Cùng dự có lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng, Quân khu 3 và các ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của 2 địa phương, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng đã chỉ đạo các ngành, lực lượng cùng sự tham gia của nhiều ngư dân triển khai các biện pháp nhanh nhất để tổ chức tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường máy bay gặp nạn.
Về phía Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thông báo cho các lực lượng trên địa bàn, xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, hiệp đồng lực lượng, phương tiện và triển khai cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, nhanh chóng thành lập Sở Chỉ huy phía trước.
Tại hiện trường, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiến hành triển khai theo đúng kế hoạch, sử dụng các phương tiện hiện đại tổ chức tìm kiếm đạt hiệu suất cao.

Công tác hiệp đồng của các ngành, lực lượng giữa hai địa phương Quảng Ninh - Hải Phòng hiệu quả nên chỉ sau hơn 1 ngày đã tìm kiếm được 5 nạn nhân và trục vớt máy bay bị nạn.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tối đa điều kiện cho gia đình nạn nhân và đưa nạn nhân về địa phương để lo hậu sự.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi nhận nỗ lực của các ngành, lực lượng, địa phương, người dân, nhất là việc chủ động, kịp thời của ngư dân trong việc báo tin cho các lực lượng chức năng; công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng tại hiện trường, đặc biệt là đội ngũ thợ lặn; cùng với đó là sự sâu sát, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo của hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng.
Tuy nhiên, qua vụ việc, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng chỉ ra những hạn chế cần rút kinh nghiệm. Trong đó có việc cung cấp thông tin của đơn vị quản lý máy bay là Binh đoàn 18; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp, phân công chỉ huy trong việc xử lý các vụ việc tai nạn, sự cố.