Để không thiếu hụt lao động, đề xuất cho F0, F1 đi làm

Nhóm PV |

Bộ Y tế đề xuất các trường hợp F0, F1 được tham gia làm việc trong thời gian cách ly. Đây được cho là giải pháp phù hợp trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, công sở thiếu nhân lực trầm trọng dẫn đến nguy cơ đứt gãy sản xuất, làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế.

“Được đi làm”, hiểu thế nào cho đúng

Báo cáo của Bộ Y tế cho hay, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Mặc dù số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%).

Tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, nên số ca trở nặng đã giảm mạnh, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.

Đáng chú ý, cùng với biến thể Omicron, các ca F0 có xu hướng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Trong khi đó, các quy định trước đây, số thời gian cách ly của F0, F1 còn dài dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, số lượng người lao động là F0 tăng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới sản xuất. Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng đa số người dân đã được tiêm 3 mũi vaccine nên thời gian khỏi bệnh nhanh, chỉ trong 5-7 ngày nên doanh nghiệp phải chủ động bố trí lực lượng sản xuất phù hợp.

Giải quyết vấn đề này theo đúng tinh thần “thích ứng”, “linh hoạt” của nghị quyết 128, Bộ Y tế đã đề xuất cho F1, F0 đi làm.

Khi thông tin này đưa ra, có nhiều lo ngại bởi nếu cho đi làm ồ ạt thì khó kiểm soát được dịch bệnh. Trên thực tế, đề xuất của Bộ Y tế đi kèm với khá nhiều điều kiện.

Thứ nhất, với các F0, cơ sở đầu tiên là “sự tự nguyện” và “không có triệu chứng”. Đây chính là hai yếu tố cơ bản để đề xuất trên không vi phạm Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Điều kiện thứ hai, F0 đi làm không có nghĩa là “thả ra cộng đồng” như một số ý kiến lo ngại mà chỉ được “bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc với người xung quanh”. Ngoài ra, F0, nếu đi làm trực tiếp thì “được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, họ không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Tương tự với F1 chưa tiêm đủ liều vaccine, Bộ Y tế đề xuất cho phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.

Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Nghĩa là về cơ bản vẫn là những đối tượng cách ly. Điều khác biệt ở đây là “cách ly nhưng được làm việc” đối với người có nguyện vọng và không có triệu chứng.

Bước đầu nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp và người lao động

Khảo sát của một tờ báo điện tử trong ngày hôm qua, 6.3, thì có 55% số người được hỏi đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, 43% chưa thống nhất.

Trao đổi với Lao Động, nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ và mong muốn đề xuất này nhanh chóng được thông qua. Chẳng hạn trường hợp chị Lê Thu Cúc (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi gia đình liên tục thuộc diện cách ly do tiếp xúc gần với F0. Gần 1 tháng qua, vợ chồng chị luân phiên “nghỉ phép” khiến công việc bị trì trệ, đồng nghiệp mất kiên nhẫn. “Tôi nghĩ cho F1 đi làm lại là chuyện cần thiết, nên được quyết định sớm. Không thể cứ va phải F0 lại nghỉ làm, còn bao nhiêu việc ùn ứ ở đó. Muốn phục hồi kinh tế, trước tiên là việc làm ở mọi công sở, phân xưởng, nhà máy,... phải được đảm bảo”.

Còn anh Nguyễn Duy Đức (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Hướng tới mục tiêu bình thường hoá dịch COVID-19 thì việc nới lỏng cho F0, F1 tham gia làm việc là điều phù hợp. Tuy nhiên, người dân cần tuân thủ quy tắc 5K, bản thân người bệnh cần tăng cường sức đề kháng, chủ động giữ gìn sức khỏe và phòng dịch. Ngoài ra, mọi người nên lạc quan, tích cực. Khi tâm trạng thoải mái sẽ tạo ra hệ miễn dịch tốt để chiến thắng COVID-19”.

Vẫn còn băn khoăn

Băn khoăn đầu tiên chính là khi F0 đi làm thì liệu quyền lợi có được đảm bảo như các F0 khác? Bởi lẽ hiện nay các F0 sẽ được nhận các chế độ bảo hiểm để đủ các thủ tục vậy khi đi làm, các chế độ này có duy trì. Trên thực tế, vẫn chưa có báo cáo chính thức nào của bộ Y tế về những di chứng hậu COVID-19 gây tác động đến sức khoẻ người lao động nên trong thời gian dương tính - dù không có biểu hiện thì những tác động hậu COVID-19 vẫn còn.

Thứ hai, về cơ sở để xác định “có thể đi làm” là “sự tự nguyện” và “không có triệu chứng” thì lại là một vấn đề cần bàn. Sẽ rất khó giám sát một doanh nghiệp hay một cơ quan có thực sự cho người lao động F0 “tự nguyện” đi làm hay không. Hya vì để không thiếu hụt nhân sự, lại đưa ra các chế tài ngầm bắt buộc các F0 phải làm việc. Ngoài ra, cơ sở “không triệu chứng” dựa trên tiêu chí nào cần làm rõ. Không triệu chứng theo cảm nhận của người bệnh hay kết luận của cơ quan y tế?

Trên thực tế, tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị việc F0, F1 đi làm đã diễn ra từ lâu nếu như đảm bảo được các phương pháp phòng dịch hoặc có điều kiện làm việc trực tuyến. Thế nhưng khi đã trở thành quy định lại là một việc khác, lúc đó lại phải có bộ tiêu chí về điều kiện làm việc cho các F0, F1.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, nới lỏng nhưng không thể chủ quan. Mọi người vẫn cần thực hiện quy định 5K khi ra đường, đến nơi làm việc, nơi công cộng. Nếu có triệu chứng thì tự test và điều trị tại nhà, khỏi bệnh lại tiếp tục đi làm. Ngành Y tế chỉ cần tập trung cho những bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải thở máy để hạn chế ca tử vong.

Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, giải pháp cho F0, F1 đi làm là điều cần thiết không chỉ đáp ứng yêu cầu công việc hằng ngày của doanh nghiệp, đơn vị mà còn vì nhu cầu của những F0, F1 tiến tới một bình thường mới.

Trong quá trình chờ đề xuất thông qua, Bộ Y tế cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, các tiêu chí để F0, F1 đi làm nhưng vẫn đúng Luật Lao động, Luật Bảo hiểm trên tinh thần “không cầu toàn, không nóng vội, bám sát tình hình để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tại cuộc họp về phòng chống dịch COVID-19 hôm 5.3 vừa qua.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Thanh Hóa: Công ty thiếu hụt lao động trầm trọng khi số F0 tăng "chóng mặt"

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nhiều doanh nghiệp có đông công nhân lao động (ở Thanh Hóa) đang đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động do số lượng F0 gia tăng chóng mặt. Thậm chí có doanh nghiệp trên 10.000 lao động thì có tới quá nửa phải nghỉ việc, cách ly ở nhà.

F0 gia tăng ở Hà Nội: Cách ly “chồng” cách ly, công sở thiếu hụt lao động

Phạm Đông |

Hà Nội ghi nhận mỗi ngày hơn 10.000 ca mắc COVID-19, trên thực tế con số còn cao hơn rất nhiều. Đáng nói là trong nhiều gia đình, các thành viên cứ lần lượt là F0, nên nhiều người phải cách ly vài tuần đến cả tháng tại nhà.

Công nhân mắc COVID-19 tăng cao, doanh nghiệp thiếu hụt lao động

Đỗ Phương - Bảo Hân |

Nhiều công nhân mắc COVID-19 khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Công nhân chưa trở thành F0 đành phải tăng ca...

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thanh Hóa: Công ty thiếu hụt lao động trầm trọng khi số F0 tăng "chóng mặt"

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nhiều doanh nghiệp có đông công nhân lao động (ở Thanh Hóa) đang đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động do số lượng F0 gia tăng chóng mặt. Thậm chí có doanh nghiệp trên 10.000 lao động thì có tới quá nửa phải nghỉ việc, cách ly ở nhà.

F0 gia tăng ở Hà Nội: Cách ly “chồng” cách ly, công sở thiếu hụt lao động

Phạm Đông |

Hà Nội ghi nhận mỗi ngày hơn 10.000 ca mắc COVID-19, trên thực tế con số còn cao hơn rất nhiều. Đáng nói là trong nhiều gia đình, các thành viên cứ lần lượt là F0, nên nhiều người phải cách ly vài tuần đến cả tháng tại nhà.

Công nhân mắc COVID-19 tăng cao, doanh nghiệp thiếu hụt lao động

Đỗ Phương - Bảo Hân |

Nhiều công nhân mắc COVID-19 khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Công nhân chưa trở thành F0 đành phải tăng ca...