Ngày 27.10, báo chí thông tin đơn vị tư vấn vừa xây dựng và trình Sở Giao thông vận tải Hà Nội địa điểm sẽ lập 87 trạm thu phí phương tiện (ô tô) vào nội đô. Dự kiến thời gian thu phí xe từ 5 đến 21h hàng ngày, chia ra các khung giờ cao điểm và thấp điểm. Tại mỗi vị trí sẽ lắp đặt cổng thu phí tự động và hệ thống camera, không có người thu trực tiếp. Ô tô đi qua không phải dừng, tiền phí được trừ trong tài khoản của chủ xe.
Đơn vị tư vấn đưa ra các mức phí phương tiện lúc cao điểm khác thấp điểm; phí vé tháng, vé lượt cho các phương tiện khác nhau. Người dân sống gần trạm thu phí, xe ưu tiên được miễn giảm. Xe kinh doanh vận tải có mức phí thấp để không ảnh hưởng chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa. Xe chở khách công cộng có mức phí thấp hơn xe cá nhân...
Lộ trình triển khai chia theo theo các giai đoạn, trong đó hoàn thiện đề án, ban hành mức phí vào năm 2021-2025; từ năm 2025-2030 tổ chức thí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động cùng ngày, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đề án Hà Nội lập phương án thu phí xe vào nội đô chưa được hoàn tất. Theo đó, dự thảo này chưa được hoàn chỉnh nên chưa trình UBND TP.Hà Nội xem xét và cho ý kiến.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cho rằng, việc thu phí nội đô để giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường Thủ đô là cần thiết trong bối cảnh ùn tắc khu vực nội đô ngày càng trầm trọng.
Tuy nhiên để thực hiện được, Hà Nội cũng như cả nước cần sớm áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành giao thông; phương tiện ra vào nội đô đều được giám sát bằng hệ thống camera và thu phí tự động để tránh gây ùn tắc tại các trạm thu phí.
Đặc biệt, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe tại các tuyến đường vành đai, cũng như bố trí mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện để phục vụ người dân ngoại thành, ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe, đi lại thuận tiện bằng giao thông công cộng.
Còn TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông cho rằng, đã có nhiều quốc gia áp dụng phương thức này và đạt hiệu quả nhất định trong hạn chế số lượng phương tiện cá nhân, cũng như thay đổi thói quen sử dụng phương tiện đi lại, thúc đẩy phát triển cho phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, theo ông Phan Lê Bình, ở nước ta thì đây lại là vấn đề rất mới nên còn có những băn khoăn. Nếu áp dụng, các phương án kỹ thuật áp dụng thu phí cần được thực hiện khoa học, tránh tình trạng ùn tắc tại trạm dẫn đến mục tiêu ban đầu chưa giải quyết được lại tạo ra bất cập mới. Đồng thời, khi triển khai thu phí cần tránh chồng chéo giữa các loại phương tiện bị áp phí, loại phương tiện được miễn, giảm.
Khi bắt đầu thực hiện thu phí, người dân sẽ phải có những sự thay đổi trong thói quen sử dụng xe cá nhân và buộc phải có những lựa chọn mới. Do đó, trước hết thành phố cần hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt trên cao song song với các loại hình, dịch vụ sẽ phát sinh trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Bình cho rằng, Hà Nội cần có thông tin về việc sử dụng nguồn phí thu được. Khi đó, khoản phí thu được sẽ được bổ sung vào ngân sách xây dựng hạ tầng như thế nào? Điều này Hà Nội phải làm rõ để đáp ứng với lòng tin của người dân.