Những vấn đề nóng đang thách thức Hà Nội: Chung cư, cao ốc “bóp nghẹt” hạ tầng giao thông

Phạm Đông - Tùng Giang |

Thời gian gần đây, đường Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, phố Tố Hữu... tại Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Đặc biệt, sau mỗi trận mưa, như cơn mưa chiều tối 22.9 vừa qua, cả Hà Nội như kẹt cứng. Các chuyên gia giao thông cho rằng, bất cập trong quy hoạch các chung cư cao tầng (mật độ quá dày đặc trên một tuyến phố) lẫn quy hoạch giao thông là thủ phạm chính gây ùn tắc.

Quá nhiều chung cư trên nhiều tuyến đường

Trục đường Lê Văn Lương và Tố Hữu đi qua địa phận các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Tổng chiều dài khoảng 7.5km, bắt đầu từ điểm giao cắt Ngã tư Láng - Láng Hạ - Lê Văn Lương, tới điểm cuối là ngã tư Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Yên Lộ. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc mỗi khi Hà Nội có mưa hoặc vào giờ cao điểm trong ngày. Số lượng “xế hộp” cũng xuất hiện dày đặc hơn ngày thường khiến các phương tiện đều phải di chuyển chậm, nhích từng chút một.

Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đoàn (sinh năm 1974, sống tại chung cư HH2 Bắc Hà - 15 Tố Hữu) cho biết, vào chiều qua (22.9) trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu do có mưa lớn đã khiến tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng. Theo ông Đoàn, thời gian từ 17h đến khoảng 20h đã khiến các phương tiện không thể di chuyển được. Đặc biệt, tại những nút giao, ngã ba, ngã tư các phương tiện gần như “chôn chân” tại chỗ.

Theo ông Đoàn, trong những năm qua, hàng loạt dự án chung cư cao tầng không ngừng mọc lên, “chen chúc” nhau dọc hai bên tuyến đường đang gây nên sự quá tải về hạ tầng, với các hiện tượng ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm… Do đó, nếu muốn hạn chế tình trạng này, cần có sự quản lý chặt chẽ trong vấn đề quy hoạch đô thị. Ngoài ra, vào những giờ cao điểm, đặc biệt là khi thời tiết có mưa thì các lực lượng như CSGT, Thanh tra giao thông, Công an phường cũng cần được huy động tối đa để phân làn, phân luồng giao thông, từ đó giảm thiểu ùn tắc.

Ghi nhận của PV cho thấy, hiện nay trên tuyến đường Tố Hữu cũng đang phải gánh trên mình hàng chục dự án bất động sản với quy mô lớn san sát nhau như dự án: Bắc Hà C14, CT14, CT Trung Văn, Ecolife Capitol, The Light, The Pride, Roman Plaza... dự án khu đô thị mới Dương Nội, khu đô thị mới Vạn Phúc, Văn Khê, An Hưng… dẫn tới áp lực giao thông sẽ còn đè nặng lên tuyến đường này.

Đường dài 720m cõng khoảng 6.000 căn hộ chung cư

Nhiều năm nay, đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) trở thành điểm nóng về phát triển cao ốc chung cư tại Hà Nội. Dọc con đường dài vẻn vẹn 720m, rộng 21m (đoạn chưa được mở rộng chỉ khoảng 8m) nhưng “cõng” tới khoảng 6.000 căn hộ chung cư đã và đang mở bán… đã “bóp nghẹt” và biến trục đường Nguyễn Tuân trở thành “điểm đen” ùn tắc giao thông.

Ông Trần Quang Tuấn (trú tại số 24, đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung) phản ánh, cứ vào mỗi buổi sáng, bắt đầu từ 7h - 9h và chiều từ 16h30 - 20h trục đường Nguyễn Tuân thường xuyên tắc cứng.

Giải pháp nào để hạn chế ùn tắc?

Trao đổi với Lao Động, đại úy Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7 - cho biết, ngày hôm qua (22.9), Đội 7 là đơn vị xử lý xong tình trạng ùn tắc giao thông muộn nhất so với các đơn vị khác. Theo Đại úy Đức, chiều qua nhiều chiến sĩ cảnh sát mặc dù hết ca làm việc từ 18h nhưng vẫn được huy động ở lại để tăng cường phần luồng, giải tỏa ùn tắc giao thông đến gần 21h mới cơ bản hết ách tắc.

“Đơn vị đang phụ trách nhiều tuyến đường trên các quận như Thanh Xuân, Hà Đông và Nam Từ Liêm. Trong đó có 2 trục đường xuyên tâm song song với nhau là Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Trãi - Hà Đông. Do đó việc phân luồng cũng rất khó khăn khi không có tuyến đường khác để đi nên người dân chỉ có đi theo phần đường, làn đường và chấp hành nghiêm. Vào giờ cao điểm, các lực lượng chức năng phải căng mình chống ùn tắc bằng cách không để người dân mắc vào các đuôi ở ngã tư và hạn chế xe quay đầu” - Đại úy Đức cho hay.

Cũng theo Đội CSGT số 7, mặc dù đơn vị có đến hơn 80 cán bộ chiến sĩ nhưng do phải chia ra nhiều chốt, nhiều tổ tuần tra lưu động cho các tuyến đường nên mỗi điểm ngã tư cũng không thể có quá nhiều cán bộ chiến sĩ. Do đó, để hạn chế tình trạng ùn tắc, đơn vị cũng đang kiến nghị với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội rào bớt lại những điểm quay đầu xe, đặc biệt là trên tuyến đường Tố Hữu và Nguyễn Tuân. Đồng thời huy động tối đa lực lượng dù không đang trong ca làm việc đến các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc. Nói về nguyên nhân dẫn đến ùn tắc trên đường Nguyễn Tuân, đại úy Đức cho rằng, do tuyến đường này giáp với đường Nguyễn Trãi nên phải gánh nhiều các phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, nhiều vị trí tại đây có hình thắt nút cổ chai, nhiều trường học, chung cư cao tầng cũng dẫn tới áp lực giao thông...

* Trao đổi với Lao Động về giải pháp xử lý ùn tắc giao thông của Hà Nội, đặc biệt vào ngày mưa, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - chia sẻ, thực tế, cứ mưa xuống là các tuyến phố trong nội đô Hà Nội lại tắc đường nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân quan trọng cần tháo gỡ đó là hệ thống thoát nước, hệ thống cống rãnh, hạ tầng tại Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa được đầu tư hiệu quả. Một số tuyến đường, đặc biệt là những tuyến đường, phố mới như Tố Hữu, Lê Văn Lương... trong quá trình thi công đã xảy ra hiện tượng nhiều gạch ngói, vật liệu xây dựng rơi xuống đã bịt kín lối thông thoát, nên chỉ cần trời mưa xuống sẽ gây ra hiện tượng ngập lụt, cản trở dòng xe di chuyển trên đường phố.

Theo ông Thủy, khi trời đổ mưa, dòng nước không lối thoát sẽ làm cản trở tốc độ di chuyển, thậm chí có nhiều phương tiện phải dừng đỗ sẽ gây ra vấn đề ùn tắc giao thông. Mưa càng nhiều thì các tuyến phố bị ngập nước càng ùn tắc, càng căng thẳng hơn. Để giải quyết vấn đề này, trước hết, cần phải triển khai các biện pháp chống ngập nước khoa học và thực tế hơn. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề chống ngập nước, giao thông công cộng tốt, đường sá thông thoáng thì việc ùn tắc sẽ tự động giảm đi.

“Việc chống ùn tắc giao thông muốn hiệu quả thì cần phải được triển khai các biện pháp đồng bộ, tổng hợp, gồm 5 điểm chính như: Hạ tầng đầu tư tốt, có hệ thống thoát chứa nước mạch lạc; giao thông công cộng phải liên thông, hoạt động có hiệu quả, tránh tình trạng trì trệ, chậm tiến độ; quản lý nhà nước cũng cần được thắt chặt, tổ chức giao thông hiệu quả; người dân cần phải có ý thức hơn trong giao thông và sử dụng giao thông công cộng” - ông Thủy nói thêm. P.Đông - T.Giang

* Ông Phạm Hoài Chung - Giám đốc Trung tâm Giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải - phân tích: Dưới góc độ nghiên cứu, tác động của ùn tắc giao thông tới kinh tế- xã hội là rất lớn. Một số nghiên cứu cho thấy, về thiệt hại ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỉ USD/năm.

“Về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí IQI gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần. Về thời gian đi lại của người dân thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm. Ngoài ra, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng” - ông Phạm Hoài Chung nhấn mạnh. Tr.X

Bất cập cả quy hoạch xây dựng lẫn giao thông

* Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh - cho rằng, lỗi về quy hoạch xây dựng thì phải giải quyết bằng quy hoạch xây dựng vì vấn đề bất cập giữa quy hoạch xây dựng với giao thông là lỗi hệ thống, nếu không bị úng ngập mà vẫn ách tắc giao thông thường xuyên là phải xử lý triệt để. Hiện các trục đường Tố hữu - Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng… luôn bị ách tắc giao thông vào các khung giờ cao điểm. Trách nhiệm này thuộc Sở TNMT, Sở Xây dựng Kiến trúc khi cấp phép xây dựng, nhiều khu đô thị quỹ đất cho giao thông dưới 20% nên ùn tắc là đương nhiên. Do đó, trước mắt phải đình chỉ lại tất cả các công trình xây dựng nhà cao tầng trong 4 quận nội thành Hà Nội, phải công bố công khai rộng rãi cho người dân được biết. Song song đó, khi phát triển các khu đô thị phải bám các trục giao thông lớn để phát triển vận tải công cộng với việc xây dựng giao thông lập thể để giải quyết việc ùn tắc. Đặng Tiến

* Nguyên Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT - CAHN Nguyễn Ánh cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện xén dải phân cách giữa mở rộng mặt đường; lắp thêm đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông ở nhiều nút giao... nhằm mục tiêu xử lý thêm được 8-10 điểm "nóng" - thường xuyên ùn tắc giao thông. Về lâu dài, thành phố phải chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các chủ đầu tư khác để tổ chức thi công và chuẩn bị đưa vào sử dụng một số dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như: đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy; tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông... Đồng thời, có phương án kết nối hiệu quả giữa đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt nội đô... Hoàng Tùng

Phạm Đông - Tùng Giang
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội cắt tỉa cây xanh trong giờ cao điểm gây ùn tắc giao thông

ANH THƯ |

Việc cắt tỉa cây xanh trong giờ cao điểm sáng 9.9 khiến nhiều phương tiện giao thông bị ùn tắc khi qua khu vực đường Láng (Hà Nội).

Phó Thủ tướng: Gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông để Hòa Bình phát triển

Theo chinhphu.vn |

Ngày 24.7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình và đi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2020).

Bài toán giảm ùn tắc giao thông nhìn từ thực tế chống dịch

Lê Thanh Phong |

Những ngày thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, đường phố thông thoáng, sạch sẽ, bầu trời trong xanh, kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Hà Nội cắt tỉa cây xanh trong giờ cao điểm gây ùn tắc giao thông

ANH THƯ |

Việc cắt tỉa cây xanh trong giờ cao điểm sáng 9.9 khiến nhiều phương tiện giao thông bị ùn tắc khi qua khu vực đường Láng (Hà Nội).

Phó Thủ tướng: Gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông để Hòa Bình phát triển

Theo chinhphu.vn |

Ngày 24.7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình và đi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2020).

Bài toán giảm ùn tắc giao thông nhìn từ thực tế chống dịch

Lê Thanh Phong |

Những ngày thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, đường phố thông thoáng, sạch sẽ, bầu trời trong xanh, kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.