Như Lao Động đã đưa tin, ngày 11.12, các tài xế lưu thông trên Quốc lộ 5 có dùng tiền lẻ để qua trạm thu phí BOT. Các tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng mua vé vào buổi sáng và chiều cùng ngày. Sự việc kéo dài dẫn tới tình trạng ùn ứ, lộn xộn trên Quốc lộ 5, đoạn qua trạm thu phí số 1, thuộc địa phận Hưng Yên.
Trước đó, tại trạm thu phí số 1 này, trong 3 ngày từ 4 - 6.9, hàng trăm tài xế đã sử dụng tiền lẻ để phản đối việc thu phí, gây ùn tắc cục bộ đoạn đường qua khu vực trạm. Sự việc diễn ra khá căng thẳng.

Ngày 12.12, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Huỳnh - Chánh văn phòng Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vifidi) cho biết, đơn vị này đã có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về các phương án giảm phí qua các trạm thu phí trên Quốc lộ (QL5).
“Đối với các phương tiện của các tổ chức, cá nhân quanh trạm thu phí; các phương tiện giao thông nhóm một không tham gia kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn đặt trạm thu phí được đề xuất miễn, giảm lên tới 100%. Đối với các phương tiện kinh doanh của các doanh nghiệp có trụ sở tại địa bàn cũng được giảm giá 20%. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng 2 phương án đề xuất giảm phí với các nhóm phương tiện lưu thông qua đây”, ông Huỳnh nói.
Vị Chánh văn phòng Vidifi cũng cho hay: “Với những ý kiến phản ánh của người dân, chúng tôi đã lắng nghe và có những phản hồi tới các đơn vị chức năng. Hiện nay, Bộ GTVT đã có trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm phí qua QL5. Tuy nhiên, khi chưa thống nhất được phương án giảm phí, một số tài xế đã có những hành động phản đối… dẫn đến tình trạng lưu thông qua các trạm thu phí đôi khi bị ùn tắc”.

Ông Huỳnh cho biết, việc trả tiền lẻ là đúng luật nhưng nếu tài xế cố tình kéo dài thời gian, có hành vi cản trở giao thông sẽ báo cơ quan chức năng đề nghị xử lý. Đồng thời, đơn vị này cũng sẽ bố trí người phục vụ và phân luồng riêng đối với những trường hợp trả tiền phí bằng tiền lẻ để không ảnh hưởng tới các phương tiện khác khi lưu thông qua đây.
“Chúng tôi rất mong được sự phối hợp của các cơ quan chức năng để có những giải pháp cơ bản, lâu dài chứ không muốn như "mèo vờn chuột" với người tham gia giao thông” - vị này cho hay.