Chung tay khắc phục hậu quả bão số 10: Sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất

NHÓM PV |

Ngay khi gió bão vừa giảm bớt, các lực lượng chức năng và người dân các tỉnh ven biển miền Trung nơi bão số 10 đi qua đã bắt tay khắc phục hậu quả, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, để trẻ em được trở lại trường trong buổi học đầu tuần sau bão.

Chạy đua với thời gian

Từ sáng sớm 17.9, các đơn vị vũ trang, đoàn thanh niên, đoàn viên CĐ, các đoàn thể và người dân tiếp tục chạy đua với thời gian, khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10. Các đơn vị quân đội, công an giúp dân dựng lại các căn nhà bị đổ sập, lợp lại mái ngói các trường học, nhà dân, dọn vệ sinh môi trường.

Trong thời tiết nắng gắt, các công nhân điện lực vẫn trằn mình nối dây, lắp ống sứ, dựng cột điện… để có thể đóng điện trong thời gian sớm nhất.

Chiều cùng ngày, ông Phan Đắc Hùng - Phó GĐ Cty Điện lực Hà Tĩnh - cho biết, bão số 10 gây thiệt hại rất nặng đối với ngành điện lực Hà Tĩnh. Sau bão, có 5/13 huyện, thị xã, thành phố mất điện. Nhờ tập trung 100% nhân lực, có thêm sự hỗ trợ của một số Cty truyền tải điện lân cận cùng ra quân khôi phục nên đến nay chỉ còn huyện Kỳ Anh đang mất điện 100%, còn thị xã Kỳ Anh đã có điện ở trung tâm hành chính, bệnh viện, huyện ủy; huyện Cẩm Xuyên có 70% người dân đã có điện.

Cũng theo ông Hùng, Điện lực Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực tối đa để khôi phục điện sớm nhất có thể. Riêng thị xã Kỳ Anh, trong ngày 17.9, đã huy động hơn 600 cán bộ, công nhân tiến hành sửa chữa, khôi phục đường điện.

“Mất điện, cuộc sống người dân rất vất vả, sản xuất không thể khôi phục, nên chúng tôi tập trung chỉ đạo để có điện sớm nhất. Nhiệm vụ cần kíp nữa là cứu trợ các hộ dân gặp khó khăn, và làm sao để các em có thể đến trường trong buổi học đầu tuần sau bão” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết.

Trong công điện ngày 16.9, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trần Trung Dũng yêu cầu các trường tổ chức dạy học bình thường kể từ thứ 2, ngày 18.9; tuyệt đối không để học sinh bỏ học. Trong hai ngày 16 - 17.9, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều huy động lực lượng dọn vệ sinh, kịp thời tu bổ, khắc phục những thiệt hại, mất mát để sáng thứ 2 (18.9), có thể đón các em trở lại trường. Những trường bị thiệt hại nặng được các tổ chức đoàn thể, các lực lượng vũ trang trợ giúp.

Tàu thuyền ở tỉnh Quảng Trị chuẩn bị ra khơi sau bão. Ảnh: Hưng Thơ
Tàu thuyền ở tỉnh Quảng Trị chuẩn bị ra khơi sau bão. Ảnh: Hưng Thơ

Theo Phó Chủ tịch Dương Tất Thắng, con số thiệt hại chưa tính toán cụ thể được, nhưng chắc chắn rất lớn. Bên cạnh các giải pháp như giúp đỡ các hộ dân già cả, neo đơn, gia đình chính sách bị thiệt hại, bảo đảm vệ sinh môi trường, khôi phục hệ thống giáo dục, y tế, giao thông liên lạc tại các vùng bão đi qua, cơ quan chức năng còn có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tự ý nâng giá một số mặt hàng thiết yếu do nhu cầu tăng đột biến như gạch ngói, xi măng, tấm lợp.

Chị Nguyễn Thị Tài (30 tuổi, thôn Hưng Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cho biết, bão phá hỏng gần như hoàn toàn mái nhà của gia đình, khiến chị phải mua hết 150 tấm ngói phibro ximăng để lợp lại. Giá mỗi tấm tăng 12.000đ; từ 53.000đ/tấm lên 65.000đ/tấm.

Ngư dân tiếp tục ra khơi

Vĩnh Linh (Quảng Trị) là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tỉnh Quảng Trị do cơn bão số 10 gây ra, tổng thiệt hại ban đầu gần 390 tỉ đồng. Toàn huyện có 4 người bị thương, gần 1.230 nhà bán kiên cố bị hư hại từ 30 - 50% và dưới 30%, 13 phòng học bị tốc mái, nhiều công trình văn hóa và trang thiết bị tại công trình văn hóa bị hư hỏng...

Sau bão, lực lượng đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Quảng Trị và Công an huyện Vĩnh Linh đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn để giải phóng các tuyến đường, dọn dẹp vệ sinh ở các khu dân cư, hỗ trợ người dân gặt lúa sau bão. Chỉ trong thời gian ngắn nhiều tuyến đường giao thông huyện Vĩnh Linh được khơi thông, hơn 30 nhà dân được sửa chữa, phục dựng 1.800 gốc hồ tiêu.

Công an Cam Lộ, Công an Quảng Trị cũng cùng người dân Cam Lộ dựng lại nhà, dọn dẹp cây cối gãy đổ sau bão.

Chủ tịch LĐLĐ Quảng Bình Nguyễn Lương Bình trao hỗ trợ cho NLĐ khó khăn tại Cty Việt Trung ngay sau khi bão số 10 xảy ra. Ảnh: Lê Phi Long
Chủ tịch LĐLĐ Quảng Bình Nguyễn Lương Bình trao hỗ trợ cho NLĐ khó khăn tại Cty Việt Trung ngay sau khi bão số 10 xảy ra. Ảnh: Lê Phi Long

Các vùng biển của tỉnh Quảng Trị là nơi bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 10. Ông Đào Văn Kì (50 tuổi, chủ quán Hiếu Giang tại bãi tắm Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, bão vừa tan ông huy động gia đình về sửa sang, che lợp lại, đến sáng nay đã bắt đầu sắp xếp bàn ghế chuẩn bị đón khách về biển.

Không chỉ các hàng quán đã bắt đầu đón khách trở lại, mà ở các cảng cá không khí cũng ấm dần lên. Sau thời gian tránh bão, biển lặng nên ngư dân hối hả kéo thuyền ghe xuống bãi chuẩn bị cho chuyến ra biển. Theo kinh nghiệm của ngư dân, cứ sau bão biển sẽ lặng, dễ trúng nhiều loại hải sản giá trị, nên ngư dân nào cũng nóng lòng ra khơi.

Ông Hồ Văn Vịnh (45 tuổi, ngư dân thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, bão vừa tan thì ông sửa soạn ngư lưới cụ, kéo thuyền ra khơi đánh cách bờ khoảng 2 hải lý để bắt tôm, ghẹ. Ông Vịnh phấn khởi vì chỉ ra khơi một lúc đã thu được 1 triệu đồng.

Tương tự, các tàu thuyền đánh bắt hải sản lớn nhỏ từ 10CV cho đến 800CV của ngư dân tránh trú bão tại âu thuyền Cửa Việt (xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) trong sáng 17.9 đã nhổ neo ra khơi.

Tại cảng cá Cửa Việt, những tàu 400 - 800CV đang chất từng khối nước đá vào khoang đông lạnh, mua thêm dầu chuẩn bị ra khơi đánh bắt xa bờ. Trong ngày 16.9, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã bỏ lệnh cấm biển.

Ngư dân Lê Văn Phúc (thị xã Hoàng Mai) cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng, có lệnh của tỉnh cho phép sẽ ra khơi để khai thác hải sản. Đây là mùa làm ăn, hải sản dồi dào, tiêu thụ rất tốt”.

Thiệt hại do bão số 10 và công tác khắc phục

Theo Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống thiên tai, tính đến nay, bão số 10 đã khiến 9 người chết và làm 112 người bị thương. Bão số 10 đã khiến 1.185 nhà bị sập; 1 cột truyền hình bị đổ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; 1.559 cột điện hạ thế bị gãy đổ, khiến 528.481 hộ dân bị mất điện; đánh đắm và cuốn trôi 7 tàu cá công suất trên 20CV; xảy ra 29 sự cố đê điều; 4.473ha lúa và 8.277ha hoa màu bị ngập; 16.239ha cây trồng lâu năm bị gãy đổ, giảm năng suất; 10 đập thủy lợi loại nhỏ bị sạt lở, hư hỏng; 16.108ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Hiện tình hình ngập lụt tại các tỉnh miền trung bị ảnh hưởng của bão số 10 đã cơ bản chấm dứt; Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam đã thông tuyến sáng ngày 16.9.  Khánh Vũ

Bão vừa dứt, các tấm lòng hảo tâm từ nhiều nơi trên địa bàn cả nước đã về với người dân vùng tâm bão.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh - cho biết: “Chúng tôi rất cảm động khi món quà đầu tiên gửi tặng nhân dân vùng bão Hà Tĩnh đến từ nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
Chiều 16.9, tại Uỷ ban MTTQ tỉnh, ông Phan Xuân Biên - Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TPHCM - đã trao số tiền 150 triệu đồng của nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang ủng hộ người dân Hà Tĩnh bị thiệt hại do mưa bão.
Ông Phan Xuân Biên còn trao số tiền 50 triệu đồng của Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TPHCM ủng hộ người dân quê nhà.

Ngày 17.9, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cùng đoàn cũng đến thăm hỏi, tặng quà cho bà Tô Thị Lan - hộ nghèo ở thôn Hà Ân, xã Thạch châu (Lộc Hà) bị bão làm sập nhà. Tại đây, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Trần Văn Sơn đã quyết định trích quỹ của lực lượng Quân sự tỉnh hỗ trợ gia đình lại căn nhà mới trị giá khoảng 50 triệu đồng.
Sáng 17.9, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn đến trao quà cho bà con bị thiệt hại bởi cơn bão số 10 tại huyện Kỳ Anh và TX. Kỳ Anh, gồm 25 suất quà, mỗi suất 2 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã trực tiếp trao quà cho bà con bị thiệt hại.

Tại Quảng Bình, đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh (PDRT) xuống địa bàn cứu trợ bước đầu cho người dân những vùng bị cô lập và thiếu lương thực, thực phẩm; xuất quỹ Nhân đạo hỗ trợ người chết và bị thương, mua mì tôm, nước uống kịp thời hỗ trợ bà con những vùng trọng yếu. Hội Chữ Thập đỏ tỉnh hỗ trợ 30 thùng hàng gia đình, 3 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cứu trợ cho bà con một số xã thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Ba Đồn...

Mọi sự giúp đỡ các hoạt động thiện nguyện xin gửi về địa chỉ: Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232748. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động, STK: 113000000758 tại Vietinbank chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội;

Ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 129000015204; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank - chi nhánh Hà Nội, STK: 0021000303088.Ủng hộ miễn phí tại BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm, STK 12410001122556.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

Những phong tục đón Tết Âm lịch độc đáo trên thế giới

Quỳnh Nga |

Nhiều quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Mông Cổ, Singapore, Trung Quốc… cũng đón Tết Âm lịch như Việt Nam, có nhiều phong tục đặc sắc.