Con đến trường, bố mẹ mới yên tâm làm việc

Tất Thảo - Đỗ Phương - Trần Vương |

Một trong những vấn đề nóng được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 11.11 là câu chuyện học sinh ở “vùng xanh” cần được đến trường, để việc học chất lượng và hiệu quả hơn, đồng thời tạo sự yên tâm cho phụ huynh tham gia sản xuất, phục hồi kinh tế.

Trường học đóng cửa - công nhân phải nghỉ việc

Không có chỗ gửi con khi trường học đóng cửa vì dịch COVID-19, nhiều công nhân cực chẳng đã phải chấp nhận bỏ việc, ở nhà trông con. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay càng chật vật hơn, đến mớ rau cũng phải chia làm 2 bữa, nhưng họ không có cách nào khác…

Bữa cơm của chị Dương Thị Thương chỉ có món rau muống xào cùng với nước rau luộc. “Tôi đang không có việc, không có thu nhập, mọi chi phí đều trông chờ vào chồng nên ăn uống phải tiết kiệm” - chị Thương giải thích.

Chồng chị Thương đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan đã 5 năm nay. Chị cùng 2 con (5 tuổi và 2 tuổi) thuê phòng trọ tại thôn Nhuế, xã Kim Chung huyện Đông Anh, Hà Nội. Cuối tháng 4.2021, khi các trường học phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19, chị Thương không kịp trở tay. Chị Thương vốn là công nhân làm việc tại Công ty Panasonic. Trước đây, khi trường mở cửa, hàng ngày, chị Thương gửi các con đến trường mầm non, rồi yên tâm đi làm. Chi phí gửi con khoảng 1,6 triệu đồng/tháng. Nhưng khi trường học đóng cửa, chị Thương không biết gửi các con đi đâu. Bố mẹ ở quê đều đã lớn tuổi, sức yếu nên khó có thể trông nom 2 cháu, chị Thương cũng không dám gửi người trông hộ bởi lo lắng dịch bệnh. Hơn nữa, nếu đi gửi, mỗi tháng mất 2,5 triệu đồng, tổng cộng khoảng 5 triệu đồng cho hai con - một khoản chi phí khá lớn so với thu nhập của chị.

Nghỉ việc, không có thu nhập từ tháng 5 đến nay, mọi chi phí của gia đình: Nuôi con, thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt… đều trông chờ vào những đồng tiền chồng chị gửi về. Theo tính toán của nữ công nhân, riêng tiền thuê nhà, tiền bỉm, sữa cho con đã lên tới 5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt. Tuy chồng không nói gì, nhưng trong thâm tâm, chị Thương cảm thấy rất áy náy khi mọi gánh nặng chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào chồng. Chị Thương cho hay, chị dự định khi trường mầm non mở cửa trở lại, chị sẽ ngay lập tức đi xin việc mới. Tuy vậy, chị khá lo khi được biết hiện nay, nhiều công ty ít việc, nhu cầu tuyển dụng không nhiều.

Đồng cảnh ngộ với chị Thương, chị Phạm Thị Khê - công nhân Công ty TNHH Suncal Technology Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội) mới xin nghỉ việc từ tháng 10 để kèm cặp con học online. Chị có 2 người con đang học lớp 1 và lớp 3. Chị Khê và chồng đều làm công nhân, nhiều hôm cả 2 trùng giờ làm, chị xin đổi ca với đồng nghiệp nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Sau một tháng các con bước vào năm học mới, chị Khê quyết định nghỉ làm, còn chồng vẫn tiếp tục làm công ty.

Theo chị Khê, khi các con học online, nếu phụ huynh không sát sao, rất dễ chểnh mảng. Hơn nữa, 2 con vẫn ở độ tuổi cần có người lớn bên cạnh hỗ trợ nên quyết định xin nghỉ việc là đúng đắn song cũng vì bất đắc dĩ. Phải ở nhà, cũng như nhiều gia đình công nhân khác, chị Khê mất đi một nguồn thu. Cuộc sống vì thế thiếu thốn và khó khăn hơn nhiều.

Trẻ em vùng xanh cần được đến trường

Hai trường hợp trên chỉ là trong số hàng trăm nghìn, thậm, chí hàng triệu gia đình đang gặp khó khăn khi con, em không thể đến trường.

Tại phiên chất vấn ngày hôm qua, 11.11, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu An Giang) nêu thực trạng, sau một thời gian dài học sinh ở nhà để phòng chống dịch, cả xã hội đều mong muốn học sinh sớm được trở lại trường để việc học chất lượng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có con học tiểu học chưa yên tâm khi con em chưa được tiêm vaccine. “Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào? Bộ có biện pháp cụ thể gì liên quan đến vấn đề này để tạo sự yên tâm cho phụ huynh?” - đại biểu Hương chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành Giáo dục đã có kế hoạch thúc đẩy đưa học sinh quay trở lại trường học an toàn. Theo đó, Bộ đã ban hành văn bản số 4808 và số 4826 vừa hướng dẫn chuyên môn vừa định hướng. Bộ trưởng khẳng định, về mặt quan điểm, đối với các đơn vị cấp thấp như xã, phường, nơi nào đang là “vùng xanh”, an toàn thì nên mạnh dạn đưa học sinh quay trở lại trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, hiện nay, các tỉnh phần lớn xử lý theo quy mô cấp quận, huyện, nhưng địa phương có thể mạnh mẽ hơn, xử lý đến quy mô xã, phường. Các trường tiểu học, mầm non thường phù hợp với quy mô địa bàn xã, còn trường trung học quy mô đến cấp huyện. Do đó, nếu xã phường thuộc “vùng xanh” có thể đưa học sinh tới lớp mà không cần đợi cả huyện, tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thông tin, hôm 10.11, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhắc đến việc tiêm vaccine cho học sinh dưới 12 tuổi trở xuống, hiện trên thế giới “vẫn còn câu chuyện phía trước”. Nhưng, tùy theo tính chất, mức độ, tình hình từng địa phương để xem xét đưa học sinh quay lại trường đảm bảo các điều kiện an toàn. “Tinh thần chung là vừa thực tiễn, nhưng rất kiên quyết, mạnh mẽ xử lý nội dung công việc này” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cần xây dựng chiến lược tổng thể ngành giáo dục trước dịch bệnh COVID-19

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chiều 11.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học, làm chậm tiến độ đổi mới chương trình giáo dục đào tạo mà Trung ương Đảng đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đã đặt vấn đề về những ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đối với giáo dục đào tạo; vấn đề nâng cao hiệu quả ngành giáo dục, xây dựng chiến lược tổng thể ngành giáo dục trước dịch bệnh COVID-19 có thể kéo dài; xây dựng chương trình sách giáo khoa, giảm tải, nâng cao chất lược, an toàn trường học…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tế và địa phương nghiên cứu, sớm triển khai việc tiêm chủng vaccine cho học sinh để đưa các em trở lại trường học theo lộ trình.

Đồng thời, sớm có kế hoạch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2022, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của địa phương trong khâu tổ chức thi và tuyển sinh. Nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách đối với các bộ ngành, chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; chương trình mục tiêu quốc gia để sớm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị với nông thôn và vùng miền núi dân tộc.

Sắp xếp đổi mới giáo dục, kể cả đào tạo lại đối với những trường hợp là cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với xã hội hóa; tăng cường quản lý giáo dục công lập tránh để xảy ra sai phạm, tự chủ tài chính, tránh sai sót như ngành Y tế vừa qua đã mắc phải.

Củng cố kiến thức khi học sinh trở lại trường

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong Công văn 4808, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị bổ sung, củng cố kiến thức khi học sinh quay lại trường. Theo đó, Bộ yêu cầu nhà trường không được đánh giá ngay kiến thức mà việc đầu tiên phải là giúp các em làm quen với môi trường trường học, học cách tự phòng chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái.

Việc củng cố chất lượng khi học sinh quay trở lại trường sẽ căn cứ vào các nội dung chương trình cốt lõi. Tinh thần là khi học sinh đã quay trở lại trường học trực tiếp cũng không bỏ các bài giảng trên truyền hình và công cụ dạy học trực tuyến đã có, tránh tình trạng cực đoan đến lớp rồi thì bỏ hết thì công cụ hỗ trợ. Khi học sinh quay lại trường học, giáo viên có trách nhiệm đánh giá xem các em trong lớp trình độ đến đâu để phân ra các nhóm bởi có em thiết bị tốt, bố mẹ kèm tốt sẽ chắc kiến thức hơn những em thiết bị phập phù, bố mẹ bận rộn quá.

Trả lời chất vấn về vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, dạy, học thêm là việc ngành ngăn chặn, nghiêm cấm. Gần đây nảy sinh hiện tượng dạy tăng thêm giờ, dạy thêm trực tuyến. “Tôi khẳng định, bình thường đã cần ngăn, bây giờ càng phải ngăn, vì học trực tuyến học sinh căng thẳng hơn. Việc thêm giờ, thêm nội dung là việc cần ngăn chặn”, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho hay. TV-ĐC-PĐ


Tất Thảo - Đỗ Phương - Trần Vương
TIN LIÊN QUAN

Tiền Giang thí điểm cho học sinh đến trường học trực tiếp

Kỳ Quan |

Tiền Giang - Thông tin từ Sở GDĐT cho biết, ngày mai 8.11, học sinh lớp 9 và 12 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông sẽ đi học trực tiếp.

Giáo dục 24/7: Cập nhật các địa phương cho học sinh đến trường trở lại

Nhóm Phóng Viên |

Tin tức giáo dục ngày 2.11: Tình hình đón học sinh đến trường trở lại của cả nước; Hai dự án của trường Đại học tại Việt Nam nhận tài trợ quốc tế...

Hàng loạt địa phương thay đổi phương án đón học sinh đến trường

Tường Vân |

Sau khi phát hiện học sinh mắc COVID-19, một số địa phương ra thông báo khẩn tạm dừng việc dạy học trực.

Đà Nẵng sẽ cho tất cả học sinh đến trường từ 1.11

Thanh Chung |

Sau 14 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, TP.Đà Nẵng dự kiến cho phép nhà hàng quán ăn phục vụ khách ăn, uống tại chỗ, học sinh đi học trở lại.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Tiền Giang thí điểm cho học sinh đến trường học trực tiếp

Kỳ Quan |

Tiền Giang - Thông tin từ Sở GDĐT cho biết, ngày mai 8.11, học sinh lớp 9 và 12 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông sẽ đi học trực tiếp.

Giáo dục 24/7: Cập nhật các địa phương cho học sinh đến trường trở lại

Nhóm Phóng Viên |

Tin tức giáo dục ngày 2.11: Tình hình đón học sinh đến trường trở lại của cả nước; Hai dự án của trường Đại học tại Việt Nam nhận tài trợ quốc tế...

Hàng loạt địa phương thay đổi phương án đón học sinh đến trường

Tường Vân |

Sau khi phát hiện học sinh mắc COVID-19, một số địa phương ra thông báo khẩn tạm dừng việc dạy học trực.

Đà Nẵng sẽ cho tất cả học sinh đến trường từ 1.11

Thanh Chung |

Sau 14 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, TP.Đà Nẵng dự kiến cho phép nhà hàng quán ăn phục vụ khách ăn, uống tại chỗ, học sinh đi học trở lại.