Dấu chân quê trên vùng hạn mặn

TRẦN LƯU |

Múc ca nước mưa trong lu đổ vô nồi vo gạo, ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cười hóm hỉnh: “Tôi sống gần cả đời người ở nông thôn, có ai ngờ, những chiếc lu “quê mùa” giờ lại có gị trị đến vậy”...

Bươi đất tìm... hy vọng

Vùng ven biển tỉnh Bến Tre những ngày cuối tháng 2 rơi vào cảnh khô hạn chưa từng có. Xa xa, trên những cánh đồng, người nông dân đội nắng cháy, đi cắt lúa chết vì nhiễm mặn về cho bò ăn.

Giữa cái nắng như đổ lửa, ông Nguyễn Văn Lâm (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) vẫn ráng ra đồng tìm cách cứu 2 công lúa đang khô héo vì thiếu nước ngọt. Năm nay, nước mặn về sớm cộng với khô hạn khắc nghiệt khiến cho cánh đồng của ông và những hộ dân lân cận nhuốm một màu vàng hoe. Ông Lâm vạch từng gốc lúa, bươi lớp đất đã khô queo, nứt nẻ. “Bây giờ chẳng còn hy vọng gì nữa rồi. Mấy ngày nay, tôi đã cắt tới tận gốc để cho bò ăn nhằm gỡ được phần nào hay phần đó. Cả vụ lúa coi như mất trắng”.

Cách đó không xa, ông Trần Văn On cũng đang đứt ruột nhìn 4 công lúa cháy khô trên ruộng. “Tui sạ được gần 1 tháng thì nước mặn xâm nhập vô làm cây lúa rụi dần rồi cháy vàng. Hết cách, tui đành bỏ ruộng, đi mần lúa thuê kiếm cái ăn. Ai dè đi tới đâu gặp ruộng chết tới đó, bà con xung quanh đều khổ sở”.

Thời điểm này, nước mặn đã len lỏi vào tận các con rạch nằm sâu nhất ở Bến Tre, làm cho cuộc sống người dân đảo lộn. Chị Quỳnh Thị Như Thủy (xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú) kể: Gia đình chị kinh doanh quán ăn. Trước đây, từ việc tắm rửa đến kinh doanh đều phải dùng nước máy. Nay nước máy nhiễm mặn, chị phải mua nước từ những xe bán dạo. Biết là đắt đỏ, nhưng không mua không được, vì quán ăn không thể dùng nước nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú) chụm hai tay hứng nước máy đang bơm, rồi đưa vào miệng nếm thử: “Mặn đớ lưỡi rồi, ít gì cũng 7, 8 phần nghìn”. Ông Nghĩa than thở, những ngày qua, ông chỉ dám dùng nước máy để rửa chén bát, chứ không dám dùng nấu nướng, ăn uống, bởi độ mặn quá cao. Sông ngòi kênh rạch nhiễm mặn, nước máy cũng bị luôn, người dân đành mua nước ngọt sử dụng với giá lên tới 100.000 đồng/m3, thậm chí có thời điểm lên tới 150.000 đồng/m3.

Bể trữ nước ngọt của người dân ở Bến Tre.
Bể trữ nước ngọt của người dân ở Bến Tre.

“Hồn quê” giải cơn “khát”

Đang kể khổ, ông Nghĩa bỗng đổi giọng, dẫn tôi ra sau hè và khoe “công trình trữ ngọt” với 10 lu nước và 3 bể chứa cỡ lớn. Rồi ông kể: Từ đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, bà con trong vùng “thèm khát” nước ngọt như người ta mỗi bữa thiếu cơm.

Hết cách, bà con mỗi ngày phải ra đường đón các xe bồn để mua nước ngọt với giá cắt cổ. Từ dạo đó, ông Nghĩa ra chợ tìm mua lu. Những vật dụng đó vốn rất quen thuộc và gắn bó mấy đời trong gia đình ông. Nhưng theo nhịp sống phát triển, nước máy được kéo về tận thôn quê, nên cái lu dần biến mất. “Nhà báo thấy không, tính ra, đâu lại về đó” - ông Nghĩa nói.

Mùa mưa tới, tuy nước không nhiều như mọi năm, nhưng vẫn tưới mát ruộng đồng, hồi sinh cỏ cây đang khô héo. Ông Nghĩa hồ hởi đem lu ra hứng nước: “Tôi cho thợ làm đường ống từ mái nhà, để nước mưa chảy vào bể. Bể đã được vệ sinh sạch sẽ, mỗi cái chứa được khoảng 10 khối, cộng với 10 cái lu (mỗi cái trên dưới 1m3), tính ra chứa được khoảng 40m3”.

Đến mùa khô hạn năm nay, ông vạch ra kế hoạch sử dụng rõ ràng. Nước máy nhiễm mặn thì dùng rửa chén bát, cũng có thể giặt giũ tùy lúc; hoặc tắm sơ, rồi sau đó tắm lại bằng nước ngọt cho đỡ tốn. Nước mưa trong lu, ông Nghĩa mang vào đun sôi để nguội, rồi đổ vào các bình chứa dùng hàng ngày trong nấu nướng, ăn uống. “Để tiết kiệm, nước mặn và nước ngọt phải sử dụng đan xen. Tính ra, 40m3 nước ngọt nếu đi mua phải tới 4 triệu đồng, tương đương 1 chỉ vàng. Hổng ai ngờ, nước quý như vàng là có thật” - ông Nghĩa hài hước.

Gần nhà bà Nguyễn Thị Xuân (xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), những ngày này, các dòng kênh xung quanh đã khô cằn, trơ đáy. Theo lời bà, dù có nước cũng không sử dụng được vì độ mặn quá cao. Mấy năm nay, điện nước được kéo về tận nông thôn, nhưng gia đình bà vẫn giữ thói quen trữ nước mưa trong lu để dùng, kể cả trong ngày thường.

“Từ hồi nhỏ, tôi nghe ông bà kể, nước mưa là nước “vô căn”, nên rất tốt và vô hại. Đã thành thói quen, bây giờ dù có nước giếng sạch hay nước máy, nhà tôi vẫn thích dùng nước mưa, có khi uống trực tiếp. Chồng tôi thì nói, dùng nước mưa để pha trà thường cho màu sắc và mùi vị nước trà ngon hơn pha trà bằng nước máy hay nước giếng, nước sông”.

Mấy năm nay, bà con xung quanh đều dùng lu trữ nước mưa. Nhà nào không có chuẩn bị mới thiếu nước sinh hoạt. “Mới bữa hổm, chị Bảy bên sông xách hai cái xô chạy qua nhà tôi... mượn nước mưa, vì nước ngọt trong nhà dùng không đủ. Bữa sau, chị kêu xe bồn mua 2m3 nước, rồi mang trả lại, tôi nói, chị cứ để xài, bà con xóm giềng giúp đỡ nhau”.

Nước bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước ngọt sử dụng với giá cao.
Nước bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước ngọt sử dụng với giá cao.

Chỉ tay về từng cái lu, bà Xuân giải thích: Lu này dùng để tắm gội, còn lu kia dùng nấu nướng, ăn uống. Nước để tắm là nước được hứng từ những cơn mưa đầu mùa, còn nước để ăn uống được hứng từ những trận mưa sau đó. “Bây giờ công nghiệp phát triển, không khí bị ô nhiễm, nên mưa đầu mùa thường không sạch, tinh khiết, phải đợi thêm vài cơn mưa sau đó nước mới sạch, dùng sinh hoạt ăn uống là tốt nhất” - bà Xuân phân tích như một nhà khoa học.

Sau đợt hạn, mặn lịch sử cuối năm 2015 đầu năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã phát động phong trào trữ nước ngọt trong dân để sử dụng trong mùa hạn mặn. Chủ trương này ngay lập tức “nhắc nhớ” người dân về “thói quen sinh hoạt” vốn đã có từ bao đời nay. Những cái lu đang mai một, bị bỏ quên, đã được nhà nhà sử dụng. Như cách nói của ông Võ Thành Nam (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) thì: Từ hôm mua cái lu về nhà, không chỉ giúp trữ nước ngọt để sử dụng mà mỗi lần nhìn cái lu, nó bỗng gợi trong ông một cảm giác khó tả. Ông bất chợt nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ ông bà, “cái hồn quê” như phảng phất đâu đó. “Thời tiết bây giờ cực đoan, lượng mưa rất ít, quý như của trời cho, nên phải biết giữ gìn” - ông Nam bày tỏ.

Thuận thiên, nâng tầm những giá trị đời thường

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với chiều dài lớn nhất nước, nên mới gọi là “vùng sông nước Cửu Long”, nói cho dễ hiểu, vùng này nước nhiều vô cùng.

Thế nên, người ta mới giật mình khi vào những ngày cận Tết Nguyên đán, Tàu 935, Hải đội 811, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đã vượt hơn 100 hải lý từ TP.Hồ Chí Minh đến Trạm kiểm soát Biên Phòng Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre chở theo 250 khối nước ngọt giúp đỡ, cứu trợ cho người dân trong vùng bị thiếu nước.

“Tôi không ngờ những người lính hải quân vốn sống trên biển (nước mặn), giờ phải đi cứu trợ nước ngọt cho cư dân đất liền. Ở đây vừa khô hạn, vừa nhiễm mặn, nên bà con rất mang ơn những chuyến nước ngọt đầy ắp nghĩa tình” - nông dân Nguyễn Văn Thắng (huyện Bình Đại) chia sẻ.

Người dân ở Bến Tre dùng lu trữ nước mua sử dụng trong mùa khô hạn.
Người dân ở Bến Tre dùng lu trữ nước mua sử dụng trong mùa khô hạn.

Những ngày đi qua vùng hạn mặn, chúng tôi nhận được sự trăn trở của nhiều chuyên gia. Theo GS Võ Tòng Xuân, trên những vùng đất mặn, nhiều năm qua, người ta vẫn cố trồng lúa (nước ngọt) cho bằng được. Công cuộc chuyển đổi và tái cơ cấu cây trồng phải biết thuận thiên. Những tháng nước ngọt thì trồng lúa, những tháng mặn thì thả nuôi tôm, cua luân canh... vừa giúp nông dân có thêm thu nhập, vừa thích ứng hài hòa thiên nhiên. Việc đó, nông dân không thể “tự bơi” mà phải có sự hỗ trợ của nhà nước về chủ trương; nhà khoa học thì nghiên cứu về chọn giống, cách nuôi cụ thể, phù hợp; doanh nghiệp định hướng tìm đầu. Liên kết 4 nhà là vậy.

Còn chuyên gia nghiên cứu Trần Hữu Hiệp cho rằng, từ bao đời nay, người dân ven biển đã biết dùng lu, khạp để trữ nước ngọt trong mùa mưa dùng cho mùa khô. Thực tế, trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng, vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động dời lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng đã hiện thực hóa thành công triết lý “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ”, tạo ra nhiều kỳ tích lúa gạo, thủy sản, trái cây nhiều năm qua. Những thói quen đời thường đó cần được nâng tầm tư duy, để con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác nguồn lợi trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.

Chủ tịch UBND huyện Bình Đại - ông Nguyễn Văn Dũng - cho biết, mấy năm gần đây, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt để sử dụng, nên nước uống, nấu ăn đã bảo đảm đủ trong mùa xâm nhập mặn. Tuy nhiên, vào mùa khô, các nhà máy nước đều bị nhiễm mặn nên người dân vẫn còn gặp khó trong sinh hoạt, sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho hay, đến nay, Tỉnh ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo về chương trình trữ nước ngọt, nước mưa đến tận các huyện, thành phố, xã, ấp, chi bộ. UBND tỉnh cũng xây dựng kịch bản, chương trình, kế hoạch cụ thể và đã sớm triển khai để các đơn vị thực hiện. Bên cạnh đó, địa phương khuyến cáo người dân khi sử dụng nước tưới phải đo độ mặn trước và sử dụng mọi dụng cụ như lu, bồn chứa, ao, hồ để chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Chiều tàn, nhưng cái nóng hừng hực vẫn dội xuống những con đường quê Thạnh Phú. Chiếc xe bồn chạy qua cất tiếng rao: “Nước đây!”. Bên kia sông, người dân nháo nhào chạy ra kêu: “Nước, nước...”. Họ sống bên dòng sông, và thời điểm này phải đi mua nước sử dụng.

TRẦN LƯU
TIN LIÊN QUAN

Khẩn cấp hoàn thiện các công trình chống hạn hán, xâm nhập mặn

Phong Nguyễn |

Hiện 5/13 tỉnh (Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ban bố tình huống khẩn cấp về hạn hán, xâm nhập mặn. Thời gian tới, xâm nhập mặn tai khu vực  này dự báo sẽ vượt mức kỷ lục mùa khô năm 2015-2016 nếu gió mùa đông bắc tăng cường. Hơn lúc nào hết, cần sự nỗ lực vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán gây ra.

Tình quân dân ở vùng hạn, mặn

Kỳ Quan |

Mùa hạn mặn năm nay, hàng nghìn hécta lúa, hoa màu ở tỉnh Long An bị de dọa mất trắng vì thiếu nước. Hàng nghìn hộ dân không có nước ngọt cho ăn uống, sinh hoạt. Những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ở Long An một lần nữa lại sát cánh với người dân trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

Hạn hán, xâm nhập mặn là hệ quả của biến đổi khí hậu?

Nguyễn Hà |

Xâm nhập mặn đã, đang và được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để bảo vệ nguồn nước mặt, chủ động ứng phó với hạn hán và đảm bảo nguồn nước trong tương lai?

Những góc quán cafe ngắm pháo hoa lý tưởng ở TPHCM

Quỳnh Nga |

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TPHCM dự kiến bắn pháo hoa ở 6 điểm. Đừng bỏ qua những địa điểm ngắm pháo hoa ở TPHCM cực “chill” dưới đây.

Bộ Tài chính nói gì về gói lãi suất 2% chậm giải ngân

Trà My |

Việc giải ngân gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% đến nay kết quả chưa được như kì vọng. Bộ Tài chính nói gì về đề xuất điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ lãi suất này sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội?

Giờ thứ 9: Giả điên - Phần 1

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Dường như mối tình đầu luôn là mối tình đẹp nhất, để lại nhiều dư vị ngọt ngào nhất của tuổi trẻ. Nhưng mối tình đầu cũng luôn buồn nhất và nhiều chia ly nhất. Chắc hẳn, đó sẽ là mối tình không bao giờ quên được vì nó chính là những rung động đầu tiên đối với mỗi người. Và sẽ chẳng có ai tin rằng, có những người chia tay mối tình đầu sau vài chục năm xa cách, lại có thể quay trở về chung sống với nhau thật hạnh phúc.

Tài chính thông minh: Đầu tư gì với 30 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng?

Nhóm PV |

Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) lần này, Ths Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi tiết kiệm từ 10 - 30 triệu đồng/tháng thì nên đầu tư vào đâu.

Tân huấn luyện viên tuyển Việt Nam và sứ mệnh kế thừa di sản của ông Park

AN NGUYÊN |

Sau khi chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo, VFF sẽ tiến hành công bố tân thuyền trưởng cho đội tuyển Việt Nam. Áp lực và sứ mệnh đặt lên vai người kế nhiệm ông Park rất lớn, vừa đảm bảo duy trì thành công, vừa hướng đến một hoài bão lớn đó là giấc mơ World Cup.

Khẩn cấp hoàn thiện các công trình chống hạn hán, xâm nhập mặn

Phong Nguyễn |

Hiện 5/13 tỉnh (Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ban bố tình huống khẩn cấp về hạn hán, xâm nhập mặn. Thời gian tới, xâm nhập mặn tai khu vực  này dự báo sẽ vượt mức kỷ lục mùa khô năm 2015-2016 nếu gió mùa đông bắc tăng cường. Hơn lúc nào hết, cần sự nỗ lực vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán gây ra.

Tình quân dân ở vùng hạn, mặn

Kỳ Quan |

Mùa hạn mặn năm nay, hàng nghìn hécta lúa, hoa màu ở tỉnh Long An bị de dọa mất trắng vì thiếu nước. Hàng nghìn hộ dân không có nước ngọt cho ăn uống, sinh hoạt. Những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ở Long An một lần nữa lại sát cánh với người dân trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

Hạn hán, xâm nhập mặn là hệ quả của biến đổi khí hậu?

Nguyễn Hà |

Xâm nhập mặn đã, đang và được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để bảo vệ nguồn nước mặt, chủ động ứng phó với hạn hán và đảm bảo nguồn nước trong tương lai?