Cống thoát nước Sài Gòn... ngập trong rác

Minh Quân |

Sau  lần “thất thủ” vừa qua của “siêu máy bơm” chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TPHCM), vì lý do rác thải gây tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước khiến “siêu máy bơm” dù hoạt động vẫn không thể hút được nước. PV Lao Động đã đi thực tế và ghi nhận, không riêng gì hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh mà hầu hết cống thoát nước TPHCM đều tràn ngập rác, gây tắc nghẽn dòng chảy. 

Một vài người xả rác hại cả khu phố

Rác thải làm giảm 30-40% năng lực thoát nước của cống. Nhiều chuyên gia cho rằng, với tình trạng không ít người dân thiếu ý thức đem rác nhà mình lấp xuống lỗ cống như hiện nay, thì cho dù thành phố có sắm thêm hàng trăm cái “siêu máy bơm” đi nữa cũng không giải quyết được ngập.

Theo khảo sát của PV Báo Lao Động, khắp các tuyến đường từ phía tây như Q.Tân Phú, Tân Bình, Q.6, Bình Tân cho đến phía đông là Thủ Đức, Q.9, Bình Thạnh; hay phía nam là Q.7, Nhà Bè… đâu đâu đều có cảnh lấp miệng cống thoát nước để tránh mùi hôi, cũng như rác sinh hoạt được người dân vứt bừa bãi trên đường, nhất là ở những miệng cống thoát nước.

Ngồi trên miệng cống thoát nước để móc rác sau cơn mưa chiều 14.11 vừa qua, anh Nguyễn Văn Biên, ngụ đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) không khỏi bức xúc. Theo anh Biên, hễ mưa xuống là con đường này ngập. Chuyện đường thấp, hệ thống thoát nước không đủ tải khi mưa lớn gây ngập là chuyện ai cũng biết. Thế nhưng, ít ai biết nguyên nhân khiến con đường này vừa ngập nặng và ngập lâu sau cơn mưa lại có phần đóng góp không nhỏ từ phía nhiều người dân. “Hàng loạt bịch rác lớn từ những hộ dân sống ven đường thi nhau trôi về hướng miệng cống thì nước rút đường nào?” - anh Biên bức xúc.

Thực tế, hằng ngày đều có người thu gom rác ở các nhà dân, hộ kinh doanh theo một giờ giấc nhất định. Thay vì chờ đến gần giờ thu gom để đem rác ra ngoài thì người dân vô tư thích để rác lúc nào thì để, và thường chọn các miệng cống thoát nước để ném rác. Có người để rác cả đêm, cả ngày ở miệng cống và trước khi người thu gom rác tới thì số rác này đã bị trôi xuống cống theo một cơn mưa bất chợt không báo trước. “Chuyện này ai cũng thấy nhưng đâu có dám nhắc, vì nếu mình nhắc thì họ xoay qua hỏi: Cống của nhà bà à?” - bà Nguyện Thị Lan - một hộ dân sống ở đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) - ngao ngán nói.

Theo chân một đội công nhân nạo vét cống trên đường Phan Xích Long - quận Phú Nhuận (thuộc Cty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM), chúng tôi mới thấy hết sự thiếu ý thức của không ít người dân. Khi nắp cống mở ra, dưới lòng cống nước đen ngòm là vô số các túi nilon, hộp cơm, các tấm xốp, thậm chí có cả các bao nhỏ bên trong toàn là quần áo cũ, giẻ rách. Một công nhân nạo cống cho biết, không riêng tuyến cống này, mà nhiều tuyến cống thoát nước khác cũng tương tự. Chỉ 1 tháng sau khi trầm mình xuống vét rác dưới cống, lần sau quay lại các tuyến cống thì rác lại đầy. Nguyên nhân do chính những người ở tại chỗ bỏ xuống. “Người ta xem miệng các hầm ga thu nước là thùng rác, nên mọi thứ rác rưởi người ta đều nhét vào đó. Rồi xe cộ qua lại, cán phải, rác bị cuốn đi khắp phố phường. Gặp mưa rác chui hết vào cống, đó là nguyên nhân gây ngập, rồi lại trách chính quyền” - công nhân  này bức xúc.

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, tuyến hẻm 183 Cây Trâm (phường 8, quận Gò Vấp) ngập 3 ngày không rút, người dân như sống ở vùng sông nước. Thấy vậy, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM đã cử công nhân, kỹ sư và cả xe bồn chuyên dụng để thông cống. Sau khơi thông, nước vẫn không rút. Chỉ đến khi tìm ra “thủ phạm” là một mảng bêtông chặn cống thoát nước và lấy ra thì nước mới rút. Nguyên nhân do người dân tại một con hẻm gần đó đặt mảng bêtông xuống cống để chống ngập cho hẻm nhà mình nhưng gây ngập hẻm khác.

Rác thải làm giảm 30-40% năng lực thoát nước

Ông Bùi Quang Trường - Trưởng phòng Quản lý hệ thống nước mưa TPHCM (Cty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM) - cho biết tình trạng người dân vứt rác hoặc để vật cản như gạch, gỗ, bao nilon ở miệng cống thoát nước nhằm tránh mùi hôi diễn ra khá phổ biến. Vào đầu mỗi mùa mưa, công nhân của công ty thường xuyên kiểm tra những vị trí bị bít lại. Thế nhưng, nhiều khi công nhân đến lấy những vật cản đi, người dân không cho hoặc sau đó dùng vật khác che lại, nói trời mưa sẽ tháo dỡ nhưng rồi họ lại “quên”. Theo đó, cứ hễ mưa lớn hay mưa vừa là rác lập tức  theo dòng nước xuống cống, lại thêm miệng cống bị bít nên gây ngập là đương nhiên. Theo ông Trường, ở các điểm thường xuyên ngập, công ty cử công nhân vớt rác trước, trong và sau khi mưa; nhưng cũng chỉ được một phần của 1.400km cống và 80.000 hầm ga mà đơn vị này quản lý.

Theo TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) - việc xả rác vô tội vạ đã gây tắc cống và làm giảm 30-40% năng lực thoát nước của TP. Ông Phi cho rằng muốn giảm tình trạng này phải giáo dục ý thức người dân và tăng mức hình phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi. “Việc này thực hiện bằng cách giao về từng tổ dân phố, từng phường để tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân. Nếu người nào không chấp hành thì cứ phạt nặng. Có luật nhưng xưa nay mình cứ “tình nhiều hơn lý” nên khó duy trì được xã hội văn minh” - TS Hồ Long Phi  nói.

Ngoài ra, theo TS Hồ Long Phi, thay vì để các công nhân phải chui xuống lòng cống nạo vét như hiện nay thì có thể chế tạo các thùng rồi thả xuống miệng hố ga. Thùng được thiết kế vừa miệng hố ga và đục lỗ, có chức năng ngăn rác từ miệng hố ga chui vào lòng cống. Cứ một thời gian ngắn là kéo thùng lên và đổ rác đi. “Việc này sẽ tiện và nhanh chóng. Bây giờ chất thải cứ để nằm trong lòng cống và moi bằng tay rất mất vệ sinh và gây độc hại cho công nhân nạo vét cống” - TS Hồ Long Phi đề xuất. 

Đồng quan  điểm, TS Phạm Sanh cho rằng, ngay cả “siêu máy bơm” cũng bất lực do rác gây tắc cống thì có thể thấy rác thải là “thủ phạm” rất lớn gây ngập hiện nay ở TPHCM, nó có thể làm giảm 40-50% năng lực thoát nước. Tuy nhiên, TS Phạm Sanh cho rằng, việc này không nên đổ thừa cho người dân và chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng trên, là do cách quản lý, cách giao nhiệm vụ và cơ chế thu gom rác ở miệng hố ga, trên đường phố hiện nay chưa rõ ràng. TS Phạm Sanh dẫn chứng, những đơn vị của Sở GTVT TP hiện nay chỉ có nhiệm vụ bảo trì đường và không có trách nhiệm hốt rác ngay miệng hố ga. Trong khi người bên vệ sinh môi trường chỉ quan tâm việc thu gom rác trên đường. Vì vậy, theo TS Phạm Sanh, TP nên đấu thầu thu gom rác và phân trách nhiệm rõ ràng cho đơn vị trúng thầu không chỉ thu gom rác trên đường phố, lề đường mà phải thu gom rác ngay tại hố ga. Nếu rác vẫn còn trong miệng hố ga và gây tắc cống thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm.

UBND TPHCM đã có chỉ đạo khẩn về tình trạng bỏ rác sinh hoạt che kín miệng cống gây ngập cục bộ. Theo đó, UBND TP giao UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không bỏ rác xuống miệng thu nước của hầm ga, tập kết rác thải tại các điểm thu gom theo đúng quy hoạch. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp vi phạm. Các đơn vị công ích tăng cường công tác vệ sinh, thu gom rác tại các hố ga để hạn chế tình trạng rác thải gây tắc hầm ga thu nước làm ngập cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và lưu thông.MINH QUÂN

Minh Quân
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.