Xét về tính đồng bộ của dự án hạ tầng giao thông thì tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành vẫn chưa mang nhiều ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa được triển khai.
Từ thực tế trên và xuất phát từ kinh nghiệm thực hiện dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đề xuất đến Bộ Giao thông – Vận tải và Chính phủ giải pháp triển khai dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đảm bảo thông toàn tuyến cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ năm 2021 và hoàn thành năm 2022.
Giải pháp đó là điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án. Trong đó, cơ cấu vốn của đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ gồm: 2.400 tỉ đồng vốn Ngân sách nhà nước (khoảng 50%), phần còn lại do Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận huy động từ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn khác.
Theo tính toán của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, nhờ tận dụng thiết bị sẵn có, phát huy các nguồn lực máy móc, nhân công đã huy động trên công trường cùng với sự phối nhịp nhàng của địa phương và nhà đầu tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án. Cụ thể, nếu bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ rút ngắn gần một nửa thời gian thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo thông tuyến vào năm 2021, hoàn thành trong năm 2022.
Phương án này sẽ tiết giảm khoảng 2.400 tỉ đồng vốn Ngân sách Nhà nước bố trí cho dự án so với phương thức đầu tư công và có thể sử dụng được ngay phần vốn dự phòng còn dư của dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, phương án này cũng rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn của toàn dự án trước đây từ 14 năm 8 tháng giảm xuống còn 12 năm 6 tháng (rút ngắn được 2 năm 2 tháng).
Theo Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận của các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ.