Cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai: Để tiền, hàng đến với người dân trọn vẹn, ý nghĩa

NHÓM PV |

Khi mưa lũ ập xuống miền Trung làm hàng trăm người chết và mất tích, hàng vạn ngôi nhà ngập sâu trong biển nước, cùng với những thông tin, hình ảnh chia sẻ, mạng xã hội tràn ngập những lời kêu gọi, quyên góp ủng hộ từ thiện. Không thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của phong trào mang tính chất xã hội hóa này, nhưng đằng sau đó cũng còn nhiều góc khuất, bất cập cần chấn chỉnh.

Xã hội hóa từ thiện, những điểm sáng

Mưa lũ đang trắng trời, đường sá ngập, sạt lở khắp nơi, nhưng các đoàn xe chở hàng cứu trợ bà con vùng lũ đã nối đuôi nhau đi vào Quảng Bình, Quảng Trị.

Chị Nguyễn Lan Anh (TP.Hà Tĩnh), làm nghề buôn bán nhỏ ở địa phương, cho biết: “Xem thông tin trên mạng xã hội, báo chí về tình hình lũ lụt ở Quảng Trị, Quảng Bình, chị em chúng tôi rơi nước mắt, bồn chồn nên quyết định phải làm gì đó giúp bà con”. Chị Lan Anh đã kêu gọi anh em, bạn bè hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm như mì tôm, nước sạch, thịt hộp… rồi gửi xe cho đoàn từ thiện đi vào Quảng Trị, vì chị là phụ nữ, sức yếu không thể đi được.

Trưa 20.10, đi qua địa bàn xã Hồng Thủy-Lệ Thủy (Quảng Bình), chúng tôi bắt gặp hàng trăm người dân kéo lên quốc lộ đề nghị cứu trợ vì lũ lên quá nhanh, bà con bị trôi hết lương thực, đồ đạc. Ngay lúc đó, đã có đoàn cứu trợ của một số cá nhân, doanh nghiệp mang theo mì tôm, thịt hộp, nước uống cho bà con, tổng cộng 250 suất quà. “Không có cứu trợ thì không biết bà con xoay xở ra sao. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chúng tôi cảm kích và ghi ơn các đoàn cứu trợ” - bà Hoàng Thị Thủy, người dân xã Hồng Thủy cảm động nói.

Ngay trong đêm 19.10, khi nước dâng cao do hồ Kẻ Gỗ gây ngập nhà dân, nhiều người dân xã Cẩm Vịnh - Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh không kịp sơ tán phải trèo lên mái nhà chờ cứu trong cảnh đói, lạnh. Ông Nguyễn Văn Dũng, quê ở đây nhưng sống ở TP.Hà Tĩnh đã tổ chức nấu hàng trăm suất xôi gà, chèo thuyền đưa đến tận tay những người đang run cầm cập vì đói, lạnh.

“Tôi có cảm giác ấm lòng khi giúp đỡ một chút gì đó cho bà con”, ông Dũng chia sẻ. Doanh nhân Lê Văn Hồng (TP.Vinh-Nghệ An) cũng quyên góp 100 triệu đồng và kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ bà con miền Trung, đến nay đã thu được tổng cộng vài trăm triệu đồng. “Tôi sẽ vào ngay Quảng Bình, Quảng Trị để trao cho bà con, chủ yếu là tiền mặt và một số nhu yếu phẩm để bà con vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Mưa lớn cả nửa tháng nay đã gây thiệt hại nặng nề ở toàn tỉnh Quảng Trị. Sạt lở, ngập lụt không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà đã có hơn 40 người thiệt mạng. Trước những tang thương mà tỉnh này đang gánh chịu, người dân cả nước đã hướng về, gửi những suất quà để động viên, hỗ trợ cho người dân.

Vào tối 19.10, chị Đoàn Thu Hương (SN 1979, trú tại Hà Nội) đáp xuống sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên-Huế), rồi đi ôtô ra Quảng Trị để đi trao quà hỗ trợ cho người dân vùng lũ. Sau khi liên hệ với cơ quan chức năng, chị được hướng dẫn đến trụ sở UBND xã Trung Sơn (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Tại đây, chị Hương bày tỏ nguyện vọng muốn trao 10 suất quà, mỗi suất gồm 10kg gạo và 500 nghìn đồng. Một lát sau, cán bộ xã đưa ra danh sách 10 hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ, chị Hương đồng ý và tận tay trao các suất quà cho người dân.

Bà Lê Thị Thu Hoài - Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn cho hay, khi có đoàn từ thiện đến địa phương đặt vấn đề, xã sẽ rà soát danh sách, xem nhà nào bị thiệt hại, đã được hỗ trợ hay chưa, rồi sẽ đưa ra danh sách cho đoàn tham khảo. “Chúng tôi không ép buộc phải trao cho hộ này hay hộ kia, mà căn cứ vào thực tế rồi hướng dẫn cho các đoàn để việc hỗ trợ thuận tiện và đúng đối tượng” - bà Hoài, cho hay.

Chưa thể, và cũng không thể thống kê hết, có bao nhiêu đoàn từ thiện đã đến chia sẻ, động viên, trao quà cho bà con vùng lũ miền Trung. Sự hỗ trợ kịp thời và đa dạng này vô cùng quý giá, giúp người dân trụ vững trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Con sâu làm rầu nồi canh

Bên cạnh mặt tích cực, việc người người làm từ thiện theo kiểu tự phát vẫn còn nhiều bất cập. Mạng xã hội đang xôn xao trường hợp một người mạo danh ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi ủng hộ để trục lợi.

Chuyện “bóc phốt” nhau về việc “chấm mút”, tư túi tiền, hàng từ thiện không phải là hiếm. Bên cạnh đó, việc trao quà không đúng đối tượng, không đúng nhu cầu, không đảm bảo công bằng vẫn diễn ra. Ví dụ có nhiều gia đình vùng lũ nhận được hàng chục thùng mì tôm, trong khi thiếu nước uống, thuốc chữa bệnh… Có người nhận được quá nhiều quà, tiền, còn những người khác lại không có. Mặt khác, việc tổ chức đi trao quà tự phát cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhiều trường hợp lạc đường, bị thương hoặc tử vong trong quá trình đi trao quà từ thiện, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai.

Anh Trần Thế Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng MK Solar (Hà Tĩnh) đã bỏ tiền cá nhân và kêu gọi cán bộ công nhân viên mỗi người đóng góp một ngày lương ủng hộ bà con vùng lũ. Toàn bộ số tiền quyên góp, anh Hùng liên hệ với MTTQ tỉnh Hà Tĩnh để nhờ trao giúp.

“Tôi chuyển cho MTTQ tỉnh vì họ có các thông tin tổng thể, sẽ trao cho các gia đình cần thiết sự hỗ trợ” - anh Hùng nói.

Tuy nhiên, hiện nay đa số người dân, doanh nghiệp thường tự tổ chức quyên góp rồi đi trao trực tiếp chứ không thông qua các tổ chức, chính quyền địa phương.

Chia sẻ về lý do đi làm từ thiện không qua cơ quan nhà nước, ông Lê Văn Hồng (TP.Vinh-Nghệ An thẳng thắn: “Hiện nay người đi làm từ thiện rất nhiều, đa số ai cũng muốn trao tận tay cho bà con, một phần vì họ thiếu tin tưởng vào cơ quan chức năng”.

Khi phóng viên đặt vấn đề một số người dân tổ chức trao quà tự phát không thông qua tổ chức, đoàn thể, có phải vì họ thiếu niềm tin, bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ở Hà Tĩnh hầu như không có hiện tượng tiêu cực trong tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ, trước đây có một vài trường hợp đã tổ chức kiểm điểm, xử lý. “Đó là chuyện con sâu làm rầu nồi canh”, bà Mai Thủy nói.

Bà Mai Thủy cho hay, việc người dân làm từ thiện là rất tốt, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, tuy nhiên bà vẫn mong muốn người dân hỗ trợ thông qua kênh MTTQ.

“Vì chúng tôi có cái nhìn tổng thể, biết ai khó khăn, ai cần gì, hỗ trợ kịp thời, đáp ứng nhu cầu người dân, đúng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng, đặc biệt là an toàn” - bà Mai Thủy nói. Bà Thủy dẫn chứng, ngay trong ngày (20.10), tại Hà Tĩnh có 800 sinh viên Lào bị mắc kẹt do lũ, thiếu nước uống, thức ăn, đã được MTTQ tỉnh hỗ trợ kịp thời.

Về với dân vùng lũ rất quý, nhưng phải đảm bảo an toàn

Thống kê chưa đầy đủ, riêng tại Ban cứu trợ thiên tai của tỉnh Quảng Trị, đến ngày 20.10 đã nhận được 77 tấn gạo, hơn 18 tỉ đồng và 10.000 suất quà do các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ cho người dân vùng lũ. Sau khi tiếp nhận quà, ban cứu trợ sẽ phân phối về các huyện để chuyển về các xã, rồi phân phát cho người dân.

Ngoài việc nhận hỗ trợ ở ban trên, các địa phương như huyện, thành phố, thị xã cũng chủ động tiếp nhận hàng hóa cứu trợ.

Ông Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho hay, có nhiều tổ chức và các đoàn từ thiện muốn về các địa bàn khó khăn để tận tay trao quà cho người dân, thì các địa phương sẽ có hướng dẫn và có lực lượng hỗ trợ. “Các Mạnh thường quân về với người dân vùng lũ để động viên, chia sẻ khó khăn là việc làm đáng quý. Chúng tôi khuyến khích, vì về đó rồi, thấy hoàn cảnh khó khăn thực sự của người dân, nhiều người đã trở lại lần 2, lần 3 để hỗ trợ” - ông Hùng, cho biết.

Phân bổ hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do bão lũ gây ra tại miền Trung

Những ngày qua, nhân dân miền Trung đang sống trong cảnh lũ chồng lũ, bão chồng bão. Đợt lũ lụt lớn nhất trong nhiều năm qua gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, nhiều gia đình mất người, mất nhà cửa, lâm vào cảnh khốn cùng. Để chung tay ủng hộ để đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chung tay quyên góp ủng hộ người nghèo, đặc biệt là đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, việc tiếp nhận và phân bổ ủng hộ đã có kế hoạch và xin ý kiến và Ban chỉ đạo sẽ tổ chức phân bổ đúng quy định.

Trong ngày 19.10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Cứu trợ Trung ương Quyết định phân bổ số tiền 20 tỉ đồng từ nguồn cứu trợ Trung ương quản lý để hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do bão lũ gây ra tại 5 tỉnh miền Trung, trong đó hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình mỗi tỉnh 5 tỉ đồng; tỉnh Quảng Nam: 3 tỉ đồng, tỉnh Hà Tĩnh: 2 tỉ đồng.

Số tiền hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung dựa theo các tiêu chí về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cụ thể, hỗ trợ làm nhà ở cho các gia đình hộ nghèo, gia đình có nhà bị sập trôi hoàn toàn, bị hư hỏng nặng từ 80% trở lên, mức hỗ trợ 40.000.000 đồng/căn nhà; hỗ trợ các gia đình có người bị chết và mất tích mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/1 người chết, mất tích; hỗ trợ người bị thương, mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/1 người bị thương.

Trước đó, trong buổi tiếp nhận số tiền 60.000 USD từ Ủy ban hợp tác Lào - Việt vào sáng 19.10, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, với trách nhiệm của mình, toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được chuyển kịp thời tới các địa phương đang bị thiệt hại bởi mưa lũ để giúp người dân sớm khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống. Phạm Đông

Bình Định hỗ trợ 3 tỉ đồng cho 4 tỉnh bắc miền Trung

Ngày 20.10, tân Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Hồ Quốc Dũng đã ký Quyết định 4286/QĐ-UBND giao Sở Tài chính liên hệ với các cơ quan tương đương tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh để chuyển kịp thời 3 tỉ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt. Số tiền trên được phân bổ như sau: Thừa Thiên-Huế 1 tỉ đồng, Quảng Trị 1 tỉ đồng, Quảng Bình 500 triệu đồng, Hà Tĩnh 500 triệu đồng. Tiền hỗ trợ lấy từ khoản dự phòng ngân sách 2020 của địa phương (2 tỉ đồng) và Quỹ cứu trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (1 tỉ đồng). X.N

Công đoàn Nghệ An chia sẻ với đồng bào bị lũ lụt miền Trung

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng Liên đoàn và MTTQ tỉnh Nghệ An, LĐLĐ tỉnh Nghệ An tỉnh đã tuyên truyền vận động đoàn viên người lao động động ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bão lụt. Đến nay, 100% LĐLĐ huyện, thành thị, Công đoàn ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai hoạt động cụ thể hướng về miền Trung như quyên góp tiền, quần áo đồ dùng sách vở các nhu yếu phẩm như mì tôm, nước uống, xúc xích. Nhiều đơn vị tổ chức gói bánh chưng, làm ruốc, vừng lạc kịp thời tiếp tế cứu trợ cho đồng bào miền Trung.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh Trường THPT Herman Gmeiner Vinh đã quyên góp được tổng số hiện vật trị giá khoảng hơn 80 triệu đồng , gồm mì tôm, lương khô, nước đóng chai, xúc xích, quần áo cũ mới... Các công đoàn cơ sở ở huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, ngành Y tế… đã đóng góp kinh phí và vật phẩm, gói bánh chưng, làm ruốc xúc xích… để tiếp tế đồng bào miền Trung. TRẦN VÂN

Lợi dụng từ thiện để trục lợi có thể bị truy cứu trách nhiệm

Pháp luật hiện nay không có quy định nào cấm hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người khác song nếu có động cơ trục lợi sẽ bị xem xét xử lý.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), người dân trên địa bàn các tỉnh miền Trung đang phải đối diện với đợt lũ lớn. Hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia cứu trợ, ủng hộ làm từ thiện cho người dân vùng lũ lụt.

Vì việc cứu trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là việc của nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà cần huy động mọi nguồn lực trong dân, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy tinh thần tương thân tương ái. Chỉ cần một cá nhân kêu gọi quyên góp trên danh nghĩa của chính mình chứ không giả mạo hay mượn danh nghĩa ai khác nhằm trục lợi cho bản thân mình thì không vi phạm pháp luật.

Nếu một người làm từ thiện thông qua quỹ từ thiện, theo Khoản 13 Ðiều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân về thu nhập được miễn thuế, cụ thể: “Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận”.

Ngược lại, nếu người vận động quyên góp gian dối, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng hoặc lợi dụng hoạt động từ thiện để vụ lợi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về hành vi của mình.

Đối với quỹ từ thiện, theo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25.11.2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quỹ thành lập pháp nhân theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP thì quỹ gửi hồ sơ thông báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP.

Luật sư Long cho rằng, việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành động ủng hộ, quyên góp tiền của, vật chất cứu hộ đồng bào miền Trung là những nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa ứng cứu kịp thời, thể hiện tấm lòng tương thân tương ái của người dân Việt Nam trong lúc hoạn nạn khó khăn. Việt Dũng

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Cá nhân, tổ chức nào được tham gia cứu trợ, từ thiện vùng lũ?

Việt Dũng |

Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện pháp luật không cấm cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện cứu trợ, giúp đỡ người khác.

Chuyển hàng nghìn chiếc bánh chưng về cứu trợ bà con vùng lũ

BẢO TRUNG |

Giữa khuya, những cơn mưa triền miên ở miền sơn cước chưa dứt, khói của các nồi bánh chưng vẫn bốc lên nghi ngút, những người trong đoàn thiện nguyện nóng lòng đợi chờ những mẻ bánh đầu tiên được vớt lên để kịp chuyển gấp về cứu trợ đồng bào khúc ruột miền Trung đang trong cơn khốn khó.

Bưu điện Việt Nam miễn phí chuyển phát hàng cứu trợ

Nhật Nguyên |

Từ ngày 17.10 Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ miễn phí cước chuyển phát hàng cứu trợ của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước gửi tới các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.

Quảng Bình vẫn chìm trong biển nước, người dân cần cứu trợ

LÊ PHI LONG |

Đến sáng nay 20.10, nước lũ tại Quảng Bình tiếp tục dâng cao, hàng chục nghìn nhà dân vẫn đang chìm trong biển nước, con số thiệt hại vẫn không ngừng tăng cao do mưa lũ.

Cứu trợ đồng bào lũ lụt: Vì sao cứ phải là mì tôm?

Bạn đọc Hoài Thương |

Nhiều năm gần đây, hình ảnh quen thuộc khi cứu trợ đồng bào lũ lụt, nhất là ở miền Trung, là những thùng mì tôm được trao cho những người dân bị ảnh hưởng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Cá nhân, tổ chức nào được tham gia cứu trợ, từ thiện vùng lũ?

Việt Dũng |

Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện pháp luật không cấm cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện cứu trợ, giúp đỡ người khác.

Chuyển hàng nghìn chiếc bánh chưng về cứu trợ bà con vùng lũ

BẢO TRUNG |

Giữa khuya, những cơn mưa triền miên ở miền sơn cước chưa dứt, khói của các nồi bánh chưng vẫn bốc lên nghi ngút, những người trong đoàn thiện nguyện nóng lòng đợi chờ những mẻ bánh đầu tiên được vớt lên để kịp chuyển gấp về cứu trợ đồng bào khúc ruột miền Trung đang trong cơn khốn khó.

Bưu điện Việt Nam miễn phí chuyển phát hàng cứu trợ

Nhật Nguyên |

Từ ngày 17.10 Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ miễn phí cước chuyển phát hàng cứu trợ của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước gửi tới các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.

Quảng Bình vẫn chìm trong biển nước, người dân cần cứu trợ

LÊ PHI LONG |

Đến sáng nay 20.10, nước lũ tại Quảng Bình tiếp tục dâng cao, hàng chục nghìn nhà dân vẫn đang chìm trong biển nước, con số thiệt hại vẫn không ngừng tăng cao do mưa lũ.

Cứu trợ đồng bào lũ lụt: Vì sao cứ phải là mì tôm?

Bạn đọc Hoài Thương |

Nhiều năm gần đây, hình ảnh quen thuộc khi cứu trợ đồng bào lũ lụt, nhất là ở miền Trung, là những thùng mì tôm được trao cho những người dân bị ảnh hưởng.