Nhu cầu trong dân rất lớn
Không ít người coi biển số xe mà mình đang đi rất có ý nghĩa, nó không chỉ gắn với kỷ niệm mà còn có giá trị nếu đó là biển số được cho là “đẹp”. Thế nhưng cho đến nay, việc mua bán biển số xe cho đến nay vẫn chưa được phép.
“Tôi rất muốn bán chiếc xe của mình để đổi một chiếc xe khác - anh Xuân Thành ở Cầu Giấy, Hà Nội - cho hay, thế nhưng biển số chiếc xe dù là không siêu đẹp nhưng lại gắn kỷ niệm với hai vợ chồng, chúng tôi không nỡ. Giá như chỉ bán xe, giữ lại biển số thì hay biết mấy”.
Anh Hoàng Vũ tại Thanh Xuân bày tỏ: “Tôi mua xe mới và được cấp biển số, sử dụng một thời gian tôi bán xe, nhưng cái biển số vẫn là của tôi (trừ trường hợp thỏa thuận bán luôn cả cái biển số) và sẽ gắn xe mới của tôi, còn người mua xe của tôi phải làm thủ tục cấp biển số khác nếu chưa có biển số. Làm như vậy vừa tiết kiệm được kho số, vừa thu được ngân sách, mà cũng vừa giải quyết được tình trạng mua bán không sang tên đổi chủ”.
Đó là chưa kể các nhu cầu về biển số đẹp, biển số trùng năm sinh, ngày cưới…
Thống kê cho thấy, tiêu thụ ôtô ở mức 400.000 xe/năm, có xu hướng tăng nhanh qua từng năm. 2/3 trong số đó là xe ôtô đăng ký cá nhân, ngoài ra là gần 3 triệu xe máy/năm. Kho biển số có thể xem như một “kho vàng” nếu như pháp luật cho phép đấu giá biển số xe.
20 năm chưa xong câu chuyện đấu giá biển số
Việc đấu giá biển số xe đã được Cục CSGT (Bộ Công an) đề xuất từ năm 1993, thời điểm đó Hải Phòng là địa phương đầu tiên tự tổ chức đấu giá biển số xe, tuy nhiên bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”. Hơn 10 năm sau, Bình Thuận, Nghệ An là hai địa phương “vượt rào” tổ chức đấu giá biển số xe, số tiền thu được hàng tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo. Nhiều biển số có giá trị đến 900 triệu đồng, tuy nhiên sau đó Bộ Tài Chính, Bộ Công an tiếp tục “tuýt còi” việc đấu giá này vì vướng mắc thủ tục pháp lý.
Có nhiều ý kiến cho rằng đấu giá quyền sử dụng biển số xe ôtô, xe máy đẹp không chỉ xuất phát từ mục đích tăng thu ngân sách cho nhà nước mà do nhu cầu muốn sở hữu biển số đẹp của một bộ phận người có tiền, muốn sở hữu những số mình thích. Hơn nữa, đấu giá cũng là cơ sở để tăng tính minh bạch, tránh hiện tượng cò mồi, tiêu cực trong khâu cấp biển số.
Đến năm 2008, Cục CSGT tiếp tục đề xuất đấu giá biển số xe, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương và giao cho các bộ nghiên cứu triển khai. Hai Bộ Công an và Tài chính đã xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn việc đấu giá quyền sử dụng số đăng ký biển xe cơ giới đường bộ, chế độ thu, quản lý, sử dụng tiền đấu giá, nhưng sau đó thông tư không được thông qua vì vướng Luật Đấu giá tài sản.
Đến đầu tháng 3.2017 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương, giao cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng cơ chế về việc đấu giá biển số xe.
Năm ngoái, khi trình dự thảo về Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ thì vấn đề sở hữu, cá nhân hoá hay đấu giá biển số xe cơ giới đã một lần nữa được đặt ra.
Lãnh đạo Cục CSGT phân tích: “Thực hiện đấu giá biển số xe có nhiều lợi ích. Thứ nhất, đáp ứng một số nguyện vọng của người dân trong việc sở hữu và sử dụng biển số xe. Thứ hai, đem lại nguồn ngân sách cho Nhà nước. Thứ ba, thông qua đấu giá biển số xe, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt, đảm bảo vừa đăng ký, quản lý biển số nói chung và biển số xe tham gia giao thông nói riêng, đảm bảo công bằng, khách quan trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước và đảm bảo quyền lợi nhu cầu người dân về sử dụng biển số theo sở thích và ý muốn”.
Giải thích rõ hơn một số điều trong dự thảo luật, phía CSGT đưa ra 3 vấn đề” Thứ nhất là cấp biển số xe trên hệ thống đăng ký, quản lý xe.
Thứ hai là cấp biển số ôtô thông qua đấu giá. Đối với hình thức này, hội đồng đấu giá sẽ được thành lập, đồng thời thiết lập, vận hành trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để đấu giá trực tuyến biển số xe. Người trúng đấu giá có quyền sở hữu biển số xe đó, không phải nộp lệ phí đăng ký cấp biển số ôtô.
Thứ ba là cấp biển số xe theo sở thích có thu phí.
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, hệ thống dữ liệu sẽ phân loại biển số dạng tứ quý hoặc số đẹp để đấu giá. Với các dãy số theo sở thích, người dân có nhu cầu được lựa chọn và chỉ phải đóng một khoản tiền theo quy định.
Trong trường hợp nhiều người có cùng sở thích (ví dụ trùng năm sinh), biển số liên quan sẽ được đấu giá trên hệ thống điện tử, ai trả giá cao, người đó được sở hữu.
Vướng luật
Trên thực tế, dù có tiềm năng và mang lại lợi ích cho người dân và ngân sách thì việc đấu giá hay sở hữu biển số xe suốt đời đang vướng nhiều bởi các quy định hiện hành.
Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định: Biển số xe được cấp cho phương tiện cơ giới đủ điều kiện, mỗi phương tiện chỉ được cấp một biển số xe duy nhất.
Bên cạnh đó, hành vi sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng là một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ.
Như vậy, người dân không thể bán biển số xe của mình. Đây bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Nếu người mua thích biển số xe của ai đó thì chỉ có thể mua lại cả chiếc xe và làm các thủ tục đăng ký sang tên theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo Thông tư 58/2020 nêu rõ trường hợp sang tên xe khác tỉnh, chủ xe trực tiếp hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức dịch vụ nộp giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe cho cơ quan đăng ký xe. Trường hợp bán xe cùng tỉnh của chủ xe thì mới được giữ biển số xe cũ còn nếu mua bán xe khác tỉnh thì sẽ được cấp lại biển số xe khác.
Ngoài ra, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 kho số của biển số xe do Bộ Công an đang quản lý để đăng ký, cấp biển số xe là tài sản công, nếu mang đấu giá phải thực hiện Luật Đấu giá tài sản.
Rõ ràng, việc triển khai đấu giá biển số, hoặc biến biển số thành vật sở hữu suốt đời là việc nên làm và càng để lâu thì “nguồn tài nguyên” càng lãng phí và ngân sách càng thất thu. Cơ quan chức năng cần xem xét, sửa rất nhiều quy định, thậm chí sử luật để nhu cầu của người dân được đáp ứng.