Cố hết sức mới biết cuộc đời cho mình cái gì

Hoàng Văn Minh thực hiện |

Vậy là, Văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên của Báo Lao Động đã chạm mốc tròn 30 năm kể từ khi thành lập. Và nhà báo Nguyễn Trung Hiếu là người duy nhất ở Văn phòng miền Trung - Tây Nguyên sống và đi trọn với hành trình 30 năm đầy thăng trầm này. “Tận nhân lực, tri thiên mệnh - Cố hết sức mới biết trời đất (cuộc đời) cho mình cái gì” - nhà báo Nguyễn Trung Hiếu đúc kết về nghề nhưng cũng là lẽ sống ở đời.

Thưa ông, năm nay, Văn phòng miền Trung - Tây Nguyên kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và ông cũng là người duy nhất ở văn phòng đi trọn với hành trình 30 năm của văn phòng báo. Điều này có ý nghĩa với ông như thế nào?

- 30 năm là một cuộc hành trình dài của Văn phòng Miền Trung, với 4 thế hệ nhà báo, từ anh Nguyễn Đắc Xuân, Vĩnh Quyền Nguyễn Trung Dân... qua Trần Đăng, Trung Hiếu, Bảo Chân, Đặng Bá Tiến, Nguyễn Thịnh, Xuân Nhàn đến Thanh Hải, Hoàng Văn Minh, Đặng Trung Kiên, Trương Tâm Thư... đều là những cây bút để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc Báo Lao Động. Rồi đến nay là Hữu Long, Thùy Trang, Bảo Trung... đang quyết tâm lập những đỉnh mới.

Với Báo Lao Động, cũng có những cán bộ, phóng viên đi cùng báo suốt cuộc hành trình đời người, nhưng con số 30 năm không phải là nhiều. Tôi là một trong số không nhiều người ở Lao Động hiện nay trải qua 5 đời tổng biên tập, từ anh Tống Văn Công, đến anh Nguyễn Ngọc Hiển hôm nay.

Tháng 11.1991, tôi từ báo địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng chuyển qua công tác tại Báo Lao Động. Đây là thời điểm cực thịnh của tờ báo, quy tụ được hầu hết những người làm báo lão luyện của đất nước như nhà báo viết thể thao hào hoa Chánh Trinh, cây bút kinh tế uyên thâm như anh Trần Trọng Thức, họa sĩ hí họa lừng danh Nguyễn Hải Chí (Chóe), nhà đạo đức học Kỳ Lâm, nhà thơ Hoàng Hưng, Bùi Việt Phong, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, nhà bình luận sự kiện Nguyễn An Định, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long... Họ là những đầu tàu, đưa Báo Lao Động đi trên con đường mới khai phá và đạt được những thành công rực rỡ, làm tiền đề cho vị thế vững vàng của Báo Lao Động trong nền báo chí Việt Nam hôm nay.

Kế đến là thời anh Phạm Huy Hoàn làm Tổng Biên tập cũng kế thừa và phát huy, đưa Báo Lao Động lên vị trí 200 tờ báo hàng đầu thế giới... Kết quả của những ngày tháng đó để lại những bài học lớn cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, Ban Biên tập hôm nay và trong tương lai lấy đó làm tấm gương tiến, lùi trong công việc điều hành tờ báo...

Trong suốt 30 năm với nhiều vị trí đã trải qua từ phóng viên, phó văn phòng, trưởng văn phòng, kỷ niệm hay sự kiện nào với ông đáng nhớ nhất?

- Nghề báo thú vị với người có chút năng khiếu nhạy cảm với sự kiện và hơn hết (nghĩ lại) càng có giá trị tuyệt đối đối với người dám dấn thân.

Nghề báo đã cho tôi cơ hội bước chân đến tận những núi cao, rừng thẳm, ra đại dương bao la; chưa kể những chuyến đi công tác, học tập ở nước ngoài, trong đó có Ấn Độ, góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nhân sinh quan của tôi về cuộc sống.

Sự kiện để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, là thời điểm cuối năm 1999, tôi cùng 70 đội viên công tác xã hội vượt qua núi cao, vực sâu băng bộ trên đỉnh Hải Vân trong bão lũ bời bời; vừa tác nghiệp báo chí, vừa tổ chức cứu trợ nhiều thôn làng Huế đang ngoi ngóp trong trận lũ lịch sử. Bằng những bài viết cận cảnh sự kiện, Báo Lao Động đã chạm vào trái tim của người dân cả nước, thúc giục họ ủng hộ công, của, chung sức chia sẻ cùng bà con miền Trung vượt qua đại nạn. Lúc này chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, hàng trăm tấn hàng hóa gồm lương thực, thực phẩm, áo quần, thuốc men... cùng 18 tỉ đồng gửi qua Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động.

Lúc đó, số tiền này lớn lắm, xây được cả một ngôi làng hàng chục mái nhà bị lũ quét vùi lấp ở Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và hàng chục ngôi trường 2 tầng vượt lũ ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi...

Dù làm báo giấy với kỹ thuật thô sơ, hay làm báo chí kỹ thuật số, thì mục tiêu phục vụ cho nhu cầu “được biết” thông tin của bạn đọc vẫn không có gì thay đổi.

Ông đã bắt đầu nghề báo cùng thời điểm có thể nói là báo giấy phát triển huy hoàng nhất cho đến thời điểm này - thời điểm đi xuống. Hành trình đó hẳn rất thú vị?

- Có thể nói, tôi may mắn khi được là người làm báo từ những ngày kỹ thuật báo chí còn sơ khai nhất, cho đến công nghệ 4.0 như hiện nay.

Tôi bắt đầu nghề báo ở Báo Quảng Nam - Đà Nẵng vào tháng 5.1985 với cây bút, cuốn sổ và bản thảo viết tay. Tháng 11.1991, tôi về Báo Lao Động thì phương tiện đã hiện đại lên một chút. Tôi sắm được chiếc máy đánh chữ (đến nay vẫn còn giữ làm kỷ niệm) và chiếc máy ảnh Praktica chụp phim. Viết bài xong, mang ra bưu điện fax chữ về tòa soạn; ảnh thì bỏ bì thư, ra sân bay tìm người gửi mang vào tòa soạn ở TP.Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Máy bay lúc đó mỗi ngày chỉ có một chuyến, nên vất vả lắm mới gửi được tấm ảnh đi. Sau dần có máy tính, modem truyền bài ở dạng text; rồi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, dần dần thay đổi gần như triệt để kỹ thuật làm báo.

Tôi cũng có hơn 20 năm ở Văn phòng miền Trung và cũng có may mắn được nhiều năm sống trong không khí huy hoàng của báo giấy. Và nhiều năm trở lại đây, tôi luôn có cảm giác “ngơ ngác”, đôi khi không biết phải làm gì với những thay đổi đến khó tin của nghề báo. Ông có không cảm giác này?

- Không phải cho đến thời điểm này, công nghệ, internet đã thay đổi kỹ thuật làm báo và thói quen của bạn đọc đến khó hình dung nổi so với cách đây mươi năm. Cảm giác đó không lạ với tôi, khi trong quá khứ, Báo Lao Động từ một tuần, xuất bản 1 tờ hai màu, một tờ Chủ nhật 4 màu khổ A3, tiến lên nhật báo với khổ hiện nay, không ít phóng viên thậm chí còn hoang mang, chứ không chỉ “ngơ ngác”.

Lúc đó, làm nhật báo khác hẳn với tờ báo cách nhật hoặc báo tuần vì đòi hỏi một lượng tin tức lớn gấp nhiều lần; tỉ lệ tin và bài; lối hành văn; cách đặt vấn đề yêu cầu khác hẳn. Lúc bấy giờ với kỹ thuật làm báo chưa lệ thuộc vào công nghệ nhiều, phóng viên phải “quần quật” với tin, bài hằng ngày. Ăn cũng tin, ngủ cũng mơ thấy tin... mà là phải tin không giống với báo bạn; hoặc có cùng sự kiện thì cũng phải ở góc độ phát hiện khác đi, sâu hơn...

Mỗi thời làm báo đều có đặc tính, đặc trưng vất vả riêng của nghề. Bây giờ thì phương tiện hiện đại hơn; thông tin tra khảo nhanh đầy đủ hơn... thậm chí “chịu khó” thì có phóng viên ngồi suốt ngày trên internet, làm một ngày lên tới 30-40 tin copy/paste (sao chép/ dán)! Đôi lúc, tôi bỡ ngỡ với cách làm báo dễ dãi bây giờ, hay cảm giác “ngơ ngác” với cách hành nghề của họ, như cách nói của anh.

Tuy vậy tựu trung, dù làm báo giấy với kỹ thuật thô sơ, hay làm báo chí kỹ thuật số, thì mục tiêu phục vụ cho nhu cầu “được biết” thông tin của bạn đọc vẫn không có gì thay đổi.

Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu (thứ 3, từ phải sang) cùng cán bộ, phóng viên Văn phòng miền Trung - Tây Nguyên của Báo Lao Động tại Đà Nẵng.
Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu (thứ 3, từ phải sang) cùng cán bộ, phóng viên Văn phòng miền Trung - Tây Nguyên của Báo Lao Động tại Đà Nẵng. (Ảnh chụp trước đại dịch COVID-19).

Giáo sư Mitchell Stephens của Đại học Báo chí New York, trong cuốn “Hơn cả tin tức”, xuất bản tại Việt Nam năm 2020 nói đại ý bây giờ, chúng ta nên tạm biệt công thức kinh điển “ai - cái gì - khi nào - ở đâu” vì nó đã lạc hậu. Ông ta cho rằng, công thức đó giờ chỉ phù hợp với mạng xã hội. Báo chí bây giờ không còn đơn thuần là “news” mà phải là báo chí diễn giải, phân tích, bình luận... nếu muốn tồn tại và có bạn đọc với công thức mới là “5I” kiểu báo chí trí tuệ. Ông có đồng tình với quan điểm này?

- Theo tôi, có thể người dịch chưa thể hiện hết ý tứ của tác giả. Bằng kinh nghiệm làm báo qua các thời kỳ, tôi nghĩ rằng dù ở phương thức, loại hình truyền thông thô sơ ban đầu như những ngọn đuốc lửa báo tin trên tường thành, đến hoạt động truyền thông hiện đại như ngày nay, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí thì vẫn phải bảo đảm công thức kinh điển 5W và sau này bổ sung thêm 1H.

Tuy vậy, càng ngày độc giả càng yêu cầu một bản tin ngắn, hay một bài báo dài phải có “công thức” 5I (Informed - thông tin; Intelligent - trí tuệ; Interesting - thú vị; Insightful - thấu hiểu; Interpretive - diễn giải). Có thể coi nó là yếu tố H trong hình thức 5W+1H.

Ở loại hình báo giấy, công thức này thể hiện rõ nét trên thể loại phóng sự, bình luận... Nhưng với loại hình báo điện tử hiện nay với ưu thế nhanh, ít phân loại, không kén chọn người đọc... tôi lại thấy bất bình với cách làm báo hóng hớt, cóp nhặt, gán ghép thông tin trên internet, không dẫn nguồn, chạy theo thị hiếu thấp kém của một nhóm độc giả, ngày càng trở nên nhiều hơn. Và kết quả, tên tuổi “người tường trình” ngày càng mờ nhạt như chiếc bóng trên tường.

Hơn 20 năm làm việc ở Văn phòng miền Trung, tôi quan sát thấy có rất nhiều phóng viên gần như kết thúc việc học sau khi rời giảng đường đại học. Và họ gần như không thể kể một câu chuyện hay chứ chưa nói đến 5I như quan điểm của giáo sư Mitchell Stephens. Nhưng cũng có rất nhiều tấm gương về sự tự học để vươn lên, để thay đổi mình, mà ông là một trong những ví dụ. Ông có thể kể về động cơ của việc tự học và những thành quả của việc tự học đối với mình trong nghề báo?

- Điều đó đúng và đáng lo ngại vì trên internet, phần lớn chỉ có những thông tin phổ quát; ít có kiến thức sâu như trong sách (hoặc loại sách điện tử bán trên internet) và hoặc kiến thức được cập nhật từ những người thầy. Riêng tôi, tiếng Anh là việc học tôi quan tâm đầu tiên, để vượt qua rào cản ngôn ngữ với người nước ngoài; sau đó là luật để hỗ trợ kiến thức cho nghề và sau cùng là đọc sách... Nhờ vậy, suốt 30 năm làm báo, tôi chưa từng bị độc giả kiện cáo, phàn nàn lần nào đáng kể...

Cho đến hôm nay, ngày nghỉ ngơi đã cận kề, tôi vẫn hay nghĩ đến câu thành ngữ “Tận nhân lực, tri thiên mệnh” - Cố hết sức mới biết trời đất (cuộc đời) cho mình cái gì! Tôi hy vọng đội ngũ phóng viên thế hệ sau tôi cũng chịu khó thu xếp, tận dụng thời gian học tập, bổ sung thêm nhiều kiến thức, thì mới nâng tầm của mình, như cách anh Nguyễn Đắc Xuân - Trưởng Văn phòng miền Trung-Tây Nguyên đầu tiên - hay nhắc nhở: Nhà báo, anh là một ký giả, chứ không phải người đưa tin.

Hoàng Văn Minh thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Hình ảnh phóng viên Báo Lao Động tại các điểm nóng dịch COVID-19

Nhóm Phóng viên |

Là phóng viên, chúng tôi luôn sẵn sàng và quen với những tình huống bất ngờ như thiên tai, dịch, họa… Và với dịch COVID-19 kéo dài 2 năm nay, chúng tôi - những phóng viên Báo Lao Động luôn trong tâm thế sẵn sàng lao vào "tâm bão" để phụng sự bạn đọc.

Ứng dụng công nghệ tại Báo Lao Động: Chủ động đón đầu, sẵn sàng vượt khó để chinh phục đỉnh cao

Nguyễn Tuấn Anh |

Chuyển đổi số phải phục vụ thực tế sản xuất, xuất bản và đổi mới liên tục của báo”; “Công nghệ phải đón đầu và theo kịp xu hướng phát triển của báo chí thế giới” - tinh thần chủ đạo của quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quy trình tác nghiệp, sản xuất và xuất bản nội dung tại Báo Lao Động.

Báo Lao Động tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu trong làng báo

Nhóm phóng viên |

Ngày 28.12, Báo Lao Động tổ chức hội nghị viên chức, người lao động năm 2021. Ông Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Vũ Mạnh Tiêm – Phó trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tham dự hội nghị.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Hình ảnh phóng viên Báo Lao Động tại các điểm nóng dịch COVID-19

Nhóm Phóng viên |

Là phóng viên, chúng tôi luôn sẵn sàng và quen với những tình huống bất ngờ như thiên tai, dịch, họa… Và với dịch COVID-19 kéo dài 2 năm nay, chúng tôi - những phóng viên Báo Lao Động luôn trong tâm thế sẵn sàng lao vào "tâm bão" để phụng sự bạn đọc.

Ứng dụng công nghệ tại Báo Lao Động: Chủ động đón đầu, sẵn sàng vượt khó để chinh phục đỉnh cao

Nguyễn Tuấn Anh |

Chuyển đổi số phải phục vụ thực tế sản xuất, xuất bản và đổi mới liên tục của báo”; “Công nghệ phải đón đầu và theo kịp xu hướng phát triển của báo chí thế giới” - tinh thần chủ đạo của quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quy trình tác nghiệp, sản xuất và xuất bản nội dung tại Báo Lao Động.

Báo Lao Động tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu trong làng báo

Nhóm phóng viên |

Ngày 28.12, Báo Lao Động tổ chức hội nghị viên chức, người lao động năm 2021. Ông Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Vũ Mạnh Tiêm – Phó trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tham dự hội nghị.