Khoảng 140ha rừng có chức năng che chắn thiên tai, bão cát cho hàng nghìn hộ dân ở 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát (tỉnh Bình Định) bất ngờ bị phá trắng. Diện tích bị phá đã được giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai quản lý, để đầu tư dự án điện gió. Nhưng theo ông Trương Văn Phúc - Phó tổng Giám đốc Công ty CP Phong điện Phương Mai, dù doanh nghiệp đã ra sức bảo vệ nhưng vẫn “lực bất tòng tâm”.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu điều tra
Liên quan đến việc cả nghìn cây dương, đường kính từ 10-50cm, tuổi từ 5-40 năm bị cưa sát gốc. Đồng thời, những dấu vết để lại cho thấy, các đối tượng đã sử dụng cưa máy cùng các phương tiện cơ giới để mở đường phá rừng, sau khi cưa hạ cây thì vận chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, hiện trường được dọn dẹp, đốt cháy nhiều lần đã được báo Lao Động đã phản ánh. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo công an tỉnh này khẩn trương điều tra, làm rõ vụ phá, đốt hàng trăm ha rừng có chức năng phòng hộ cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, diện tích rừng cây đã bị đốt phá đã được địa phương giao lại cho Công ty CP Phong điện Phương Mai để triển khai dự án điện gió Phương Mai 1. UBND tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, phục hồi những diện tích không làm điện gió để ngăn chặn các biến đổi khí hậu, thiên tai, nạn cát bay cho khu vực dân cư lân cận.
“Không biết vì nguyên nhân gì DN lại để mất rừng. Nếu nhà đầu tư cố tình phá, hoặc để cho người dân, kẻ xấu vào đốt, phá thì chúng tôi đều xử lý nghiêm” - ông Dũng cho hay.
Doanh nghiệp nói gì?
Ông Trương Văn Phúc - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Phong điện Phương Mai (chủ đầu tư dự án điện gió Phương Mai 1) - cho biết, đã làm văn bản gửi cơ quan Công an vào cuộc điều tra, xử lý. Đồng thời, DN phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định để thống kê, sau đó sẽ trồng lại diện tích đã bị cưa, đốt.
Cũng theo ông Phúc, dự án điện gió Phương Mai 1 có tổng kinh phí khoảng 1.400 tỉ đồng, dự kiến quý II năm 2020 hoàn thành. Diện tích rừng nằm trong dự án đã được chuyển thành đất cây xanh, sau đó DN đã bồi thường và thực hiện công tác bảo vệ. Thế nhưng, dù DN đã ra sức để bảo vệ, nhưng vẫn “lực bất tòng tâm”.
“Các đối tượng đã cưa, phá vào cả ban ngày lẫn ban đêm, nhưng ban đêm là chính. Khoảng tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã bắt xe, giữ lại người và những dụng cụ để khai thác. Sau đó, những người này đã gọi điện cho một nhóm người khác cầm theo gậy đuổi đánh. Những người đó rất hung hăng, đến tôi cũng bị những người này đánh” - ông Phúc nhớ lại.
Còn tại sao người dân chỉ chặt cây tại dự án, ông Phúc giải thích: “Có thể người dân biết số cây xanh đã chuyển cho DN, không thuộc quyền quản lý của nhà nước nên vào khai thác sẽ không ai xử lý. Quan điểm của DN là không chặt, không phá số diện tích rừng trên. Nếu DN “bật đèn xanh” để phá rừng thì sẽ không bao giờ bị người dân đánh. Đồng thời, dự án của chúng tôi cả hàng nghìn tỉ đồng, nên không có lý do gì để chặt những cây này làm ảnh hưởng tới dự án”.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phong điện Phương Mai nhiều lần khẳng định, DN không chặt, phá diện tích rừng trên. Cũng theo vị này, theo quy hoạch, DN sẽ giữ lại phần cây xanh trong phạm vi không sử dụng dự án. Ngoài ra, 140ha bị “tàn sát” trên không phải toàn bộ là cây xanh, có những diện tích không có cây.
“DN sau những lần như thế này cũng rút ra nhiều kinh nghiệm dù thực ra cũng khó vì chúng tôi đã làm hết khả năng. Nhưng khi trộm đến nhà, rồi bị đánh thì phải báo cơ quan chức năng để xử lý, nên mọi thứ phải chờ đợi thôi” - ông Phúc cho hay.