất khó khăn trong dịch COVID-19, trong đó có Bệnh viện Tuệ Tĩnh, để đảm bảo mục tiêu Bệnh viện làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Nhóm phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Bệnh viện nợ lương, bác sĩ đi bán rau: Đại diện Tổng LĐLĐVN họp với Bộ Y tế

Trần Tuấn - Hữu Chánh |

Cuộc họp sẽ diễn ra chiều 19.11 với sự góp mặt của đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Y tế sẽ tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho đoàn viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam.

Bệnh viện nợ lương, bác sĩ phải đi bán rau: Sự việc chưa có tiền lệ

Trần Tuấn - Hữu Chánh |

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, vấn đề xảy ra tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh chưa có tiền lệ, cần có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị liên quan để tháo gỡ.

Bệnh viện nợ lương, bác sĩ phải bán rau, ship hàng

Trần Tuấn |

Nhiều cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế) bị nợ 50% tiền lương đã nhiều tháng qua. Để kiếm thêm thu nhập nhiều người phải tranh thủ bán rau, ship hàng sau giờ làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Bệnh viện nợ lương, bác sĩ đi bán rau: Đại diện Tổng LĐLĐVN họp với Bộ Y tế

Trần Tuấn - Hữu Chánh |

Cuộc họp sẽ diễn ra chiều 19.11 với sự góp mặt của đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Y tế sẽ tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho đoàn viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam.

Bệnh viện nợ lương, bác sĩ phải đi bán rau: Sự việc chưa có tiền lệ

Trần Tuấn - Hữu Chánh |

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, vấn đề xảy ra tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh chưa có tiền lệ, cần có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị liên quan để tháo gỡ.

Bệnh viện nợ lương, bác sĩ phải bán rau, ship hàng

Trần Tuấn |

Nhiều cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế) bị nợ 50% tiền lương đã nhiều tháng qua. Để kiếm thêm thu nhập nhiều người phải tranh thủ bán rau, ship hàng sau giờ làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.