Chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới vừa được Bộ Giáo dục và đào tạo công bố mới đây, trong 5 bộ sách, chỉ có duy nhất một bộ sách có đầy đủ sách ở tất cả các môn học, đó là bộ SGK Cánh Diều là sản phẩm hợp tác giữa 3 đơn vị được xã hội hóa. Việc học sinh dùng các bộ sách chưa đầy đủ sách ở tất cả các môn học có ảnh hưởng đến chương trình học hay không?
Mỗi cuốn sách có triết lý giáo dục riêng
Tại buổi công bố SGK lớp 1 mới vừa diễn ra, đại diện Bộ Giáo dục và Đào Tạo, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học khẳng định: “Việc lựa chọn các cuốn sách được thực hiện theo từng môn chứ không bắt buộc phải lựa chọn theo từng bộ”. Như vậy, có thể hiểu hoàn toàn tự do lựa chọn trong 5 bộ sách (4 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam), mỗi bộ một hoặc nhiều hơn một môn học để ghép lại thành một bộ sách hoàn chỉnh mà bản quyền tổng thể không thuộc bất cứ một đơn vị nào. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Lao Động, các chuyên gia khẳng định, dù các cuốn sách được viết theo một cấu trúc khung quy định với các mục tiêu yêu cầu cụ thể giống nhau, song cách thức thể hiện lại có sự khác biệt ở triết lý giáo dục.
Theo GS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán lớp 1, sự khác biệt thể hiện ở triết lý giáo dục, cách thức trình bày, việc sắp xếp trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho người học. Sự thể hiện yêu cầu tích hợp và phân hóa, việc tạo cơ hội cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và cách thức đánh giá... trong mỗi bản thảo SGK môn Toán lớp 1 cũng khác nhau. Điều đó tạo nên sắc thái riêng của mỗi bản SGK.
Còn PGS Đào Đức Doãn - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức lớp 1 - cho biết, 6 bản mẫu sách môn này đều có những sáng tạo và nét độc đáo riêng bởi các tác giả mỗi người có cá tính, quan điểm, cách thể hiện riêng. Sự khác biệt của các bộ SGK là điều tất yếu khi bản thân chương trình giáo dục phổ thông mới có tính mở, trao quyền chủ động sáng tạo trong cách diễn giải vấn đề, cách sử dụng ngữ liệu, phương pháp sư phạm cho tác giả SGK.
Nguy cơ chắp vá vì không có tính liên kết
Với những triết lý giáo dục, phương pháp sư phạm khác biệt, nếu trong trường hợp sử dụng cùng lúc các cuốn sách của mỗi môn học từ nhiều bộ sách khác nhau có gây cản trở cho việc dạy và học của học sinh hay không?
Đại diện một trong 3 đơn vị liên kết để đưa ra bộ sách đầy đủ duy nhất (9/9 cuốn sách cho 8 bộ môn), Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty VEPIC thừa nhận: Việc các bộ sách thiếu và phải lấy từ bộ khác để dạy đúng là một sự chắp vá, thiếu tính xuyên suốt theo cấu trúc. Mặc dù chương trình là như vậy, nhưng chương trình là pháp luật, sách chỉ là tài liệu, giáo viên dù có sự sáng tạo, soạn bài thì cũng phải theo nội dung trong sách, sự liên kết sẽ lỏng lẻo nếu các môn học không được thiết kế đồng bộ với nhau. Sách hay là do tác giả tốt, tác giả là linh hồn của sách giáo khoa và sách giáo khoa là linh hồn của nhà trường. Nhà trường không biết được linh hồn của mình thì làm sao có thể giảng dạy hiệu quả.
“Về chương trình bài bản thì không ảnh hưởng nhưng tính liên tục, liền mạch sẽ không đảm bảo. Đặc biệt, khi thiết kế chương trình một bộ sách giáo khoa thì phải có tính tích hợp, liên kết bài học giữa các môn học với nhau nếu cùng do một hội đồng có các tổng chủ biên mỗi môn học cùng ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc để xem mối liên kết giữa môn tiếng Việt với môn Toán ra sao... Như thế mới gọi là nguyên bộ. Việc tách ra lấy chỗ này chỗ kia ghép vào thì cũng được vì theo chương trình khung nhưng rõ ràng với kinh nghiệm của một thầy giáo tôi cho rằng nội dung sẽ không hay bằng”, ông Ái nói.
* Bộ SGK Cánh Diều là bộ SGK duy nhất có đầy đủ 9/9 cuốn sách ở 8 môn học lớp 1 và sách của môn Giáo dục thể chất lớp 1 là cuốn duy chất không bộ sách nào có. Bộ SGK Cánh Diều là sản phẩm hợp tác giữa 3 đơn vị: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).
* 11 cuốn sách bị loại là của ai? Trong số 49 bản thảo được các NXB gửi tới Bộ GDĐT để Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá, có 11 cuốn bị loại song cho tới lúc này, thông tin 11 cuốn sách bị loại ấy là của NXB nào vẫn chưa được công khai. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Thanh Hà - Giám đốc NXB Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi trình lên 9 cuốn không bị đánh trượt cuốn nào”.