Tính tới ngày hôm nay (5.6), tỉnh Điện Biên đã ghi nhận được 14 người mắc bệnh than với 3 ổ dịch tại cùng một địa bàn. Công tác khoanh vùng và dập dịch đang được triển khai gấp rút tại đây.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cũng đang lo ngại về virus này. Bởi theo BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh than do trực khuẩn gram dương (tên khoa học là Bacillus anthracis) gây bệnh ở động vật. Đặc biệt là các loại động vật ăn cỏ như trâu, bò…, virus này sống được trong môi trường như đất, nước vì nó ở dạng bào tử và sống lâu được trong môi trường khắc nghiệt. Những người tiếp xúc với trâu bò, thú y, giết mổ trâu bò rất dễ nhiễm bệnh.
Thời gian ủ bệnh của bệnh than từ vài giờ cho tới 1 tuần, thường trong vòng 48 giờ sau khi nhiễm virus, bệnh nhân sẽ xuất hiện bệnh. Triệu chứng thường gặp là sốt, ho, khó thở, tiêu hoá đau bụng, ói, chướng bụng, tiêu chảy, ảnh hưởng đến các cơ quan như gan, thận… và làm nhiễm trùng huyết, gây suy đa cơ quan.
Cũng theo bác sĩ Tiến, bệnh than lây qua những con đường như hô hấp, giọt bắn chứa virus, đường máu, tiếp xúc những bề mặt chứa vi khuẩn lây nhiễm… Khi người bệnh nhiễm virus than có thể gặp biến chứng nặng nề, tỉ lệ tử vong dao động từ 25-60%. Chính những yếu tố này khiến bệnh than được xếp vào bệnh dễ lây lan, tử vong cao.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là tình hình biến đổi khí hậu, cộng với việc kiểm soát các lò giết mổ khó nên khi phát hiện có ổ dịch, việc cần làm khẩn cấp là khoanh vùng và điều trị dứt điểm.
Hiện nay, bệnh than có điều chế vaccine phòng ngừa nhưng không phổ biến, vì thế thuốc điều trị bệnh than khá hiếm. Nếu bệnh nhân được điều trị trong khoảng từ 7-14 ngày, sức khoẻ sẽ ổn định.
Các bệnh viện phía Nam hiện nay đang tăng cường công tác sàng lọc ban đầu. Trong trường hợp phát hiện những bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn, bệnh nhân sẽ được phết họng dịch tràn, làm xét nghiệm máu, hút dịch phế quản… nhằm tìm nguyên nhân gây ra triệu chứng nghi ngờ.
“Chúng ta phải có chiến lược nhận biết sớm, có khu cách ly riêng, điều trị tích cực, có báo cáo cho ngành y tế phòng dịch sớm nhằm truy vết tác nhân nguồn gây bệnh, tránh lây lan cộng đồng”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.