Trên bãi đất hoang cô lập giữa sông Hồng (đoạn qua Hà Nội) không điện, không nước sạch, điều kiện sống thiếu thốn trăm bề - ít ai biết vẫn có nếp nhà của 7 hộ dân đã bám víu ở đây suốt 20 năm qua.
Bãi giữa sông Hồng nằm thọt thỏm dưới chân cầu Nhật Tân, giữa một vùng bốn bề là sóng nước. Ngợp tầm nhìn là một màu xanh ngút ngàn, chạy dài hàng cây số. Đó là màu xanh ngắt của cánh đồng ngô, xen kẽ là luống đậu, luống cà, rau màu tươi tốt.
Cuộc sống của những cư dân nơi đây như tách biệt hoàn toàn với nhịp sống sôi động ở nội thành. Thứ duy nhất để kết nối họ với thế giới bên ngoài chính là những chuyến đò dập dềnh trên sông.

Con đường dẫn vào làng nhỏ hẹp, cỏ cây um tùm, ẩn náu đầy gai sắc và cỏ nhọn. Giữa vùng đất hoang vu ấy, lấp ló những túp lều dựng tạm đã hoai mục, tưởng như chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể hất tung tất cả.
Bà Nguyễn Thị Toàn (SN 1957), người đã gần 20 năm sống tại đây cho biết, trước kia bà cùng nhiều người trong làng tại vùng quê Vĩnh Phúc di cư đến đây sinh sống bằng nghề trồng trọt rau màu. Nhưng kể từ khi cầu Nhật Tân xây lên, họ dần dần bỏ đi tứ xứ khiến bãi bồi đã hoang vắng nay lại càng thêm eo ót hơn.

“Ở đây thiếu thốn đủ đường, quanh năm không biết có điện, có nước sạch là gì. Thế nhưng đất bãi bồi thì nhiều phù sa, màu mỡ lắm nên nhà tôi trồng cây gì cũng tươi tốt, chẳng cần phun thuốc gì cả. Căn nhà này được xây dựng từ những phế thải bỏ đi, tôi nhặt nhạnh về để vá víu thêm cho túp lều của mình đấy” - bà Toàn kể chuyện.
Ở đâu có đất, ở đó có cuộc sống. Nhưng cuộc sống ở bãi bồi sông Hồng lại lặng lẽ theo một cách rất riêng. 7 nếp nhà heo hút quanh năm chìm ngập trong bóng tối, nhà nào may mắn thì tích được chút điện le lói ở bình ắc quy, dùng chưa được một giờ đồng hồ đã tắt.



Những năm nước sông dâng lên cao, người dân ở đây không sang sông mua được nước sạch, họ phải xách từng xô trực tiếp từ sông lên để sinh hoạt. Thiếu thốn là vậy, nhưng dải đất được gọi là "đảo hoang” này chính là nơi cưu mang, là chốn nương thân của 7 hộ dân nơi đây.

