Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường và “hậu trường” những chiến thắng

HUYÊN NGUYỄN - ANH TÚ |

Những năm tháng chiến tranh, lực lượng Không quân Việt Nam đã khiến các đối thủ phải thán phục! Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường (nguyên Trung đoàn trưởng Không quân trực thăng 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân) là một trong số ít phi công Việt Nam lái được nhiều loại máy bay trực thăng chiến đấu của Liên Xô, Mỹ, Pháp. Ông từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới phía Bắc.

Nhiệm vụ đặc biệt - câu MiG

Đầu năm 1966, sau khi được cử đi học đào tạo lái máy bay tại Liên Xô 5 năm, chiến sĩ Nguyễn Xuân Trường bắt đầu phục vụ chiến đấu tại nhiều chiến trường.

“Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, chúng ta phải hết sức linh hoạt, sơ tán máy bay MiG ra khỏi sân bay và phải mang máy bay vào sân bay đúng lúc để kịp thời cất cánh đánh địch. Nhiệm vụ chủ yếu trong suốt quá trình khoảng 5 năm của chúng tôi là câu MiG. Nắm bắt nguyên tắc chỉ khi trinh sát xong không thấy có MiG, quân địch mới yên tâm vào đánh. Do đó, mọi công việc phải thần tốc. Câu MiG chính là chiến thuật sáng tạo của chúng ta” - ông Trường nhớ lại.

Những chiếc Mi 6, loại máy bay trực thăng vận tải khổng lồ thời đó được sử dụng như những chiếc cẩu bay. Cứ rạng sáng, ông và các đồng đội phải dùng trực thăng chở máy bay MiG đi giấu và đặt lại tại đường băng khi trời chập choạng tối, chờ lệnh xuất kích. Thậm chí, đội quân còn cẩu MiG vào tận sân bay dã chiến ở Đồng Hới, Troóc (Quảng Bình) để phục kích không quân Mỹ, đặc biệt là “pháo đài bay B-52”.

Không chỉ cẩu máy bay, tại các sân bay, thành phố lớn… không quân ta thường xuyên cẩu cả giàn radar, pháo cao xạ lên núi hoặc di động khắp nơi, tham gia vận chuyển vũ khí cho lực lượng chiến đấu tại miền Nam.

Điều này khiến cho không quân Mỹ hết sức ngỡ ngàng, bị động, không hiểu tại sao những chiếc MiG 21, MiG 17 lại có thể bất ngờ tấn công đội hình của họ, mặc dù máy bay trinh sát trước đó đã chụp không ảnh về báo cáo không có ụ pháo cao xạ nào...

Là phi công đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam điều khiển được máy bay trực thăng UH-1 của Mỹ, Đại tá Nguyễn Xuân Trường được giao chỉ huy biên đội làm nhiệm vụ đặc biệt trước và sau 30.4.1975.

Kể về chiếc trực thăng UH-1 đầu tiên, ông Trường nhắc đến người “đánh cắp” ấy là phi công Hồ Duy Hùng - lái trực thăng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào hồi cuối năm 1973. Ông Hùng được lệnh phải bằng mọi giá lấy được một chiếc trực thăng mang ra vùng giải phóng - đây là vụ mất cắp máy bay hy hữu, dẫn đến một “vụ án tản thất quân dụng” trong Quân đội Sài Gòn lúc đó.

Đầu năm 1974, đơn vị cử phi công Nguyễn Xuân Trường cùng đoàn cán bộ từ Hà Nội vào Lộc Ninh đưa máy bay UH-1 ra Sân bay Hòa Lạc. Sau đó, ông Hồ Duy Hùng được cấp trên giao nhiệm vụ thuyết minh về các tính năng tác dụng và huấn luyện phi công sử dụng máy bay UH-1, trong đó có phi công Nguyễn Xuân Trường (sau này là Đại tá, Trưởng đoàn bay phục vụ dầu khí) và Nguyễn Đình Khoa (sau là Tham mưu phó Quân chủng không quân, Anh hùng LLVTND). Trong 3 tiếng bay lượn, các phi công đã điều khiển thành thạo, vừa vặn chiếc UH-1 đến hạn bảo dưỡng định kỳ 100 giờ.

Cũng từ đây, biệt đội lái UH-1 đã trưởng thành, làm chủ vũ khí “chiến lợi phẩm” lấy được từ đội quân của địch. Quân nguỵ Sài Gòn khi ấy trang bị khoảng 1.200 chiếc UH-1. Sau Giải phóng Miền Nam, quân đội ta nắm giữ khoảng 800 chiếc, trong đó được sử dụng đắc dụng trong chống Fulro, Pol Pot, Chiến tranh biên giới Tây Nam và bảo vệ quần đảo Trường Sa, cung cấp đồ cho các đảo hồi bấy giờ.

“Tôi lái UH-1 từ năm 1975 cho tới 1980, đây là 5 năm sử dụng rất đắc dụng. Chúng ta chỉ có một trung đoàn nên sử dụng được cỡ khoảng 300 chiếc” - Đại tá Nguyễn Xuân Trường nhớ lại.

Phương án tiến công Dinh Độc Lập

Ông Trường nhớ lại, giữa tháng 4.1975 tại Sân bay Đà Nẵng, đội UH-1 trực thuộc Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng Phòng không - Không quân được chính thức thành lập với nhiệm vụ bí mật.

Nếu phi đội A-37 tấn công Sân bay Tân Sơn Nhất mà chính quyền cũ không đầu hàng thì trực thăng UH-1 tiếp tục nhiệm vụ thả bom xuống Dinh Độc Lập, tiêu diệt đầu não và làm hỗn loạn chính quyền Sài Gòn, gây áp lực của nhân dân Sài Gòn lên bộ máy… Đội gồm 4 máy bay UH-1 khi đó do Đại tá Nguyễn Xuân Trường chỉ huy trang bị đầy đủ rốc két, đại liên 6 nòng và do 8 phi công ta (4 lái chính, 4 lái phụ) điều khiển, 8 xạ thủ súng máy, một số nhân viên kỹ thuật đi kèm.

Cả 2 đội A-37 và UH-1 cùng chuyển loại tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, đội A-37 thuận lợi hơn do có “giáo viên” rất thành thạo là phi công Nguyễn Thành Trung (cán bộ của ta cài vào không quân chế độ cũ). Trong khi đội UH-1 chỉ có phi công Nguyễn Xuân Trường và Nguyễn Đình Khoa mới được bay UH-1 vài tiếng đồng hồ, lúc đó vừa học thêm vừa dạy cho các anh em trong đội. Lúc chuẩn bị mới xảy ra vấn đề khi lắp rốc két thì “té ngửa” từ trước đến giờ chưa có ai dạy thao tác, cách bắn.

Đội trưởng Nguyễn Xuân Trường đề nghị gọi phi công Hồ Duy Hùng từ Lộc Ninh chạy ra Sân bay Phù Cát (Bình Định) hướng dẫn. Nhận lệnh, anh Hùng chạy xe suốt mấy ngày đêm theo đường Trường Sơn ra miền Trung nhưng sau đó bị tai nạn lao xuống vực, nằm bất tỉnh trong bệnh viện dã chiến. Không có người dạy, cái khó ló cái khôn, phi công Trường dò hỏi các nhân viên kỹ thuật chế độ cũ và sau cùng áp dụng kinh nghiệm: Lấy bút lông vẽ vòng tròn lên kính lái thành điểm ngắm, khi nào bổ nhào thấy mục tiêu nằm vòng tròn thì… nhấn nút bắn rốc két.

Hết khó khăn này lại đến khó khăn khác, 16 phi công, xạ thủ của đội UH-1 chưa 1 lần bay trên vùng trời phía Nam nên chỉ biết Sài Gòn trên… bản đồ. Lúc này, phi công Nguyễn Thành Trung của đội A-37 nảy sáng kiến: Bay theo đường lộ vào cầu Sài Gòn, từ đó chếch về phía bên trái sẽ thấy toà nhà hộp sân rộng có hồ nước tròn phía trước, đó là mục tiêu tấn công. Đội quân khi đó cũng lục tìm được 1 tấm ảnh Dinh Độc Lập để biết đâu là mục tiêu.

Thêm một băn khoăn, chiến đấu xong chắc chắn không đủ nhiên liệu để bay về Sân bay Phan Rang, Nguyễn Thành Trung khi đó gợi ý: Bay chệch về phía đông, sau dãy núi Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) là vùng hoang vắng, đậu xuống đó cố gắng cầm cự đợi quân ta ở Xuân Lộc lên ứng cứu.

“Chúng tôi chuẩn bị xong đầy đủ rồi. Đến chiều 28.4.1975, đội A-37 tấn công Sân bay Tân Sơn Nhất phá hủy máy bay, đường băng, cắt cầu hàng không và thành công với nhiệm vụ được giao nên sáng 30.4.1975, Chính quyền Sài Gòn đầu hàng. Kế hoạch của chúng tôi vì thế không cần triển khai nữa. Chúng tôi hay đùa với nhau là lỡ cơ hội trở thành anh hùng nhưng chúng tôi rất vui vì miền Nam được giải phóng” - Đại tá Nguyễn Xuân Trường kể lại.

HUYÊN NGUYỄN - ANH TÚ
TIN LIÊN QUAN

Những quốc gia có lực lượng không quân lớn mạnh nhất thế giới

Anh Vũ |

Không quân là lực lượng quan trọng bậc nhất trong chiến tranh. Sở hữu lực lượng không quân hiện đại và mạnh mẽ có thể giúp một quốc gia nắm được nhiều lợi thế trong giao tranh.

Lý do hộ chiếu UAE quyền lực nhất thế giới năm 2023

Chí Long |

Hộ chiếu UAE từ vị trí thứ 32 trong bảng xếp hạng năm ngoái đã leo lên đầu bảng, theo chỉ số mới của công ty tư vấn thuế và nhập cư Nomad Capitalist.

Hình ảnh đoàn khách Trung Quốc đầu tiên nhập cảnh Lạng Sơn sau COVID - 19

Trần Tuấn |

Chiều 15.3, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trở nên sôi động khi đoàn khách du lịch 124 người đến từ Trung Quốc qua biên giới, làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.

Công an TPHCM triệt phá hai công ty đòi nợ thuê quy mô lớn

Anh Tú |

TPHCM- Ngày 15.3, Công an quận Tân Bình đã khởi tố 14 đối tượng hoạt động thu hồi nợ về tội “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và Chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế Hệ Trẻ.

Lãnh đạo Apax Leaders hứa lộ trình trả học phí sẽ bắt đầu từ tháng 11.2023

HUYÊN NGUYỄN |

TPHCM - Tại buổi họp chiều 15.3, lãnh đạo hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cam kết với phụ huynh sẽ thành lập văn phòng riêng để giải quyết vấn đề rút học phí. Theo dự kiến, lộ trình trả học phí sẽ bắt đầu từ tháng 11.2023.

Từ ngày 18.3, đăng kiểm có thêm 30 kiểm định viên Bộ Quốc phòng hỗ trợ

HỮU CHÁNH |

Từ ngày 18.3, ngành Đăng kiểm sẽ có thêm 30 cán bộ, chiến sĩ Bộ Quốc phòng hỗ trợ kiểm định xe cơ giới.

Đề nghị xử lý tình trạng yêu cầu người dân làm giấy xác nhận cư trú

PHẠM ĐÔNG |

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, tình trạng yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú… vẫn còn, và vấn đề này cần sớm được giải quyết.

Cựu công an trong nhóm mua bán trái phép số điện thoại cá nhân lĩnh án

Việt Dũng |

Hà Nội - Trần Mạnh Quân - cựu cán bộ Công an quận Long Biên đã làm giả 142 công văn, thu thập dữ liệu thông tin hơn 1.000 trường hợp rồi bán cho Bùi Việt Anh.

Những quốc gia có lực lượng không quân lớn mạnh nhất thế giới

Anh Vũ |

Không quân là lực lượng quan trọng bậc nhất trong chiến tranh. Sở hữu lực lượng không quân hiện đại và mạnh mẽ có thể giúp một quốc gia nắm được nhiều lợi thế trong giao tranh.