Vất vả, nguy hiểm nhưng đổ bê tông vẫn là nghề mưu sinh của nhiều phụ nữ thôn quê - như bà Nguyễn Thị Từ và những người phụ nữ ở xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội)...
Nguy hiểm, vất vả
22h mỗi ngày là thời điểm mỗi gia đình đang nghỉ ngơi, chìm vào giấc ngủ sau một ngày lao động và làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, với nhiều chị em phụ nữ xã Tam Hưng (Thanh Oai) thì đây là lúc họ rời khỏi nhà đi làm thêm, kiếm những đồng tiền quý giá để trang trải cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Từ (Thanh Oai – Hà Nội) - người đứng đầu mối nhóm chuyên đổ bê tông tươi cho biết: “Nhóm của tôi có khoảng từ 7-15 người chuyên đi đổ bê tông. Riêng nghề này không đòi hỏi người làm phải có trình độ kỹ thuật cao, nhưng cần có sức khỏe tốt. Công việc không những rất vất vả, mà còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, thường xuyên phải bê vác nặng nhọc trong đêm tối trên những tòa nhà cao tầng. Công việc chỉ mang tính thời vụ nên không có chế độ bảo hiểm cho người lao động”.
Cũng theo bà Từ, mỗi ca làm việc từ 3-5 tiếng cho thu nhập mỗi chị em từ 300 - 400 nghìn đồng, tiền được trả ngay sau khi làm nên nhiều chị em phụ nữ khác bất chấp vất vả nguy hiểm để làm nghề này.
Chị Nguyễn Thị Nhung, con gái bà Từ cũng có thâm niên làm đổ bê tông trong nhiều năm nay. Ngoài công việc lao động trên công trường, chị Nhung còn được chủ giao xe chở các tốp thợ đi làm ở các tỉnh với mong muốn cho chị em ở trong làng đi làm có thu nhập cao hơn, trang trải cuộc sống khi cái Tết đã cận kề.

"Công việc đổ bê tông này thực sự là vất vả, đội vác lên vai rất nặng nề. Vất vả là vậy nhưng thời gian cũng không cố định, bởi có lúc thì làm đêm, có lúc làm ngày và đặc biệt có những lúc làm cả ngày cả đêm vì trùng việc” - bà Lưu Thị Huệ (xã Tam Hưng, Thanh Oai) tâm sự.
Những mất mát
Đau thương, mất mát là những gì bà Nguyễn Thị Từ đã từng phải trải qua. Theo chia sẻ, bà đã mất đi một người con gái thứ 2 trong một vụ sập sàn bê tông tại Hà Nội. Vụ tai nạn ấy đã để lại một đứa cháu ngoại 7 tuổi ở với ông bà nội và bố. Sau những tháng ngày bàng hoàng ấy, bà nguôi ngoai dần sự việc và lại tất tưởi lam lũ, tất cả vì “miếng cơm manh áo”.

Cùng cảnh éo le như bà Từ, 4 năm trước, chị Tào Thị Lan (xã Tam Hưng, Thanh Oai) cũng đã mất chồng trong một vụ sập sàn bê tông, chồng mất đi chị một mình gồng gánh nuôi con, chị không ngờ được rằng cái nghề vợ chồng chị làm thêm lại cướp đi người chồng, người cha, người lao động chính của gia đình. Bàng hoàng đau xót với nỗi đau đấy, chị bỏ luôn nghề đổ bê tông vì quá "hãi".
Chung nỗi niềm, chị Nguyễn Thị Thủy, cũng suýt mất mạng trong một vụ tai nạn ở công trường, tai nạn khiến chân của chị thương tật vĩnh viễn, giờ đây chị Thủy không thể làm được công việc nặng nhọc nữa, đến thời điểm hiện tại chị chuyển sang nghề thu mua phế liệu.