Dù tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra nhiều chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về công tác ở các cơ quan nhà nước nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân bởi cơ chế thu hút nhân tài còn nhiều bất cập, chưa bắt kịp thời đại. Tỉnh Đắk Lắk đã và đang thay đổi trong tư duy thu hút nhân tài với hy vọng trong tương lai, nhóm người này sẽ là động lực thúc đất sản xuất, là giải pháp chiến lược khắc phục tình trạng tụt hậu.
Vì đâu người tài bỏ việc
Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên được đánh giá có chất lượng khám chữa bệnh hàng đầu khu vực bởi trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ lành nghề. Thế nhưng đầu năm nay, hơn 50 trường hợp bác sĩ đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc khiến dư luận không khỏi bất ngờ.
Một bác sĩ đề nghị giấu tên lý giải, nhiều bác sĩ trẻ đi làm rồi xin nghỉ bởi thu nhập thấp. Đó là chưa kể áp lực công việc cao, làm việc trong môi trường căng thẳng; bị người nhà bệnh nhân chửi bới, hành hung. Vị bác sĩ này cho biết thêm, các bệnh viện tư bên ngoài sẵn sàng trả mức lương cao hơn công việc họ đang làm hiện tại. “Một bác sĩ làm việc nhưng lúc nào cũng bị áp lực bởi thu nhập thì rất khó làm tốt chuyên môn. Từ lý do này nên tôi đã viết đơn xin nghỉ để tìm một công việc khác với thu nhập cao hơn” - vị bác sĩ chia sẻ.
Thực trạng ở Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên không phải đại diện cho đại đa số hình ảnh công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tuy vậy, đây được xem là câu chuyện thời sự liên quan đến các chính sách thu hút và giữ chân người tài còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Thành Dũng - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk lý giải, chính mức thu nhập thấp khi làm việc tại các đơn vị khu vực công nên nguồn nhân lực chất lượng cao không được bổ sung kịp thời; ngay cả con em địa phương khi ra trường cũng ở lại những thành phố lớn chứ không quay về Đắk Lắk.
“Ở một số ngành đã xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” nhất là đội ngũ trí thức trong ngành y tế” - ông Dũng nói và cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên là do việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa mang tính chiến lược; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa tập trung…
Nới rộng cơ chế chính sách
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến - Đại học Tây Nguyên cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Đắk Lắk còn nhiều hạn chế. Bà Yến dẫn chứng, phần lớn các cơ sở đào tạo những nội dung mang tính truyền thống, giáo điều, hàn lâm. Các cơ sở đào tạo chưa tính đến nhu cầu của thị trường về nguồn nhân lực có trình độ cao cho từng lĩnh vực xã hội. “Vì vậy khi tuyển dụng lao động, nhiều trường hợp phải đưa đi đào tạo lại” - bà Yến phân tích.
Nhiều nhận định, để chính sách thu hút nhân tài ở Đắk Lắk mang lại hiệu quả, thời gian đến địa phương cần tiếp tục có những chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài để đưa vào áp dụng; điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thạc sĩ Dương Văn Ninh - Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên kiến nghị, tỉnh Đắk Lắk thời gian đến cũng cần đề nghị Trung ương hỗ trợ về nguồn nhân lực để địa phương xây dựng, phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Một điều quan trọng, tỉnh Đắk Lắk cần xây dựng các tiêu chí đánh giá trường chất lượng cao, nghề trọng điểm; tiêu chí, tiêu chuẩn đầu ra cho học sinh, sinh viên của các nghề điểm. Cùng với đó, địa phương cũng cần có giải pháp đồng bộ, một mặt khuyến khích những người có năng lực tiếp tục nâng cao trình độ, mặc khác cần phải có những đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện về môi trường làm việc để thu hút người tài” - ông Ninh nói.