Điểm nóng ngập lụt của Đà Nẵng
Sau nhiều năm nằm trong quy hoạch treo, người dân ở tổ 35, 36 và khu vực dân cư Chơn Tâm 1B7 phường Hòa Khánh Nam phản ánh, khu vực dự án Ga đường sắt và kho tàng Ga đường sắt đã di dời đi địa điểm khác (đã bỏ quy hoạch) thì TP cần sớm có cơ chế cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tạo điều kiện cho người dân sửa chữa nhà ở để yên tâm, hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi mùa mưa bão đến.
Ông Nguyễn Văn Phú - người dân sinh sống tại phường Hòa Khánh Nam - cho biết, một số hộ dân ở khu vực dân cư Chơn Tâm 1B7 nằm trong quy hoạch treo ga đường sắt gần 20 năm, sau đó bỏ quy hoạch hơn 3 năm nay, nhưng hiện TP vẫn chưa có đầu tư, quy hoạch ở khu vực này. Vì vậy, nhà cửa của người dân ở khu vực này bị xuống cấp nghiêm trọng do không được sửa chữa, xây mới trong thời gian dài.
Theo UBND quận Liên Chiểu sau khi thực hiện việc hủy bỏ dự án Ga đường sắt, rà soát quy hoạch các đồ án lân cận, cập nhật, điều chỉnh vào quy hoạch phân khu lõi xanh và phân khu ven vịnh, UBND quận Liên Chiểu sẽ trình UBND thành phố cho ý kiến điều chỉnh quy hoạch một số dự án có liên quan để đảm bảo điều kiện cho người dân.
Kịch bản 7 loại hình thiên tai ở Đà Nẵng
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã đưa ra nhiều kịch bản về 7 loại hình thiên tai chính chủ yếu như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn gây ngập lụt đô thị, vỡ hồ chứa và sóng thần.
Ông Võ Tấn Hà - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - cho biết, hiện hệ thống thoát nước đô thị của TP Đà Nẵng đáp ứng được với lượng mưa dưới 70ml/giờ, nếu vượt mức này sẽ dẫn đến ngập úng đô thị cục bộ.
Ông Võ Tấn Hà cũng cho biết, qua các đợt kiểm tra gần đây cho thấy, các cửa thu đã bít trở lại gần như giống thời điểm chưa ra quân nạo vét. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do các hàng quán, người dân sinh hoạt gần đó đổ dầu mỡ, thức ăn thừa xuống làm bít lại cửa thu.
Theo UBND quận Liên Chiểu, địa phương đã xây dựng 5 phương án ứng phó với thiên tai. Trong đó, tập trung phương án ứng phó bão và ngập úng, lũ.
Đến nay, quận Liên Chiểu tập trung rà soát có 75 công trình sơ tán tập trung người dân khi xảy ra bão. Phương án sơ tán lớn nhất là ứng phó bão cấp 12-13 là sơ tán 21.000 dân (chiếm 10% dân số của quận Liên Chiểu).
Đối với phương án ứng phó ngập úng, lũ, quận triển khai chủ yếu ở phường Hòa Khánh Nam có 4.100 dân (tương đương một nửa dân của quận Liên Chiểu, tập trung ở đường Mẹ Suốt đổ ra đường Hoàng Văn Thái).
Có khoảng 30 đơn vị quân sự TP Đà Nẵng phối hợp với các lực lượng của quận để sơ tán dân, phòng chống nhà cửa, di dời tài sản…
Ông Hoàng Thanh Hòa - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - đề nghị: “TP Đà Nẵng cần đẩy nhanh dự án cao độ nền và thoát nước mưa đặc biệt ở tuyến quan trọng như Hồ Quý Ly - Phùng Hưng - Nguyễn Tất Thành, tuyến hồ Phước Lý - Hoàng Văn Thái - kênh Phú Lộ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở khu vực Hòa Khánh Nam…”.