Công nghệ của niềm tin

Nguyễn Thế Trung |

Những bài báo chứa công sức điều tra hay những thăng hoa của ngòi bút sẽ nhận được giá trị của mình, chứ không chỉ là những like những shares như hiện nay. Việc đánh đồng những cóp nhặt, những câu nói “phong long” thậm chí là những điều bịa đặt với những bài báo nghiêm túc phải chăng là một yếu tố làm cho chúng ta đều đang đánh mất niềm tin dần dần?

1. Việt lên xe, chiếc xe tự di chuyển lên đường đến công ty; Việt chợt băn khoăn không biết tình hình tham gia chương trình Văn hóa đọc cho học sinh mù thế nào rồi. Ngay lập tức, “Thị” lên tiếng từ phía ngay trước ghế của Việt: “Số tiền ủng hộ được chuyển cho chương trình Văn hóa đọc hiện là 5.369 VNBit, vượt 5% so với số cam kết nhưng còn thiếu 7% so với số mong muốn”.

“Thị” là tên gọi trợ lý ảo về các vấn đề phát triển cộng đồng của Việt. Vì thế, hệ thống cảm biến trong xe ôtô của Việt đã gửi thông tin ngay cho “Thị” khi Việt nghĩ về chương trình Văn hóa đọc.

Việt hỏi tiếp: “Vậy lúc nào thì đủ?”

“Thị” trả lời: “Theo dự báo với khả năng đúng trên 90% thì khi các khoản tiền lương và lợi tức đầu tư Việt nhận được tự động trích chuyển cho chương trình này thì Việt sẽ chuyển đầy đủ như mong muốn của mình vào thứ sáu tuần sau vào ngày 28.10.2050, Việt à”.

“Được rồi, nếu thứ sáu chưa đủ thì trích thêm từ quỹ dự phòng cho đủ nhé”.

“Vâng Việt, chúc mình một ngày vui vẻ”.

Câu chuyện về Việt Nam 2050 sẽ gồm nhiều mảnh ghép, nhưng chắc chắn không thể thiếu được sự có mặt của các hệ thống thông minh như xe tự lái, trợ lý ảo, kết nối ý nghĩ, thực hiện các giao dịch tự động như câu chuyện về Việt ở trên. Các hệ thống này không chỉ thông minh mà còn làm việc nhịp nhàng với nhau, vì thế giải phóng được không chỉ sức lao động mà cả những lo lắng của con người.

 
 

Công nghệ của niềm tin, vốn là đặc quyền của mối quan hệ người - người. Công nghệ của niềm tin không chỉ thay đổi sự phát triển của kinh tế mà nó sẽ ảnh hưởng rộng lớn đến thói quen hành vi của mọi con người.

2. Những cuộc cách mạng khoa học công nghệ trước đây đã giúp con người có sự đầy đủ về “đầu vào”, đó là khi cơ giới hóa nông nghiệp thành công xóa bỏ nạn đói. Tiếp sau đó là công cuộc điện tử hóa thành công xóa bỏ đặc quyền giải trí của một tầng lớp thượng lưu, thay vì chỉ có những quý ông quý bà mới được tham dự các buổi hòa nhạc, thì từ thập kỷ 60, các tiết mục giải trí hoành tráng nhất đã truyền hình tới phòng khách của từng gia đình.

Internet còn đẩy nhanh hơn quá trình tiêu thụ sản phẩm của con người với mạng xã hội, thương mại điện tử và giáo dục số. Phải chăng sự hội tụ của tất cả những điều trên làm nên cuộc cách mạng tiếp theo (thường được biết tới là cách mạng công nghiệp lần thứ 4)? Không phải vậy, nếu không có sự thay đổi về chất thì sao được gọi là cách mạng?

Vậy yếu tố mới trong CMCN lần thứ 4 này là gì? Tôi đồng ý với Elon Musk - Chủ tịch Tesla - rằng, chúng ta sẽ cần phải quan tâm tới yếu tố “đầu ra” về thông tin của con người. “Đầu ra” về thông tin là một quá trình từ lúc con người ra quyết định đến khi việc đó được làm. Quá trình này còn chậm bởi 2 lý do: 1. Máy móc chưa hiểu ngay được mong muốn của con người; 2. Hệ thống máy móc còn phụ thuộc vào sự ra quyết định của con người để hoạt động, đặc biệt những vấn đề liên quan đến Niềm tin, ví dụ như: Có nên đưa thông tin ai đó đưa trên Facebook thành thông tin chính thống không hay đó là fake news; Có nên chuyển tiền cho bên bán hàng không, có nên cho người mua hàng vay, nợ không? Có nên sử dụng nguyên liệu đầu vào đó để tự động làm món ăn không? Có nên nhận món tiền ủng hộ để xây dựng cộng đồng nếu nguồn gốc của tiền đó không phù hợp hay không?  …

Những nỗ lực để máy móc hiểu được hành vi, tiếng nói, ánh mắt và thậm chí là cả ý nghĩ của con người đang được nhiều công ty trên khắp thế giới hiện thực hóa, có thể kể đến những tiến bộ của các camera thông minh có khả năng nhìn xa, chính xác và tinh tường hơn mắt người; những tiến bộ trong nhận dạng tiếng nói đang hoàn thiện để đưa vào Olympic 2020 tại Nhật để mọi người từ các quốc gia dễ dàng giao tiếp với nhau thông qua chiếc máy phiên dịch cầm tay.

Xa hơn nữa, những công ty như Emotiv hay Neuralink đang nỗ lực để máy tính hiểu tức thời con người nghĩ gì …

Tuy nhiên vế thứ 2 về Niềm tin có vẻ ít được hiểu rõ hơn, có thể vì chúng ta cũng thấy mơ hồ khi nói về công nghệ của niềm tin, vốn là đặc quyền của mối quan hệ người - người.

 
 

3. Ngay bây giờ, thế giới liên tục có những khủng hoảng về niềm tin. Người dân Australia đang hoang mang vì hoa quả có chứa những cây kim khâu.

Tổng thống Trump lại tiếp tục phê phán một tờ báo “đăng tin giả”.  Kẻ giám hộ tại Nhật Bản lại bị buộc tội chính là thủ phạm giết bé gái Việt.

Và tại Việt Nam, những ồn ào về chiến dịch tẩy chay nước mắm truyền thống, hay sai phạm của chuỗi Con Cưng và gần nhất là về công nghệ giáo dục đã triển khai 40 năm tại Việt Nam…

Tất cả những sự kiện này đều liên quan tới “niềm tin”. Trong thế giới mới, khi giao dịch người - người trở thành số ít và giao dịch người - máy - máy - người chiếm đa số, thì vấn đề niềm tin cũng sẽ chuyển sang một dạng thức khác. Giới công nghệ trên thế giới đang thiết kế lại mạng lưới toàn cầu để chuyển từ mạng Internet của thông tin sang Internet của giá trị. Thiết kế này tuân thủ một nguyên tắc đơn giản, đó là: Sự minh bạch 100%.

Vâng, 100%, điều này có nghĩa là mỗi một sự việc xảy ra trên mạng Internet mới này (một giao dịch) được gọi là minh bạch thì tất cả mọi bên đều phải biết thay vì như hiện nay chỉ những bên tham gia được biết.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, bao gồm: 1. những giải pháp về thể chế như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Châu Âu; luật dữ liệu mở của Mỹ, Đức …, 2. Giải pháp về công nghệ như công nghệ xác thực phân tán minh bạch Blockchain; công nghệ dữ liệu mở kết nối linked open data …

Để lại giải pháp cho các nhà công nghệ, hãy cùng xem xét những ảnh hưởng của Công nghệ niềm tin trong tương lai.

Trong câu chuyện ban đầu, Việt có thể ra quyết định trong 1 phút và vấn đề được thừa hành như sau: Theo quy định trước đây của Việt, số tiền mà Việt kiếm được từ công việc (lương) và từ đầu tư (cổ tức) sẽ được ủy thác một phần cho “Thị” - một cơ chế máy trợ lý ảo - xử lý. Đó là việc trích một số phần nhất định để gửi tới quỹ Hỗ trợ cộng đồng về Văn hóa đọc. Tất nhiên những phần khác cũng sẽ được giao cho các trợ lý ảo khác. Và ngay khi Việt nhận được tiền thì phần trích này sẽ được chuyển cho Quỹ. Một giao dịch tưởng là đơn giản nhưng có thể liên quan tới hàng chục bên, từ đơn vị trả lương, đơn vị trả cổ tức, ngân hàng, Quỹ cộng đồng.

Hiện nay để làm việc này, chúng ta có thể mất vài ngày. Công nghệ của niềm tin cho phép việc này được thực hiện tức thời. Hơn thế nữa có thể hình dung ra khi số tiền này vào Quỹ cộng đồng - vốn là một quỹ hoàn toàn minh bạch thì số tiền có thể được chia và chuyển ngay cho những công việc cụ thể như trả công cho người đọc sách cho trẻ em mù, mua máy móc hỗ trợ …

Và như thế cả guồng máy được chạy trơn tru, mỗi người đều đóng góp phần của mình và được hưởng giá trị của mình một cách minh bạch. Tất cả các giao dịch nói trên sẽ minh bạch, ai cũng có thể tìm hiểu được Việt đã chuyển số tiền bao nhiêu, nó đã được chi tiêu ra sao. Bạn chắc cũng đã từng khó chịu và mất niềm tin khi đóng góp cộng đồng của mình hóa ra lại là đóng góp cho ai đó!

Nhìn rộng ra, với cơ chế này mỗi người nông dân sẽ bán được trái cây của mình và hưởng giá trị tương xứng ngay khi thu hoạch. Mỗi nghệ sĩ sẽ nhận được chi phí khi bài hát của họ được một ai đó trên thế giới nghe, và phần chi phí đó tương ứng với cảm xúc mà tác phẩm đem lại. Tôi có thể chỉ trả 1 xu cho bản nhạc “Không yêu nữa thì nói đê” nhưng có thể trả 100 đồng cho bản Giao hưởng “Ung dung tự tại”.

 
 

4. Sự thay đổi luôn có kẻ thắng, người thua. Trong một Internet của giá trị, sẽ ít đi những kẻ độc tài thông tin như những ông chủ mạng xã hội hiện nay. Trả lời một câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì” tưởng chừng là vô thưởng vô phạt, nhưng ngoài việc làm mất đi 10 phút quý báu, thì bạn còn đang tạo điều kiện để mạng xã hội “hiểu” và khai thác bạn với quảng cáo, với dẫn dắt thông tin và bạn còn đang đóng góp doanh thu cho họ ( theo số liệu thống kê thì mỗi chúng ta đang đóng góp từ 20 USD – 30 USD một năm cho Facebook và Google). Điều này không đáng nói nếu như sự độc tài thông tin làm cho thế giới tốt đẹp hơn, nhưng “độc tài” và “tốt” không đi cùng nhau trong từ điển nhân loại.

Công nghệ của niềm tin không chỉ thay đổi sự phát triển của kinh tế mà nó sẽ ảnh hưởng rộng lớn đến thói quen hành vi của mọi con người. Thật chẳng hay ho gì khi mọi người biết vỏ chai nhựa để lại trên bờ biển kia là của bạn, và còn dở hơn nếu một bài phát biểu tới hàng trăm người mang đầy tinh thần chém gió kia bị bóc mẽ, hay hiệu quả của một chính sách được công khai về độ “phòng lạnh” của nó.

Một thế giới như vậy sẽ có chỗ cho tất cả những ai lao động, đóng góp giá trị một cách tương xứng và chúng ta vẫn dư tiền để trả một mức sống cơ bản cho những người còn lại. Quan trọng hơn chúng ta sẽ tin hơn vào mọi người, vào chính mình. Đây là viễn cảnh của tương lai và là cơ hội của mọi người dân, mọi doanh nghiệp.

Nguyễn Thế Trung
TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.