Theo người dân địa phương, tầm 3 ngày trở lại đây, hoạt động của nhà máy khiến bầu không khí ô nhiễm trầm trọng.
Ông Ngô Đỗ (trú thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận) cho hay, việc vận hành bên trong nhà máy cứ liên tục thải khói ra môi trường không khí khiến cuộc sống sinh hoạt của bà con bị đảo lộn.
"Nhiều khi đang ngồi bưng bát cơm, mùi hôi khét lẹt xông thẳng vào nhà, thế là phải bỏ dở bữa ăn. Mấy hôm nay trời hay đổ mưa dông, nhà máy xả thải càng khủng khiếp hơn trước" - ông Đỗ nói.
Tương tự, bà Võ Thị Tư (thôn Đông Lỗ) cho hay, sau nhiều ngày liên tiếp bị "tra tấn" bởi mùi hôi do nhà máy phát tán, chiều 7.6, bà cùng hàng chục người dân quyết định mang lều bạt, dây đến trước cổng nhà máy để dựng lên căn lều nhỏ.
"Chúng tôi cương quyết túc trực ở đây 24/24 nhằm ngăn không cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào nhà máy. Đây không phải lần đầu, chúng tôi tập trung phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của nhà máy. 3 năm qua, không dưới 10 lần, người dân sinh sống lân cận nhà máy rủ nhau tập trung để yêu cầu doanh nghiệp ngưng xả thải gây ô nhiễm" - bà Tư chia sẻ.
Ngoài ra, người dân xã Bình Thuận còn bức xúc tố hoạt động san lấp mặt bằng của nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất trong vài ngày qua khiến bụi bay mù mịt, bủa vây môi trường không khí nơi họ sinh sống.
Bà Ngô Thị Rứa (72 tuổi, thôn Đông Lỗ) cho hay: "Nhiều năm nay, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cứ hứa giải quyết tái định cư cho hàng trăm hộ dân xã Bình Thuận nhưng dân chờ mãi vẫn chưa thấy triển khai. Nếu cứ sống chung với bầu không khí ô nhiễm thế này, chắc chẳng có ai ở đây sống nổi. Tội nhất, là những đứa trẻ nhỏ phải gánh chịu một bầu không khí ô nhiễm như thế này".
Ông Đỗ Thiết Khiêm - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, trong sáng nay (8.6), lãnh đạo huyện đã trực tiếp có mặt ở hiện trường để vận động người dân giải tán.
"Theo kế hoạch, khoảng 650 hộ dân xã Bình Thuận sẽ được di dời, bố trí tái định cư. Hiện nay, huyện đang tiếp tục kiểm kê giai đoạn 1 và dự kiến hết quý 2.2022 mới có đất để bố trí tái định cư cho dân. Khi di dời đến nơi ở mới, bà con sẽ không còn phản ứng với hoạt động của nhà máy nữa" - ông Khiết nói.