Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả: Cần nỗ lực của thầy, ý thức của trò

Đặng Chung |

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không chỉ các trường phổ thông mà hầu hết trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đều đã điều chỉnh phương thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm này, để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhưng để có được những giờ học online chất lượng và thực sự hiệu quả, cần nỗ lực rất lớn của cả thầy và trò.

Dạy học online vì sự an toàn của học sinh

Ngày 17.2, khi công nhân viên chức, người lao động cả nước trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, nhiều địa phương đã chọn cách tạm đóng cửa trường học. Đến thời điểm này, đã có 50 địa phương rời lịch trở lại trường của học sinh, chỉ có 13 tỉnh/thành, học sinh và giáo viên quay trở lại trường giảng dạy và học tập bình thường.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường như hiện nay, việc tạm dừng đến trường là một giải pháp vừa để phòng dịch, vừa đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh, sinh viên (HSSV). Với tinh thần "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", nhiều phụ huynh và thầy cô đã tích cực chuẩn bị hành trang cho con em học tập trong tình hình mới, với hình thức dạy và học trực tuyến.

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Báo Lao Động, 100% các trường THCS và THPT đã bước vào giảng dạy bình thường theo thời khóa biểu trên những lớp học ảo qua Zoom, Microsoft, Teams hay nhiều nền tảng công nghệ khác.

Là một trong số những trường công lập ở Thủ đô triển khai đầu tiên việc dạy học online cho học sinh ở tất cả khối lớp từ năm học 2019-2020, thầy trò Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã qua những bỡ ngỡ ban đầu. Qua đợt dạy và học trong mùa dịch năm 2020, giáo viên của trường đã rút ra nhiều kinh nghiệm để có những giờ học hiệu quả.

Đầu tiên phải có phần mềm dạy học, đường truyền mạng tốt; cần thiết bị công nghệ của giáo viên và học sinh. Đặc biệt, việc chuẩn bị bài và kỹ năng của giáo viên đóng vai trò quan trọng để tạo nên những giờ học online hiệu quả. Ví dụ, thầy cô phải có kỹ năng quản lý giờ dạy trên không gian mạng, như điểm danh học sinh trước khi bắt đầu tiết dạy, tạo một số trò chơi để khởi động, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Tại Hải Phòng, theo Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hải Phòng - Đào Thế Anh, để chuẩn bị cho việc dạy học online, sở đã cấp tài khoản cho toàn bộ giáo viên và học sinh từ tiểu học, THCS đến THPT, giáo dục thường xuyên trên phần mềm Microsof Team và Office 365. Việc sử dụng phần mềm dạy online thống nhất trên toàn tỉnh tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc trao đổi kinh nghiệm, các kỹ năng giảng dạy online cho nhau.

Còn tại TPHCM, theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, từ ngày 17.2, các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng tiến hành dạy học trực tuyến. Để đảm bảo việc dạy học online được hiệu quả, sở lưu ý các cơ sở giáo dục tổ chức vào các khung thời gian không gây khó khăn cho học sinh tiểu học, giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức bài học và được tổ chức rèn luyện, đánh giá phù hợp.

Với những địa phương và các khối lớp còn khó khăn, giáo viên có thể xây dựng, thiết kế các hoạt động và hệ thống bài tập qua tin nhắn, thư điện tử, các phương tiện khác.

Với những vùng có dịch như Hải Dương, Quảng Ninh, việc dạy học trực tuyến cũng được ngành Giáo dục các địa phương kích hoạt, sẵn sàng triển khai từ buổi học đầu tiên sau Tết Nguyên đán, vì sự an toàn cho học sinh. Ông Trần Minh Thái - Trưởng phòng GDĐT huyện Bình Giang (Hải Dương) - cho biết, bắt đầu từ ngày 17.2, việc dạy-học trực tuyến đã được khởi động trở lại. Ngoài việc dạy học trực tuyến qua Zoom, giáo viên ở Hải Dương cũng sử dụng đa dạng các hình thức khác như giao bài tập qua Zalo, email để học sinh tự học, tự ôn tập… nhằm bảo đảm đúng kế hoạch thời gian năm học 2020-2021.

Nên đa dạng hóa phương pháp dạy học trực tuyến

Vì sự an toàn của học sinh, toàn ngành Giáo dục đã kích hoạt việc dạy học trực tuyến, không tập trung đông người tại trường học nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát. Thuận lợi của năm học này là cả giáo viên và học sinh đã có kinh nghiệm học trực tuyến từ lần dịch đầu năm 2020 nên hầu hết đều không gặp bỡ ngỡ trong khi triển khai. Tuy nhiên, không phải khó khăn không còn.

Dù là giải pháp tối ưu, nhưng dạy học trực tuyến có những hạn chế nhất định như thầy trò ít được tương tác trực tiếp, chất lượng tiết học phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường truyền mạng, kỹ năng sử dụng công nghệ của giáo viên (ngoài vấn đề nghiệp vụ sư phạm). Đặc biệt, dạy học trực tuyến cũng khó tiếp cận với tất cả đối tượng học sinh, vì hiện còn khoảng 20% học sinh còn khó khăn, không có thiết bị công nghệ để phục vụ học trực tuyến.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Tuấn Phong - giáo viên dạy môn toán Trường THCS Mường Báng (huyện Tủa Chùa - tỉnh Điện Biên), đúng là khó khăn còn rất nhiều, nhưng việc dạy học trực tuyến, duy trì việc học trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng dịch không phải không thể áp dụng một cách rộng rãi.

"Chẳng hạn ở trường tôi, giáo viên cố gắng đa dạng hóa phương pháp dạy để giúp học sinh thích nghi. Ví dụ, gia đình nào có thiết bị cho con em học online thì chúng tôi lập nhóm riêng để giảng dạy. Chúng tôi quay video và đưa lên YouTube để các em có thể theo dõi. Những học sinh nào không có thiết bị học tập, chúng tôi đến tận nhà để giao bài tập. Chúng ta có thể đa dạng hóa các phương thức dạy học, dạy qua Internet, truyền hình, hay gửi các kho học liệu cho học sinh tự học. Nếu giáo viên chủ động, sáng tạo và sự đồng hành của học sinh, phụ huynh thì chắc chắn sẽ có cách vượt khó” - thầy Phong chia sẻ.

Phải xây dựng được chương trình dạy học trực tuyến bài bản

Với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức dạy học trực tuyến, ông Phạm Giang Linh - Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục HOCMAI - cho biết, có một thực tế là nhiều người đang nhìn nhận học trực tuyến theo kiểu bê lớp học trực tiếp lên mạng, thông qua các công cụ Zoom, Microsoft Teams. Nhưng còn một hình thức khác là cung cấp các nội dung đã được soạn sẵn và cung cấp cho học sinh theo lộ trình học tập của nhà trường, dựa theo khung chương trình của Bộ GDĐT .

Ông Linh cho rằng, hình thức thứ 2 có nhiều ưu thế, mang lại các giá trị như tiết kiệm, giảm thiểu thời gian đi lại, tăng tính tự học của học sinh, có thể học tập mọi lúc mọi nơi. Còn việc tổ chức các lớp học trên phần mềm dạy học trực tuyến, hoặc dạy trực tiếp trên lớp sẽ là thời gian để giáo viên giải đáp thắc mắc của học sinh, giảng lại những gì học sinh chưa hiểu.

Ngoài ra, quan trọng nhất là phải xây dựng được chương trình dạy học trực tuyến bài bản, đáp ứng được khung chuẩn đầu ra cho học sinh theo quy định của Bộ GDĐT. Bên cạnh đó, khâu tập huấn kỹ năng, phương pháp dạy học trực tuyến cho giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng để có thể thực hiện một cách hiệu quả.

Tây Nguyên: Nhiều tỉnh cho học sinh nghỉ học

Dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực Tây Nguyên. Gia Lai - địa bàn trọng điểm của vùng này - đã ghi nhận gần 30 ca dương tính với SARS-CoV-2 nên ngành Giáo dục nhiều tỉnh thành ở Tây Nguyên đã chủ động cho học sinh tiếp tục nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tại tỉnh Gia Lai sau Tết Nguyên đán, học sinh được học trực tuyến qua mạng và học theo các tài liệu, bài tập được giao tại nhà.

Còn ở tỉnh Kon Tum, toàn bộ học sinh, các cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống trên toàn tỉnh đã nghỉ học từ ngày 3.2. Sau Tết, các em học sinh sẽ học tại nhà qua mạng trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. THANH TUẤN - BẢO TRUNG

Đặng Chung
TIN LIÊN QUAN

Để học online không còn là nỗi lo của phụ huynh và học sinh

Phan Anh |

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trên 40 tỉnh/thành đã quyết định lùi thời gian đến trường sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu. Với tinh thần "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", nhiều phụ huynh và thầy cô đang tích cực chuẩn bị hành trang cho con em học tập trong tình hình mới.

Học online sau Tết: Trẻ con mừng, bố mẹ khổ, thầy cô lo

Bằng Linh |

Nhiều địa phương đã công bố và lên phương án cho học sinh nghỉ ở nhà để học online. Đây là phương án bắt buộc để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo vẫn còn lo lắng về chất lượng học online, khả năng quản lý con cái, đặc biệt là lứa tuổi cấp 1.

TPHCM: Học sinh tiếp tục ngưng đến trường, học online đến hết tháng 2

Ngọc Lê |

Ngày 14.2, UBND TPHCM đã có văn bản cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục dừng đến trường, ở nhà học online đến hết ngày 28.2.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Để học online không còn là nỗi lo của phụ huynh và học sinh

Phan Anh |

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trên 40 tỉnh/thành đã quyết định lùi thời gian đến trường sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu. Với tinh thần "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", nhiều phụ huynh và thầy cô đang tích cực chuẩn bị hành trang cho con em học tập trong tình hình mới.

Học online sau Tết: Trẻ con mừng, bố mẹ khổ, thầy cô lo

Bằng Linh |

Nhiều địa phương đã công bố và lên phương án cho học sinh nghỉ ở nhà để học online. Đây là phương án bắt buộc để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo vẫn còn lo lắng về chất lượng học online, khả năng quản lý con cái, đặc biệt là lứa tuổi cấp 1.

TPHCM: Học sinh tiếp tục ngưng đến trường, học online đến hết tháng 2

Ngọc Lê |

Ngày 14.2, UBND TPHCM đã có văn bản cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục dừng đến trường, ở nhà học online đến hết ngày 28.2.