Một phần xác thân gửi lại
Mỗi người nay có cuộc sống riêng, nhưng những đóng góp của các cô, các chú mãi mãi được ghi nhớ, tri ân.
Vừa cùng đồng đội xem lại những bức tranh triển lãm trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử chủ đề “Kiêu hãnh Trường Sơn” tại thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), người cựu chiến binh Nguyễn Xuân Bách (SN 1951) không khỏi vừa tự hào lẫn xúc động. Nhiều bạn trẻ đến triển lãm cũng hỏi về câu chuyện của các bác cũng như tò mò về cánh tay phải đã mất của bác Bách.
Anh thanh niên Xuân Bách quê ở huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), năm 20 tuổi tham gia lái xe Trường Sơn. Những chuyến xe cùng đồng đội chở hàng hoá, lương thực, bom đạn di chuyển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, qua Lào để vào chiến trường miền Nam.
Những tháng năm lái xe đó, đối với bác lúc nào cũng là kỷ niệm. “Là thanh niên còn trẻ nên bản tính mình cũng hay “liều”.
Khi có máy bay rượt đuổi, tôi đánh lạc hướng bằng cách bật đèn pha hoặc chạy cho bụi mù mịt lên giúp bạn bè chạy thoát. Các xe chủ yếu chở thuốc nổ, chở đạn, lỡ trúng bom đạn của địch rất nguy hiểm, trong khi mình chỉ chở áo quần, quân nhu, lương thực, nếu bị phát hiện cũng chỉ tổn thất mỗi mình và xe” - bác Bách nhớ lại thời trai trẻ.
Tay chỉ vào bức ảnh một người lái xe đang được triển lãm, bác nói rằng ngày xưa mình cũng giống y như vậy, người gầy, nhỏ, ngồi trong chiếc xe lọt thỏm. Vậy nhưng, người đàn ông tiếc vì mới chở vài ba chuyến thì bị thương nên không thể tiếp tục làm nhiệm vụ.
Đó là năm 1972, xe bác đang vượt qua sông Sê Pôn (đường 16 tại tỉnh Quảng Trị đi hướng sang Lào), mìn dưới nước nổ tung, cả người và xe đều trúng. Lúc đó, bác bất tỉnh, không còn rõ điều gì, một bàn tay bị mất.
Mọi người xung quanh cứ nghĩ bác đã hi sinh, cõng về và mặc quần áo. May thay trong lúc đang bàn tính phải làm gì tiếp theo thì bác bất ngờ tỉnh dậy.
Vì bị mất một cánh tay nên không thể lái xe, anh thanh niên Nguyễn Xuân Bách ra quân, nay đang sinh sống tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An). Đến nay, bác nhiều lần về thăm chiến trường xưa. Có lẽ, điều bác Bách thấy nhẹ nhõm là: “Năm xưa, đồng đội của bác nhiều, cùng nhau kề cận, may mắn thay, hi sinh rất ít”.
Còn cô Đoàn Thị Hoa (SN 1954), người công binh phá bom năm xưa lại nhớ mãi câu chuyện không may của những chiến sĩ trẻ. Cô Hoa tham gia vào những năm 1974-1975, cùng cả đội đi rà bom nổ chậm để tháo và bốc vác về kho. Nói là “kho” chứ thực ra cũng chỉ là tấm bạt giữa rừng.
Một lần, tại kho đạn B40 giữa rừng, mấy cậu lính mới, không biết chỗ đó là mìn, không may chạm vào nên gây nổ cả kho, 4 người hi sinh. Vừa đau xót cho những đồng đội trẻ, vừa ám ảnh đến bây giờ cô vẫn không thể quên được.
“Tao có chết, thì nhắn về cho gia đình tao một tiếng”
Cựu chiến binh Hoàng Văn Trọng (SN 1948, quê thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) là thanh niên xung phong những năm 1966, đến năm 1968 bác chuyển qua lực lượng bộ đội, cục hậu cần Quân khu 5.
Lúc đó, anh thanh niên Văn Trọng chuyên gùi hàng từ đồng bằng lên miền núi. Rồi từ miền núi vận chuyển đi các kho ở rừng. Mỗi ngày như vậy đi bộ 50-60km, trên vai lúc nào cũng vác 50-60kg gạo, hoặc súng đạn, có những lúc thương binh về thì vận chuyển thương binh ra các trạm.
“Thanh niên xung phong mà, chỉ có làm nhiệm vụ vận chuyển bằng đôi vai. Có những đồng đội của tôi chỉ nặng 37kg nhưng lúc đột xuất có thể cõng được đến 80kg hàng” - bác Trọng nhớ lại.
Lúc đó, bom đạn liên tục, nhất là những khu vực đồng bằng, nơi các bác đang ở. Bác Trọng kể: “Đối với tất cả chúng tôi lúc đó, mọi chuyện đều bình thường, không có gì to tát. Ban ngày ở trong hang đá, tối mới bắt đầu ra ngoài làm việc. Mỗi người khi đi ra đều nhắn lại cho đồng đội mình rằng: “Tao có chết á, thì nhắn lại cho gia đình tao một tiếng”. Thế thôi, chứ không ai sợ điều gì hết”.
Sau đó, chàng trai Trọng lại lên núi, là công binh mở đường từ Phước Sơn (Quảng Nam) xuống Trà My (Quảng Nam) vào Quảng Ngãi, mở thẳng đến Bình Định. Đêm 28.2.1969, bác đang nhận gạo cho bộ đội chuyển đi thì bị pháo bắn ở xã Xuyên Trường (huyện Duy Xuyên, Quảng Đà cũ).
Vì bị thương nên không thể tiếp tục công việc, bác được chuyển ra Bắc nhưng quyết không đi. Lúc đó chỉ nghĩ rằng mình phải ở lại với anh em đồng đội, có chết cũng chết ở đây. Vì vậy, bác Trọng ở lại làm giao liên, rồi chuyển qua làm thông tin vô tuyến, hữu tuyến, và sau này tiếp tục làm đến khi nghỉ hưu.
Ngày về thăm lại chiến trường xưa cũng là ngày sinh nhật lần thứ 76 của bác Trọng. Người cựu chiến binh đã đón sinh nhật nơi tuổi trẻ đã cống hiến cùng với đồng đội cũ của mình...