HIỆT HẠI KINH HOÀNG DO MƯA LŨ LỊCH SỬ TẠI CÁC TỈNH PHÍA BẮC:

Dân bị động vì thiếu cảnh báo kịp thời?

KHÁNH VŨ |

Theo báo cáo Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương về PCTT, tính đến 16h ngày 12.10, mưa lũ đã khiến 102 người thương vong. Mưa lũ cũng khiến 235 ngôi nhà bị “xóa sổ”, 1.367 ngôi nhà bị thiệt hại nặng, trên 17.000 ngôi nhà bị ngập nước, 746 ngôi nhà phải di dời. Trên 8.000ha lúa và 26.691ha hoa màu bị úng ngập, thiệt hại; 1.186 con gia súc, 46.945 con gia cầm bị cuốn trôi… Nhiều ý kiến cho rằng, đợt mưa này chưa phải lớn nhất và không kéo dài, tại sao tỉ lệ thương vong lại lớn như vậy? Phải chăng công tác dự báo và ứng phó có sai sót?

Mưa không quá lớn, tại sao ngập lụt lại vượt mức lịch sử?

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 12.10, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường - GS-TSKH Dương Đức Tiến (nguyên giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, vấn đề thiên tai trong năm vừa qua diễn biến phức tạp, trong khi trình độ dự báo của chúng ta có hạn nên chưa lường hết trước được những vấn đề đó (thảm họa thiên tai - PV). “Tôi nghĩ, ngành khí tượng thủy văn cần trang bị thêm những thiết bị tốt hơn, đồng thời nâng cao hơn nữa trình độ của cán bộ kỹ thuật. Tôi cho rằng, trình độ của các nhà khí tượng thủy văn học chưa được nâng cao lắm cho nên cần chú trọng, đầu tư thêm. Xưa nay, dân vẫn đùa câu cửa miệng không chính xác như “dự báo thời tiết” và chuyện này vẫn thường xảy ra. Trong khi các nước, công tác dự báo thời tiết khá chuẩn, công tác dự báo chính xác sẽ giảm tai họa cho người dân rất nhiều” - GS-TSKH Dương Đức Tiến nhấn mạnh. GS-TSKH Dương Đức Tiến cho rằng, song song cùng với việc nâng cao trang thiết bị, cần có những chuyên viên cao cấp đủ trình độ để “đọc” được những thông tin mà máy móc cung cấp. Đây là điều mà ngành khí tượng thủy văn đang rất thiếu và rất yếu, chưa đáp ứng được.

Trước nhiều ý kiến trái chiều như vậy, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - khẳng định: Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã theo dõi chặt chẽ, cảnh báo sớm áp thấp nhiệt đới và khả năng mưa to đến rất to cho các khu vực từ ven biển Trung Bộ, mở rộng ra nam Đồng bằng và phía tây Bắc Bộ. Kịp thời cung cấp tin dự báo, cảnh báo cho BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai và các Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp để kịp thời chỉ huy, chỉ đạo ứng phó và điều hành xả lũ, chống lũ và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong các ngày từ 6-7.10 đã có cảnh báo về đợt mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Trong các bản tin cảnh báo, dự báo đợt áp thấp nhiệt đới từ các ngày 7 - 9.10 đã có cảnh báo về mưa lớn. Các Đài KTTV Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái đã theo dõi chặt chẽ và cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo, dự báo cho các địa phương chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, do mưa lớn nhiều ngày trước đó, cộng với đợt mưa dồn dập của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, nên sự cộng hưởng lớn, gây nên nhiều thiệt hại cho các vùng dân cư dễ bị tổn thương bởi mưa bão lũ quét và sạt lở đất.

Xả lũ hồ Hòa Bình là tác nhân làm nghiêm trọng thêm lũ lụt?

Ông Lê Thanh Hải cho rằng, tại hồ thủy điện Hòa Bình đã đo được lưu lượng đến hồ lớn kỷ lục 15.940m3/s vào lúc 12h ngày 11.10, buộc phải mở khẩn cấp 8 cửa xả đáy. Trong quá khứ, mới chỉ có 3 lần phải mở 7 cửa và 5 lần phải mở 6 cửa. Cũng vì mưa lớn, diện rộng, kỷ lục nên phạm vi ngập lụt và sạt lở là rất nghiêm trọng và thiệt hại lớn.

Ông Nguyễn Phúc Vinh - chuyên gia thủy điện, nguyên giảng viên Trường ĐH Xây dựng - cho biết: Trong đợt lũ lịch sử năm 2017 này là do cơ quan dự báo chỉ chăm chăm dự báo bão, áp thấp nhiệt đới mà không chú trọng dự báo về mưa. Do không tiên lượng được lượng mưa nên không dám chủ động xả lũ trước để giảm áp lực cho hồ Hòa Bình. Đến khi trời mưa liên tiếp, lưu lượng về hồ tăng nhanh, nguy cơ mất an toàn đập thì vội lệnh cho Thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy để “tiêu” bớt nước, đồng thời lệnh Thủy điện Sơn La ngừng phát các tổ máy, không xả nước về hạ du để tránh nước dồn về hồ Hòa Bình. “Đây là cách làm đúng của thủy điện, nếu không, các hồ chứa không chịu được áp lực, bị vỡ đập thì hậu quả khôn lường, hàng triệu mét khối nước sẽ nhấn chìm Hà Nội và các tỉnh lân cận vùng hạ du”. Điều đáng nói là nếu cơ quan dự báo tiên lượng chuẩn về lượng mưa để các hồ thủy điện xả lũ trước theo lưu lượng ít và chậm hơn, sẽ khiến tình trạng lũ lụt tại vùng hạ du giảm bớt. Việc tiên lượng không chuẩn đã khiến lệnh xả lũ ban hành khẩn cấp, nên việc thông báo cho vùng hạ du trong thời gian 1 đêm là quá ngắn, không đủ thời gian để người dân sơ tán người và tài sản, chạy lũ” - ông Nguyễn Phúc Vinh nhấn mạnh.

Thủ tướng thị sát, chỉ đạo hộ đê tại Ninh Bình

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc (huyện Gia Viễn) chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.

Tại đập tràn Lạc Khoái, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo về công tác chống lũ, phương án ứng phó với tình huống có thể xảy ra. Đánh giá cao việc tỉnh khẩn trương tiến hành di dân, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bảo đảm an toàn tối đa cho người dân.

Sau khi đi thị sát, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh tại nhà vận hành đập tràn Lạc Khoái. Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, năm nay, mực nước sông dâng cao đến mức 5,53m, cao nhất trong hơn 30 năm qua (vượt đỉnh năm 1985 là 5,23m). Tối 11.10, tỉnh đã tiến hành di dân, xử lý các điểm sạt lở. Nếu mực nước sông lên 10cm thì sẽ tiến hành phương án xả lũ.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh trong việc hạn chế thiệt hại, chỉ đạo di dân, chủ động phương án phân lũ, theo dõi sát tình hình, có căn cứ khoa học chưa phá đê xả lũ khi mực nước đã dâng trên 5,50m. Đến nay, phương án này được xem là sáng suốt, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết.

Theo báo cáo sơ bộ của huyện Gia Viễn, mưa lũ đã làm cho 1.700ha lúa của huyện bị ngập úng, có 200ha bị mất trắng; 153,7ha rau màu bị giập nát; 520ha nuôi trồng thủy sản bị ngập trắng; lũ cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm; 853 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 600 ngôi nhà ở thôn Kênh Gà bị ngập hoàn toàn; sạt lở 2km kênh cứng, 6km kênh nội đồng, 45m kênh ven đê (Gia Hòa) và 30m đê (Gia Vân); vỡ 2 đập tràn ở Gia Hưng... A.C

Hà Nội: Sạt lở đê ở Chương Mỹ, nhiều nhà dân chìm trong biển nước

Ông Lê Hoài Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ - cho hay, khoảng 6h15 sáng 12.10, tuyến đê Bùi 2 bị sạt lở với chiều dài khoảng 15m, 200 nhà dân bị ngập, ảnh hưởng, 8 thôn trong xã chìm trong biển nước. Thiệt hại ban đầu ghi nhận, 28ha lúa bị ngập; 40ha hoa màu bị hư hại; 50ha nuôi trồng thủy hải sản bị ngập.

“Trong đêm 11.10, chúng tôi đã di chuyển 900 người ở các vị trí vùng thấp, vùng nguy hiểm lên khu vực cao an toàn” - ông Thi nói.

Ngày 12.10, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã về huyện để nắm tình hình thực tế và chỉ đạo ứng phó với mưa lũ trên địa bàn huyện. C.N - V.TRẦN

Yên Bái: Công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đang rất khẩn trương

Cơn lũ dữ khiến 3 người chết ở huyện Trạm Tấu, 11 người mất tích tại huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ, 7 người bị thương tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu. Trưa 12.10, thi thể anh Hoàng Văn Quân (SN 1979, Phúc Sơn, Văn Chấn) đã được tìm thấy. Trước đó, vào lúc 4h sáng 11.10, Anh Quân, vợ, hai con trai và một đứa con chuẩn bị chào đời đã bị dòng lũ cuốn trôi. Chia sẻ với Báo Lao Động, ông Hà Văn Nam - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ - cho biết, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đang rất khẩn trương với sự phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm của lực lượng công an địa phương, dân quân tự vệ.

“Theo đó, mỗi tổ tìm kiếm gồm 20 người, tìm kiếm ở 7 địa điểm dọc tuyến suối từ thị xã Nghĩa Lộ đến cửa sông Hồng (gần mỏ vàng Văn Yên)” - ông Nam thông tin. CƯỜNG NGÔ

Thanh Hóa: 17 người chết và mất tích do mưa lũ

Tính đến chiều tối 12.10, trên địa bàn tỉnh đã có 17 người chết và mất tích do lũ. Khoảng 4h sáng 12.10, nước sông Cầu Chày dâng cao trên mức báo động 2 khiến một đoạn đê bị vỡ, chiều rộng khoảng 2m, chiều dài 10m. Lực lượng chức năng đã phải đẩy cả chiếc máy xúc xuống ngăn dòng nước lũ. Ngay sau đó huy động hàng trăm người hàn, vá kịp thời. XUÂN HÙNG

Ngày 13.10, thông trở lại đường sắt Hà Nội - Lào Cai

Về công tác khắc phục tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai tại điểm sạt lở đất tại ga Lâm Giang (Yên Bái) vào tối 9.10, đại diện Tổng Cty Đường sắt VN cho biết, dự kiến gần sáng 13.10 sẽ thông bước 1, cho tàu chạy qua với tốc độ 5km/h.

Hiện, đoạn đường sắt từ Km 140+300 đến Km 140+500 khu gian Đồng Giao - Bỉm Sơn (Thanh Hoá), nước ngập trên đỉnh ray 200mm khiến tàu khách Thống Nhất SE5 và tàu hàng 2301 phải dừng chờ nước rút tại Đồng Giao và tàu SE36 Vinh - Hà Nội dừng chờ tại Bỉm Sơn.

Đến chiều 12.10, khu gian Đồng Giao - Bỉm Sơn nước đã rút, thông đường. Riêng khu gian Bỉm Sơn - Đò Lèn, chờ nước rút hết mới thông tuyến. KH

KHÁNH VŨ
TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.