Trên mảnh đất Thu Phong giữa bạt ngàn những đồi cam sai trĩu quả đang kỳ thu hoạch, đâu đó vẫn âm vang chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của 5 chiến sĩ dân quân tự vệ.
Trong ngày đầu tiên của năm mới 2023, PV Báo Lao Động có dịp đến thăm ngôi nhà của ông Bùi Văn Kệnh (SN 1942, trú tại xóm Đúng Thá, xã Thu Phong, huyện Cao Phong) - 1 trong 5 dân quân đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 20.7.1966. Ông Kệnh cũng là người duy nhất trong số những người tham gia trận chiến khi xưa còn sống.
Trong ngôi nhà nhỏ cạnh đường 12B, những huân chương chiến công, giấy khen, bằng khen của ông Kệnh và vợ - bà Xa Thị Hoa được treo trang trọng ở một góc nhà như để minh chứng cho một thời đấu tranh gian khổ mà hào hùng.
Rót chén trà mời khách, người dân quân năm xưa đã ở tuổi xưa nay hiếm, đôi mắt vẫn ánh lên sự xúc động xen lẫn tự hào mỗi khi nhắc đến giây phút thiêng liêng của chiến công một thời đỏ lửa.
Ông Kệnh chậm rãi kể: "Ngày 5.8.1964, đế quốc Mỹ bắt đầu bắn phá các tỉnh phía Bắc, đến năm 1966 thì chúng mở rộng ra toàn miền Bắc. Sau khi Bác Hồ ra lời kêu gọi cả nước đứng lên kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ xã Thu Phong đã phát động phong trào đánh Mỹ cứu nước với phương châm: “Lấy đồng ruộng, nương rẫy làm chiến hào! Tay cày, tay súng! Mỹ đến thì đánh, Mỹ chạy thì cuốc”.
Khẩu hiệu “Cuốc, cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” đã trở thành phương châm hành động của xã".
Lúc bấy giờ, các đồi cao được chọn làm trận địa trực chiến. Bốn trung đội dân quân của các xóm Bưng, Vỏ, Nam, Sơn, Hợp Tiến đều trực chiến trận địa 24/24 giờ, sẵn sàng chiến đấu khi địch xâm phạm đến quê hương.
"Vào lúc 14h ngày 20.7.2966, khi toàn bộ cán bộ chủ chốt của xã tập trung họp để triển khai tình hình quân sự và rút kinh nghiệm chuẩn bị cho chiến đấu. Bất ngờ 2 chiếc máy bay đang nối đuôi nhau bay từ hướng Kim Bôi đến. Chúng bay vòng trở lại và bổ nhào bắn 1 loạt đạn vào ô tô của Công ty vận tải Hòa Bình đang dừng ở đỉnh dốc Cun.
Ngay lập tức, đội hình chiến đấu gồm tôi và các dân quân Nguyễn Thế Ngung, Đoàn Đức Tính, Bùi Văn Nhỏn và Bùi Đình Láy đã được triển khai. Đến chiếc máy bay thứ 2, cả tiểu đội 5 anh em dùng súng trường khẩn trương triển khai theo phương án đã được luyện tập, bắn lia lịa làm chiếc máy bay F105 của Mỹ. Chiếc máy bay trúng đạn lao xuống dốc núi, nổ lớn, bốc cháy thành cột khói lớn đen ngòm. Phi công điều khiển máy bay bị tiêu diệt" - ông Kệnh nhớ lại.
Thành tích của dân quân xã Thu Phong đã nâng tổng số máy bay của Mỹ bị quân và dân tỉnh Hòa Bình bắn rơi lên 3 chiếc.
Trao đổi với PV, ông Bùi Thanh Thiệu - Chủ tịch UBND xã Thu Phong cho biết: “Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thu Phong có ghi rất rõ, nhờ chiến công đó, lực lượng vũ trang xã Thu Phong được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tặng Huân chương Quân công hạng ba. Tổ dân quân trực tiếp lập công được tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Đảng bộ và nhân dân xã phấn khởi đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng về thăm”.
Theo ông Thiệu, chiến công của ông Kệnh và những người dân quân tự vệ đã thể hiện tinh thần quả cảm, sáng tạo, chiến đấu kiên cường của quân và dân xã Thu Phong, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12.1972.
“Sau chiến công, những người dân quân lại trở về với cuộc sống đời thường, chăm chỉ lao động, sản xuất, góp sức phát triển quê hương. Riêng ông Kệnh, đến nay đã trở thành một trong những nghệ nhân Mo Mường nổi tiếng ở đất Cao Phong” - vị lãnh đạo xã cho hay.