Hai lần "trốn vợ" để đi cứu hộ
Sáng 12.10, những ngư dân tham gia ứng cứu người gặp nạn trên tàu Vietship 01 có mặt tại trụ sở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Tại đây, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo UBND huyện Gio Linh đã có những bó hoa, phần quà và lời cảm ơn gửi đến các ngư dân.
Trong số những ngư dân được tuyên dương, anh Nguyễn Hoài Minh (SN 1978, trú tại Phú Hội, Triệu Phong, Quảng Trị) là người 2 lần ra biển tham gia ứng cứu. Lần 1, sóng dữ dội, mất không ít thời gian, anh Minh cùng các ngư dân trên tàu cá mới ra khỏi bờ. Chiếc tàu chồm lên khi sóng đến, rồi bất ngờ chúi xuống khi qua khỏi đợt sóng. Nỗ lực lắm, chiếc tàu cũng dần tiến đến vị trí tàu gặp nạn, thì sợi dây nối từ tàu cá vào đất liền bị ngắn, không tiến ra được nữa. “Mọi người bất lực, vì dây quá ngắn, nên phải vào lại bờ” - anh Minh kể.
Vào sáng ngày hôm sau (10.10), 1 chiếc tàu cá cùng 4 ngư dân lại ra biển. Nhưng khi đến gần tàu gặp nạn, thì tàu cá bị lật, 1 ngư dân bơi được vào, còn 3 người bơi đến tàu gặp nạn và bám víu ở phần mũi tàu. Nghe tin có thêm 3 ngư dân kẹt lại trên tàu gặp nạn, anh Minh lập tức có mặt ở khu vực cứu hộ. Khi thấy 1 chiếc tàu cá được đưa đến bờ biển, và cần có 2 ngư dân đi cùng tàu để ra cứu hộ, thì anh Minh tự nguyện đi cùng. Anh tiến tới chiếc tàu cá trong tiếng vỗ tay của hàng trăm người đang theo dõi công tác ứng cứu.
Với tay lấy chiếc áo phao, anh leo lên tàu để buộc phao cứu sinh, sắp xếp lại neo tàu, bỏ con dao ở vị trí thuận lợi… Lúc này, ngư dân Võ Văn Dũng (SN 1974, trú tại khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) cũng vừa leo lên tàu cá, tràng vỗ tay hoan hô của mọi người lại nổi lên.
Để ra biển, anh Dũng sẽ điều khiển tàu, anh Minh sẽ phụ trách đôi phao cứu sinh và neo, còn 1 người là thành viên của đội cứu nạn hàng hải sẽ dùng súng bắn dây qua tàu gặp nạn. Tàu chuẩn bị ra biển, ánh mắt 2 ngư dân nhìn chằm ra phía tàu gặp nạn. Sau lưng họ, còn có gia đình, nhưng họ không ngoái nhìn.
Khi được hỏi khi đó anh có nói với vợ là sẽ tiếp tục đi cứu hộ? Anh Minh trả lời, lần 1 đến khi trở vào vợ anh mới biết. Lần này anh cũng không nói gì, và thuyết phục vợ ở nhà giữ 2 đứa con nhỏ chứ không nên ra biển xem cứu hộ. “Nếu vợ biết, thì sẽ bị ngăn cản. Nên tốt nhất là cứ trốn đi” – anh Minh nói khi vừa bước lên tàu cá.
“Họ cần thì phải ra cứu thôi”
Càng về chiều ngày 10.10, gió mạnh hơn, sóng cao hơn, đồng nghĩa sự sống của những người ở trên tàu Vietship 01 càng bị đe dọa. Vì vậy, anh Dũng ra hiệu đẩy nhanh tàu cá ra biển. Ra cách bờ khoảng 300m, tàu không nhích lên được mà bị cuốn đi, mọi người tưởng chân vịt bị gãy, nên định ra hiệu kéo tàu vào. Nhưng khi kiểm tra lại, chân vịt còn đẩy tốt, nên anh Dũng gắng thẳng mũi tàu rồi tiếp tục vượt sóng.
Khi cách tàu gặp nạn tầm 7-15m, anh Minh đôi neo xuống biển, chiếc tàu cá khựng lại, rồi chồm lên khiến 2 ngư dân bị hất xuống biển. Anh Minh bám được vào mạn tàu, còn anh Dũng rơi cách tàu khoảng 15m. “Tôi bị sóng đánh, phải lặn xuống sâu, khi ngoi lên lại gặp đợt sóng, cứ tưởng tàu chìm. Hết đợt sóng thì thấy tàu còn, nên bơi đến và trèo lên. Lúc đó, nước ở trong tàu khá nhiều” – anh Dũng kể.
Mất tầm 5 phút để ổn định tâm lý, anh Dũng tiếp tục cầm lái, còn anh Minh đôi phao cứu hộ lên tàu gặp nạn. Phao đôi qua được tàu gặp nạn, nhưng ở vị trí dưới cần cẩu, nên phải cắt dây để đôi phao khác. Lần đôi phao sau, 2 người trên tàu Vietship 01 tên Sanh và Đức nắm được, và lần lượt níu phao bơi về phía tàu cá. Cứu được 2 người, nhưng nước ở tàu cá quá nhiều, nên phải cắt neo để quay trở vào bờ. Đường ra khó, đường vào cũng rất nguy hiểm khi dễ bị sóng đẩy đến kè đá. Nhưng nhờ thông thạo luồng lạch ở nơi này, nên anh Dũng chèo chống được tàu vào cách bờ khoảng 100 mét thì được các lực lượng và người dân kéo vào.
Ngoài anh Dũng và anh Minh, còn có nhiều ngư dân khác đã dũng cảm theo tàu cá ra cứu hộ tàu gặp nạn. Gặp họ lúc chuẩn bị theo tàu ra biển, ánh mắt ai cũng nhìn về phía tàu gặp nạn đầy âu lo. Một câu hỏi được tôi lặp lại nhiều lần với các ngư dân tham gia công tác cứu hộ, là: Trước khi lên tàu ra biển, anh nghĩ đến điều gì? Câu trả lời nhận được luôn là: Không biết nghĩ gì, họ cần thì phải ra cứu thôi.
Sau nhiều nỗ lực của các lực lượng cứu hộ nhưng không thành công, vào sáng 11.10, trực thăng của Binh đoàn 18 – Bộ Quốc phòng và lực lượng đặc công nước của Lữ đoàn 126 đã vào cuộc và cứu thành công 8 người trên tàu Vietship 01. Riêng 1 thuyền viên trên tàu Vietship 01 tên Chiến (quê Hà Tĩnh) trong lúc di chuyển từ đuôi tàu đến mũi tàu đã bị sóng cuốn mất tích vào chiều tối 10.10. Đến ngày 11.10, thi thể của anh Chiến dạt vào bờ, hiện đã đưa về quê an táng.