Hàng loạt con số thống kê tình trạng trẻ em từ thành thị đến nông thôn tử vong do đuối nước hằng năm đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy bơi lội, anh Phạm Quang Nghĩa (SN 1994, huấn luyện viên dạy bơi tại Hà Nội) cho biết, mùa hè đến, nhiều gia đình thường có tâm lý cho trẻ con đi bơi giải nhiệt, tắm biển.
Theo anh Nghĩa, trong bộ môn bơi lội có rất nhiều kỹ năng như thở, kỹ năng chân, kỹ năng tay, kỹ năng kết hợp di chuyển của cơ thể cũng như là kỹ năng nổi. Ngoài ra, còn có một số kỹ năng khác như kỹ năng an toàn nước, kỹ năng đứng nước, kỹ năng xoay chuyển, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng cứu đuối và kỹ năng sơ cấp cứu.
"Để hạn chế những rủi ro gặp phải khi không may bơi vào vùng nước sâu, nước xoáy, vùng nguy hiểm..., điều đầu tiên người đang bơi cần phải hết sức bình tĩnh, hít một hơi thật sâu sau đó cảm nhận và xuôi theo dòng nước để tìm cách thoát ra.
Rất nhiều trường hợp khi rơi vào vùng nước sâu, nước xoáy nguy hiểm, do người bơi hoảng loạn và bị mất bình tĩnh, cố gắng vùng vẫy thoát khỏi vùng nước đó nên bị mất sức, bị sặc và thậm chí dẫn đến đuối nước" - anh Nghĩa nói.
Nhằm hạn chế những rủi ro trong trường hợp muốn cứu người đang bị đuối nước, anh Phạm Quang Nghĩa cho rằng, nếu người muốn cứu không có đủ khả năng, kỹ năng thì nên tìm cách liên lạc với những người xung quanh để kịp thời đến hỗ trợ. Họ có thể dùng những vật dụng dễ nổi như gậy, phao... để tiếp xúc với người đang bị đuối nước một cách gián tiếp để đảm bảo an toàn.
Đề cập đến nội dung này, ông Tony Coffey - Phụ trách chuyên môn sơ cấp cứu cho vùng nội thành, vùng biển và hai bệnh viện lớn tại Sydney (Australia) - chia sẻ với Lao Động, đối với những trường hợp không may bơi vào vùng sâu, nước xoáy, vùng nguy hiểm, sự hoảng loạn có thể khiến người gặp nạn bị chết đuối.
Ông Tony Coffey phân tích, sóng và sự di chuyển của dòng chảy sẽ tạo nên vùng nước xoáy, vùng nguy hiểm. Thông thường, những người bơi không giỏi sẽ thường nhìn dòng nước và nhanh chóng phán đoán, quyết định bơi vào vùng có ít sóng hơn. Những vùng ít sóng này trông có vẻ an toàn nhưng thực tế lại là nơi dòng nước nguy hiểm đang di chuyển trở lại biển (vùng nước xoáy).
Khi gặp tình huống nêu trên, chuyên gia cho rằng người bơi đừng cố gắng bơi ngược lại dòng chảy, thay vào đó nên bơi ngang hoặc song song với dòng chảy, tìm cách bơi đến nơi có sóng để chúng đẩy ngược mình vào bờ biển.
Để giảm rủi ro, cô lập mối nguy hiểm, trong mùa hè, phụ huynh không nên để trẻ bơi một mình (dù đã biết bơi), nên để ý các biển cảnh báo an toàn, chỉ nên cho trẻ bơi ở những bãi biển có nhân viên cứu hộ để tránh nguy hiểm rình rập.
Theo chuyên gia, nếu thấy bản thân đang gặp vấn đề dưới nước như bị chìm, chuột rút, sắp đuối nước... ngay lập tức người đang bơi phải bình tĩnh ngửa ra để thả nổi cơ thể trên mặt nước, sau đó mới tìm cách gọi trợ giúp, sử dụng tay và chân để di chuyển đến nơi an toàn.
Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỉ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương, biển… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.
Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 - 14 tuổi.