Cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vaccine COVID-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đã rất chủ động và quyết liệt trong vấn đề tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 của chương trình COVAX facility. Hiện cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vaccine theo chương trình COVAX facility.
Cuối tháng 2 này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vaccine theo 2 nguồn: Nguồn từ chương trình COVAX facility là 4,88 triệu liều và nhập khẩu hơn 117.000 liều. Như vậy, chúng ta có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho 5 triệu người.
Sau đó 3 tháng, chúng ta có thể có thêm hơn 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 khác. Như vậy, Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối tốt.
Theo thông báo của COVAX, Việt Nam sẽ được nhận vaccine COVID 19 giai đoạn đầu tiên này với số lượng vaccine dự kiến (indicative doses) là từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều, trong đó 25% - 35% số liều sẽ được cung cấp trong quí 1 và 65% - 75% trong quí 2 năm 2021. Vaccine được sử dụng trong đợt này là vaccine của Hãng Astra Zeneca.
COVAX facility là một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19. Trong cơ chế này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vaccine và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả. COVAX sẽ đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vaccine với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.
Theo PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc các Chương trình Kiểm soát bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới, Điều phối viên WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về vaccine COVID-19 cho biết, hiện tại WHO và các đối tác đang làm việc và phối hợp chặt chẽ với các đối tác (UNICEF, GAVI, CEPI) và các nhà sản xuất vaccine, nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời cho các quốc gia tham gia cơ chế COVAX theo kế hoạch đề ra. Đồng thời hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng Kế hoạch Quốc gia tiêm chủng COVID-19 và đảm bảo hệ thống tiêm chủng sẵn sàng đáp ứng, vận hành triển khai tiêm chủng khi vaccine được chuyển giao đến các quốc gia.
Theo bà Hương, WHO cũng phối hợp với các quốc gia trong việc đảm bảo nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm chủng trong giai đoạn đầu, khi vaccine chưa đủ cung ứng cho toàn dân. Các nhóm đối tượng ưu tiên là: Cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, tiếp đến là nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi có bệnh nền nhằm bảo vệ các nhóm đối tượng này.
Văn phòng WHO tại Hà Nội hiện đang phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Bộ Y tế trong việc xây dựng Kế hoạch Quốc gia về Tiêm chủng vaccine COVID-19 để gửi cho COVAX facility đúng thời hạn.
Tiếp tục đẩy mạnh thử nghiệm vaccine COVID-19 trong nước
Song song với việc đẩy mạnh hợp tác, đàm phán nguồn vaccine phòng COVID-19 từ bên ngoài, Việt Nam hiện cũng đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước, hướng tới chủ động nguồn vaccine cho người Việt Nam.
Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, loại vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam có tên Nano Covax do Nanogen nghiên cứu và sản xuất, đã hoàn tất 120/120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên. Giai đoạn 1, nghiên cứu đánh giá độ an toàn của vaccine và bước đầu đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch trên 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thử nghiệm bước đầu cho thấy, vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khỏe ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.
Học viện Quân y đang tiếp tục tổng hợp dữ liệu để báo cáo Bộ Y tế. Dự kiến ngay sau Tết Nguyên đán, Hội đồng khoa học và đạo đức y sinh học, Bộ Y tế sẽ họp đánh giá trước khi phê duyệt triển khai tiêm thử nghiệm giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm trên 560 tình nguyện viên kéo dài trong 6 tháng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM sẽ cùng tham gia thử nghiệm. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ tiêm trên 10.000 tình nguyện viên, mở rộng tại một số nước có dịch COVID-19 trong cộng đồng, hoàn tất vào đầu năm 2022.
Sớm nhập khẩu vaccine COVID-19 về Việt Nam phục vụ người dân
Về vấn đề vaccine COVID-19, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 15.2 (mùng 4 Tết), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân. Thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vaccine sản xuất trong nước. “Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ” - Thủ tướng lưu ý và yêu cầu trong tháng 2 phải có được vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Có nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vaccine” - Thủ tướng nói.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm phòng chống dịch
Ngày 17.2, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến để đánh giá công tác bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và những nhiệm vụ công tác trọng tâm sau Tết.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Công an các đơn vị, địa phương đã bám sát cơ sở, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để truy vết các trường hợp nghi mắc COVID-19, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn bị phong tỏa do dịch bệnh, các cơ sở cách ly tập trung; phối hợp thành lập hàng trăm chốt kiểm soát liên ngành tại các trục giao thông liên tỉnh; huy động trên 20.000 lượt cán bộ, chiến sĩ làm việc 24/24 để truy vết người thuộc diện F1 tới F4, khoanh vùng, dập dịch; phát hiện, xử phạt hàng trăm trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, trốn khỏi nơi cách ly; xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, game, Internet cố tình hoạt động vi phạm các quy định về phòng, chống dịch...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí, tụ tập đông người để phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, nhất là công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh… V.Dũng