Có một "lái Ngừng" trên công trường Thuỷ điện Hoà Bình

NGUYỄN HÀ - PHƯƠNG ANH |

Trong suốt 10 năm, cô gái Lê Thị Ngừng dù chỉ cao 1m55, nặng 52kg nhưng đã làm chủ cỗ máy mà chỉ riêng cái răng gầu của nó đã nặng 108 cân, bánh xích 104 cân và phải vận hành bằng loại điện 6 ki-lô-vôn. "Lái Ngừng" đã cống hiến, làm việc hăng say trên công trình Thuỷ điện Hoà Bình và trở thành nữ Anh hùng lao động. 

Sụt 10 cân trong 1 tháng làm quen với máy xúc

Sinh năm 1954 tại Hà Nội trong một gia đình thuần nông, lớn lên nghe theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên, cô thanh niên Lê Thị Ngừng làm đơn tham gia xây dựng công trình Thuỷ điện Hoà Bình và may mắn trúng tuyển.

“Lên công trường rất đông người, vui chưa từng thấy, máy móc, xe cộ nhiều lắm. Nhưng khi đó toàn máy mới không có gì để sửa, thế nên thời gian đó anh em làm đủ thứ nghề từ thợ xây, bạt mái taluy, đào móng ống dẫn nước… việc gì cũng làm, cứ phân việc gì thì làm việc ấy” - bà Ngừng nhớ lại.

Sau một thời gian, công trường có chủ trương đào tạo một số nữ giới để lái máy xúc to, bà được tuyển đi học lái cùng khoảng hơn 20 chị em. Ban đầu, các chị được cho lên thử xem có chịu được tiếng ồn, tiếng gầm rú của máy không, chiếc máy xúc EKG to như cái nhà khiến các chị em dù chỉ lên ngồi chưa phải làm gì nhưng tất cả đều ốm hết. Cô gái Lê Thị Ngừng năm đó dù chưa bao giờ biết đến say tàu xe, máy bay nhưng khi lên máy xúc người cũng lả đi.

“Chỉ trong vòng 1 tháng, tôi từ 62kg giảm xuống còn 52kg. Tháng đó chị em cũng bỏ dần, cuối cùng chỉ còn tôi và một chị tên Lê Thị Hiên quê Nghệ An. Chị Hiên đã học ở Nga nên biết tiếng, còn tôi thì chưa học ở đâu, không biết tiếng nước ngoài nên rất hạn chế. Ngày ấy các anh ở công trường hi vọng vào chị Hiên chứ không hi vọng ở tôi, nhưng được ít ngày thì chị Hiên cũng không thể theo được, người cứ gầy rộc đi. Mình rất là may, con người chân đất mà, suốt ngày làm ruộng ở quê cho nên cũng khoẻ hơn, chắc thế” - bà Ngừng vui vẻ nói.

Những hình ảnh tư liệu khi bà Ngừng còn làm công việc lái máy xúc trên công trình năm xưa được lưu giữ. Ảnh: N.H
Những hình ảnh tư liệu khi bà Ngừng còn làm công việc lái máy xúc trên công trình năm xưa được lưu giữ. Ảnh: N.H

Được sự động viên của mọi người, bà Ngừng khi ấy cứ cố gắng theo đuổi dù chưa được học trường lớp nào. Ông thợ lái trước, bà Ngừng ngồi sau ghế phụ xem người ta lái như thế nào để lái theo, 36 động cơ lớn nhỏ của chiếc máy xúc cũng làm bà Ngừng gặp nhiều khó khăn để ghi nhớ tất cả các thao tác. Trong cái khó, ló cái khôn, bà Ngừng tự mình làm ra những tín hiệu để bản thân ghi nhớ.

“Các thao tác trên chiếc máy xúc được bố trí cho những người cao to, tôi lại thuộc dạng thấp nên mắt cứ phải đảo nhanh như điện, tay phải thao tác thế nào, chân thao tác ra sao, toàn thể người phải làm đồng loạt… Tôi như ngập người trong đó, vì cái gầu cao 1m6 mà tôi chỉ cao 1m55. Cũng may mình nghĩ ra được ký hiệu của mình, mỗi ngày tôi ký hiệu cái gì cần nhớ trước, cái gì sau, ghi nhớ lại trong trí nhớ rồi về ghi lại. Cuối cùng tròn 1 tháng thì tôi lái được cái máy ấy” - bà Ngừng kể.

Sau những khó khăn thời gian đầu, bà Ngừng quen dần với nhịp độ cao của công việc và trở thành nữ lái chính duy nhất trong đội lái 500 xe. Tiếng máy ầm ầm và những ánh đèn không bao giờ tắt trên công trường in sâu vào tâm trí của “lái Ngừng”.

Một lần, chuyên gia của Liên Xô sang thăm Công ty Sông Đà, chứng kiến bà Lê Thị Ngừng lái máy xúc, vị chuyên gia này nhận xét, với trình độ này ở Liên Xô thì đã là thợ bậc 4/7 chứ không phải 2/7. Sau đó, trong cuộc thi nâng bậc, bà Ngừng đã đạt trình độ 4/7.

Kỷ niệm "thập tử nhất sinh"

Suốt 10 năm trời đằng đẵng làm nhiệm vụ lái máy xúc trên công trình thuỷ điện Sông Đà, dù khoảng cách từ công trường về quê chỉ hơn 60km nhưng gần ấy năm bà Ngừng không có thời gian về quê, cũng là chừng ấy năm bà ăn tết trên công trường.

Trong ký ức của bà Ngừng, không khí trên công trường - ai cũng đều hăng say, không muốn làm việc gì khác, không tham gia việc gì khác, tất cả mọi người đều làm theo một guồng máy như thế. Với khẩu hiệu: “Cao độ 81 hay là chết”, trên công trường ai cũng vui vẻ, say mê làm việc.

Bà Lê Thị Ngừng trong cabin chiếc máy xúc. Ảnh: NVCC
Bà Lê Thị Ngừng trong cabin chiếc máy xúc. Ảnh: NVCC

Thời gian cứ thế trôi đi, khi lái máy xúc được khoảng 2-3 năm, “lái Ngừng” miệt mài trên công trường nhờ sức khoẻ tốt, không ốm bao giờ, trừ một lần “thập tử nhất sinh” trong một đêm mưa gió. Khi ấy, máy xúc được đặt trong lòng hố sâu đến 84m, xung quanh chỉ toàn là núi đá, mưa đổ xuống rất nhanh, cứ ào ào xuống như thác, và nếu để nước vào điện là sẽ bị chập mạch chết ngay, mọi người khi ấy rất sợ. Khi có biểu hiện, bà Ngừng cho tất cả anh em dừng lại, đưa máy lên nếu không để nước dâng lên thì không kịp.

“Leo được đến nửa chừng thì không may mất điện, chết rồi, thế này thì làm thế nào mà đi được nữa, nước tuôn đến tận ngực, thứ nước đỏ ngầu như máu. Lo quá, bây giờ mà không chuyển được máy lên thì coi như tất cả bộ máy ngấm nước sẽ hỏng hết. Các lãnh đạo khi ấy lo lắng, bằng mọi giá phải sửa để có điện cho máy. Tôi có gọi điện cho lãnh đạo thông báo tình hình là chưa đưa máy lên được mà nước chảy nhiều quá, tôi đang lái cũng phải xuống để kéo cát, thợ điện cũng phải xuống mà thợ lái cũng phải xuống kéo cát, tất cả phải xuống hết. Cuối cùng rất may có điện nên đánh máy lên được, coi như máy cũng an toàn.

Đêm hôm ấy 12h đêm mới hết ca về nhà, tắm rửa, đến sáng hôm sau tôi như liệt toàn thân, người cứ người ra, tất cả áo mình mặc là phải cắt hết đi. 10 người thì đến 9 bảo cái Ngừng nó chết rồi không sống được nữa. Trong vòng 1 tháng bác sĩ trên sông Đà tập trung chữa trị, tôi trở lại bình thường và bắt đầu phải tập đi như đứa trẻ. Trong khoảng hơn tháng mới thấy khoẻ, lại đi làm bình thường và lại quay lại lái máy” - bà Ngừng kể lại kỷ niệm không bao giờ quên.

Ai cũng trẻ trên công trình thanh niên

Đối với bà Ngừng và tất cả những anh em trên công trường khi ấy, được làm việc tại nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình là một niềm vinh dự. Khi đó, với suy nghĩ muốn đất nước lớn mạnh thì phải có điện khí hoá. Chúng ta là thanh niên mà còn được mang tên Thanh niên công trường Cộng sản, chúng ta phải làm thế nào để xứng đáng.

“Trên công trường khi ấy, không có ai là người già cả, kể cả những chuyên gia Liên Xô 50-60 tuổi cũng không coi là già vì làm hăng hái lắm. Có công việc gì lại xuống lại làm, thậm chí làm quên ăn. Đến giờ ăn người ta mang nắm xôi cho ra ngoài đấy, ăn vội ăn vàng lại lên máy. Hăng hái như thế. Mình là người thanh niên cộng sản, mà còn được làm trên quê hương của mình cho nên mọi người đều hăng hái đóng góp sức lực, làm quên cả thời gian. Có nhiều hôm tôi làm 3 ca 4 kíp, có hôm làm cả ngày cả đêm” - bà Ngừng kể.

Bà Ngừng chụp cùng chiếc máy xúc. Ảnh: NVCC
Bà Ngừng chụp cùng chiếc máy xúc. Ảnh: NVCC

Những ngày làm việc không ngừng nghỉ trên công trình, nước sông Đà đỏ ngầu, tất cả mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt đều từ nước này, những người trên công trường như bà Ngừng phải đun nước, đợi lắng cặn xuống rồi mới dùng để nấu cơm. Dù có khó khăn, vất vả nhưng với suy nghĩ mình là thanh niên, có khí thế của tuổi trẻ, mà không phải ai muốn cũng được lên đây, ai được lên đây là vinh dự lắm cho nên mọi khó khăn cũng không là gì.

Hết mình trong công việc, tháng 5.1984, bà Ngừng được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Lễ kết nạp Đảng diễn ra tại công trường mà bà gắn bó. Khi ấy, như được tiếp thêm sức mạnh, bà Ngừng càng cố gắng phấn đấu tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho công việc. Ghi nhận những nỗ lực của bà, Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho bà Ngừng vào năm 1985.

Giờ đây, ở cái tuổi gần 70, bà Ngừng cùng người chồng mà bà vẫn hay nói đùa rằng "Tôi dùng máy xúc, xúc ông về làm chồng" - đang sống trong căn nhà ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội), dù tuổi đã cao nhưng tiếng nói vẫn mang đầy nhiệt huyết, đầy hăng say khi mỗi lần được hỏi về những ký ức không thể quên trên công trường năm nao.

NGUYỄN HÀ - PHƯƠNG ANH
TIN LIÊN QUAN

Tạm dừng thi công công trình mở rộng thủy điện Hòa Bình

Minh Chuyên |

Hòa Bình - Phó Thủ tướng yêu cầu EVN chỉ đạo tạm dừng thi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng để đảm bảo an toàn.

Phát động thi đua xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Hà Anh |

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam vừa phát động phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Thủy điện Hòa Bình: Công trình thế kỷ - niềm tự hào Việt Nam

LINH CHI |

Thủy điện Hòa Bình là một trong những công trình thủy điện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Qua 30 năm, công trình Thủy điện Hòa Bình đã thực sự phát huy vai trò là nguồn điện chiến lược đa mục tiêu, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Tạm dừng thi công công trình mở rộng thủy điện Hòa Bình

Minh Chuyên |

Hòa Bình - Phó Thủ tướng yêu cầu EVN chỉ đạo tạm dừng thi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng để đảm bảo an toàn.

Phát động thi đua xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Hà Anh |

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam vừa phát động phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Thủy điện Hòa Bình: Công trình thế kỷ - niềm tự hào Việt Nam

LINH CHI |

Thủy điện Hòa Bình là một trong những công trình thủy điện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Qua 30 năm, công trình Thủy điện Hòa Bình đã thực sự phát huy vai trò là nguồn điện chiến lược đa mục tiêu, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.