Thông tin với Lao Động, người dân đảo Quan Lạn cho biết, người dân nơi đây thuộc từng luồng lạch ở vùng biển này nên không cần đo đạc, xác minh cũng biết Công ty TNHH Quan Minh đã khai thác cát vào vị trí của chương Dồ. Việc công ty trên khai thác cát vào ranh giới chương Dồ đã diễn ra từ lâu.
Theo người dân đảo Quan Lạn, chương Dồ dài 8km, rộng 2km, được coi là vựa hải sản tự nhiên của vùng biển Quan Lạn, Minh Châu. Mỗi năm, chương cát này chỉ nổi lên khoảng 25 ngày, tập trung vào các tháng 1,2,5,11,12 âm lịch.
“Vào những ngày này, hàng ngàn người dân đảo chỉ việc ra “hót” của đem về, gồm tu hài, móng chân, sò, ngao, sá sùng, cùi mai, mực cá tôm” – một người dân Quan lạn cho biết.
Đặc biệt, theo người dân, mất chương Dồ, vùng biển Quan Lạn không chỉ mất khai trường khai thác hải sản của người dân, mà còn mất đi nơi cung cấp các giống hải sản tự nhiên cho vùng biển và lo ngại nhất là mất luôn cả giống sá sùng – một loại hải sản đặc biệt chỉ có ở Quan Lạn.
Trao đổi với Lao Động sáng nay – 14.4, ông Trương Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn – cho biết huyện đã yêu cầu Công ty TNHH Quan Minh tạm dựng việc khai thác cát để các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, xác minh làm rõ thông tin cử tri và nhân dân phản ánh cho đến khi có thông báo mới.
“Công ty này đang thực hiện Dự án nạo vét luống vào và khu vực nước trước bến cập tàu Đồng Hồ tại xã Quan Lạn. Theo quy định, khu vực nào được nạo vét thì phải thả phao công khai tuyến. Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra việc này” – ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo người dân Quan Lạn, các tàu hút cát vẫn vào khu vực không thả phao đánh dấu tuyến khai thác. Bởi, chỉ cần thả phao là khi thủy triều xuống sẽ biết tàu khai thác cát ở vị trí nào.