Khó khăn cho người dân nếu áp dụng
Việc đánh thuế nhằm mục đích để tăng nguồn thu ngân sách, hạn chế đầu tư, gây lãng phí. Tuy nhiên, đánh ở mức nào, đánh thuế ra sao, loại hình gì thì phải xem xét tránh gây khó dễ cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như mục đích kinh doanh của người dân. Ở đây, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai đã khiến nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại bởi việc xác định đối tượng bị đánh thuế nếu không dựa trên giá trị, quy mô bất động sản đó sẽ gây áp lực cho người có nhu cầu ở thực, thậm chí dễ phát sinh chiêu trò né thuế.
Anh Nguyễn Vũ (Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cho rằng, mua đất đầu tư cũng là một kênh chính thống, đã có từ rất lâu, được pháp luật bảo hộ và công nhận, nên không có lý do gì để chỉ trích.
“Tôi mua một mảnh đất, đã là nộp thuế thu nhập cá nhân, nộp thuế đất đầy đủ. Chưa kể còn tạo công ăn việc làm cho môi giới, tạo điều kiện giúp người bán đất kiếm được tiền, bơm tiền lại vào nền kinh tế... Khi tôi xây nhà trên mảnh đất đó, nghĩa là tôi đã đóng góp cho ngành xây dựng, người bán sắt, thép, gỗ, nội thất... tiêu thụ được sản phẩm”, anh Vũ nói và cho biết thêm thậm chí, khi nhà đầu tư bỏ tiền vào xây khu đô thị, còn góp phần phát triển cả khu vực, giúp chủ đầu tư khu đô thị có tiền trả lương cho công nhân xây dựng.
Như vậy rõ ràng ai mua đất, xây nhà như bản thân anh Vũ đều sẽ có những đóng góp, bất kể là người mua bất động sản thứ hai hay thứ nhất.
“Không cần phải lên án người mua nhà, đất thứ hai trở lên. Thậm chí, nhìn theo hướng ngược lại, người mua căn nhà đầu tiên nhưng chẳng còn tiền để đóng góp lại vào nền kinh tế thì có hơn gì những người đầu tư nhiều nhà, đất một cách nghiêm túc. Quan trọng phải biết được nguồn tiền ở đâu, nếu nguồn tiền kiếm được từ việc kinh doanh hợp pháp, từ trí tuệ, hay mồ hôi nước mắt thì tại sao lại phải e ngại và tìm cách kìm hãm” - anh Vũ nhấn mạnh.
Nguy cơ thuế chồng thuế
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - không nên thí điểm đánh thuế căn nhà thứ hai, bởi sẽ dễ gây thiệt thòi cho người dân có thu nhập thấp và trung bình, thậm chí có nguy cơ thuế chồng thuế. Vì lẽ đó cần bàn thảo thật kỹ các quy định của pháp luật về vấn đề này trước khi thực hiện.
"Bây giờ đánh thuế nhà thứ hai, mà nhà đó người ta đang phục vụ xã hội, tạo ra những giá trị kinh tế xã hội khác mà lại đánh thuế họ thì không đúng. Vậy thì muốn đánh thuế thật chính xác và hợp lý thì phải tính toán và có các quy định rất cụ thể, khoa học, logic mới hợp lòng dân. Bây giờ cứ nói thí điểm rất nguy hiểm, nếu sai sẽ mất niềm tin, tạo ra kẽ hở để trục lợi" - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng tỏ ra không đồng tình với việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở lên. Bởi lẽ hằng năm chủ sở hữu nhà đều đã đóng thuế đất phi nông nghiệp hoặc căn hộ nếu cho thuê cũng phải đóng đầy đủ các khoản thuế mà nhà nước quy định.
"Đề xuất đánh thuế nhà thứ hai, nhà thứ ba tôi nghĩ là không đúng, bởi vì tôi mua căn nhà đó tôi đã thực hiện nghĩa vụ thuế hằng năm hết rồi, bây giờ nên đánh thuế đất chứ không đánh thuế nhà được, anh mua dự án đó mà không đầu tư thì nên thu hồi. Có nhiều phương pháp để chống đầu cơ, chứ không phải cứ đánh thuế là chống đầu cơ. Ví dụ mua đất dự án thì nơi đó phải quy định thời gian mấy năm phải xây nhà, để nơi đó phát triển, cơ sở hạ tầng khang trang" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Trước đó, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố vừa gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TPHCM nêu ra một số đề xuất về thu thuế nhà đất. Đáng chú ý, TPHCM đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai. Ngay sau đó, đề xuất này đã vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận.
Giới quan sát cho rằng, đánh thuế nhà đất thứ hai sẽ gây nhiều tác động tiêu cực tới thị trường; làm giảm tính thanh khoản và khiến nhà đầu tư nản lòng.